Nguồn: HSC
Thêm các chính sách được đề xuất hỗ trợ xe điện
Tóm tắt
Bộ Giao thông Vận tải đề xuất hỗ trợ xe điện
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang đề xuất Chính phủ đưa ra các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy sử dụng xe điện tại Việt Nam. Ba loại xe điện được xem xét trong đề xuất này bao gồm BEV (xe thuần điện), FCEV (xe điện pin nhiên liệu) và xe điện chạy bằng năng lượng mặt trời.
Nhiều chính sách hỗ trợ đã được đề xuất, bao gồm các ưu đãi cho cả hãng sản xuất và khách hàng nhằm (i) khuyến khích đầu tư vào xe điện (sản xuất và phát triển cơ sở hạ tầng trạm sạc) và (ii) giảm thiểu chi phí cho chủ sở hữu xe điện (cả chi phí trả trước và chi phí bảo trì). Trong đó, chính sách nổi bật bao gồm trợ giá cho khách hàng mua xe điện tối đa 1.000 USD.
Tỷ lệ thâm nhập của xe điện được đẩy nhanh với động lực từ Vinfast
Tỷ lệ sử dụng xe điện tại Việt Nam đã tăng tốc kể từ năm 2022 sau khi Vinfast tham gia cuộc đua xe điện. Theo Bộ GTVT, tổng số xe điện đã đăng ký trong giai đoạn 2018-2021 chỉ là 167 xe, nhưng sau đó đã nhanh chóng tăng lên gần 12.600 xe (bao gồm cả xe chở khách và xe buýt điện) tại thời điểm cuối tháng 7/2023.
Theo ước tính của chúng tôi, tỷ lệ sử dụng xe điện (tỷ lệ doanh số xe điện trên tổng doanh số ô tô) tại Việt Nam đã tăng từ 0% trong năm 2021 lên 1,4% trong năm 2022 và 6,6% trong nửa đầu năm 2023. Vinfast là động lực chính thúc đẩy tốc độ sử dụng xe điện, đặc biệt là kể từ năm 2022 khi hãng tuyên bố ngừng hoạt động kinh doanh xe động cơ đốt trong để tập trung 100% vào phát triển xe điện. Vinfast chiếm 99% tổng doanh số xe điện tại Việt Nam.
Theo HSC, tỷ lệ thâm nhập của xe điện mặc dù đã gia tăng cho đến nay nhưng với tốc độ không quá nhanh do chưa có sự đa dạng trong các sản phẩm. Chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ xuất hiện nhiều mẫu xe điện hơn, bên cạnh các mẫu xe Vinfast, từ đó sẽ cung cấp nhiều lựa chọn hơn cho khách hàng và thúc đẩy tỷ lệ sử dụng xe điện trong tương lai.
Tác động: Thời cơ và thách thức phía trước
Các chính sách hỗ trợ xe điện sẽ đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, đồng thời cũng sẽ đem lại cả cơ hội và thách thức cho các hãng sản xuất ô tô. Những chính sách này sẽ hỗ trợ những hãng xe đi đầu trong cuộc đua xe điện, đồng thời khiến thị trường trở nên cạnh tranh hơn trước sự thống trị của những hãng xe động cơ đốt trong. Chúng tôi cho rằng Vinfast sẽ được hưởng lợi chính nhờ là hãng xe điện lớn duy nhất trong ngành. Tuy nhiên, cơ hội cũng sẽ tới với các hãng xe khác nếu những hãng xe này nhanh chóng tung ra các mẫu xe điện mới, đồng thời đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trạm sạc.
Nhiều chính sách hỗ trợ được đề xuất để thúc đẩy xe điện
Bộ GTVT đã trình Chính phủ các đề xuất yêu cầu hỗ trợ chính sách để thúc đẩy việc sử dụng xe điện. Ba loại xe điện được xem xét trong đề xuất này bao gồm BEV (xe thuần điện), FCEV (xe điện pin nhiên liệu) và xe điện chạy bằng năng lượng mặt trời. Chính sách hiện tại chỉ đang hỗ trợ xe BEV.
Chính sách được đề xuất sẽ hỗ trợ cả hãng sản xuất xe và khách hàng. Một số chính sách đã có hiệu lực, tập trung vào giảm thiểu chi phí trả trước cho khách hàng mua xe điện, bao gồm giảm thuế TTĐB (so với xe động cơ đốt trong) và miễn lệ phí trước bạ.
Đối với các hãng sản xuất xe điện, các ưu đãi có thể được phân loại thành (i) ưu đãi về thuế và (ii) ưu đãi về tín dụng.
Đối với khách hàng mua xe điện: Một số ưu đãi được đề xuất để giảm chi phí trả trước, bao gồm (i) trợ giá lên tới 1.000 USD, (ii) ưu tiên tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, (iii) ưu đãi về thuế nhập khẩu đối với xe điện và (iii) ưu tiên khi tham gia giao thông (ví dụ: có thể sử dụng làn đường ưu tiên trong giờ cao điểm), bãi đậu xe đặc biệt dành cho xe điện, đặc biệt là tại khu vực trung tâm.
Hiện tại, không có chênh lệch thuế nhập khẩu giữa xe động cơ đốt trong và xe điện. Theo đó, thuế nhập khẩu là 0% trong khu vực ASEAN nhưng vẫn ở mức cao ngoài khu vực ASEAN (50-70%).
Đối với các doanh nghiệp phát triển hạ tầng trạm sạc, Bộ GTVT đề xuất xây dựng tiêu chuẩn trạm sạc phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ toàn cầu.
Các ưu đãi đối với các doanh nghiệp phát triển hạ tầng trạm sạc bao gồm (i) đơn giản hóa thủ tục pháp lý liên quan đến xây dựng trạm sạc (miễn giấy phép xây dựng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất), (ii) hỗ trợ liên quan đến năng lượng điện cho hạ tầng sạc công cộng (ưu tiên cung cấp điện và giá bán điện tương đương với hoạt động sản xuất công nghiệp).
Hiện tại, giá điện để sạc xe điện được quyết định bởi các doanh nghiệp phát triển cơ sở hạ tầng và cao hơn giá bán lẻ. Ví dụ, giá sạc tại các trạm sạc của Vinfast là 3.200đ/kWh (so với giá bán lẻ bình quân là 1.920đ/kWh), trong khi tại EBOOST (trạm sạc công cộng) là 8.900đ/kWh, chưa bao gồm phí kích hoạt mỗi lần sạc là 19.900đ với ô tô và 4.900đ với xe đạp điện.
Các chính sách hỗ trợ tập trung vào giảm chi phí cho người mua xe điện
Hiện tại, phụ tùng ô tô nhập khẩu đã được hưởng ưu đãi thuế theo Nghị định 101/2021/NĐ-CP ban hành ngày 15/11/2021. Theo đó, phụ tùng ô tô nhập khẩu chịu thuế nhập khẩu 0%, bất kể nguồn gốc xuất xứ, nếu các doanh nghiệp sản xuất đáp ứng sản lượng sản xuất tối thiểu – có hiệu lực đến cuối năm 2027. Nghị định này gia hạn cho giai đoạn áp dụng trước đó từ ngày 16/11/2017 đến ngày 31/12/2022.
Sản lượng sản xuất tối thiểu cần thiết đối với xe điện thấp hơn nhiều so với xe động cơ đốt trong. Trong giai đoạn 2022-2027, các hãng sản xuất xe động cơ đốt trong phải sản xuất được 23.000 xe/năm hoặc 9.000 xe/mẫu, để đủ điều kiện hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, số lượng xe điện cần thiết chỉ là 150 xe/năm.
Do đó, hầu hết các hãng sản xuất xe điện nếu có ý định thành lập cơ sở sản xuất trong nước, đều có thể đủ điều kiện hưởng thuế nhập khẩu linh kiện 0%. Tuy nhiên, không có ưu đãi thuế rõ ràng nào đối với các hãng sản xuất xe điện tại Việt Nam.
Theo nghiên cứu và thảo luận với các chuyên gia trong ngành, chi phí sản xuất của xe điện cao hơn khoảng 50% so với xe động cơ đốt trong tương đương, chủ yếu do chi phí pin cao.
Do đó, để giảm chi phí trả trước cho khách hàng mua xe điện, hai ưu đãi đã được đưa ra thông qua thuế TTĐB và lệ phí trước bạ.
Thuế TTĐB: Tại Việt Nam, ô tô được coi là mặt hàng xa xỉ và chịu thuế TTĐB theo Luật thuế TTĐB. Mức thuế TTĐB dao động từ 35-150% đối với xe đến 9 chỗ ngồi, 30% đối với xe từ 10-16 chỗ ngồi và 15% đối với xe từ 16-24 chỗ ngồi.
Xe hybrid – sử dụng kết hợp nhiên liệu xăng và điện, trong đó việc sử dụng xăng ít hơn 70% tổng lượng nhiên liệu sử dụng – phải chịu mức thuế TTĐB tương đương với 70% mức thuế TTĐB áp dụng cho các xe động cơ đốt trong tương đương. Theo đó, chỉ có xe PHEV (xe hybrid có sạc) mới đủ điều kiện, trong khi xe HEV (không có sạc) thì không đủ điều kiện.
Trong khi đó, xe BEV được hưởng nhiều ưu đãi nhất về thuế TTĐB, với thuế suất từ 1-3% trong 5 năm từ ngày 1/3/2022 đến ngày 28/2/2027 và 4-11% sau đó. Điều này cho thấy chênh lệch thuế suất thuế TTĐB trong khoảng 24-39% và sẽ giúp thu hẹp một cách hiệu quả chênh lệch giá bán giữa xe động cơ đốt trong và xe BEV.
Lệ phí trước bạ: Khách hàng mua ô tô hiện phải trả 10-12% lệ phí trước bạ (khi đăng ký xe với Cục Cảnh sát giao thông địa phương) dựa trên số tiền chi trả cho chiếc xe.
Tuy nhiên, theo Nghị định 10/2022/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/3/2022, khách hàng mua xe điện được miễn 100% lệ phí trước bạ trong 3 năm đầu kể từ ngày có hiệu lực và chi trả mức lệ phí bằng 50% so với xe động cơ đốt tương đương trong giai đoạn sau đó.
Nhờ đó, chi phí trả trước cho khách hàng mua xe điện giảm xuống và gần tương đương xe động cơ đốt trong.
Tỷ lệ thâm nhập xe điện của Việt Nam được đẩy nhanh
Tỷ lệ thâm nhập xe điện được đẩy nhanh
Theo ước tính của chúng tôi, tỷ lệ thâm nhập của xe điện (doanh số xe điện trên tổng doanh số ô tô) tại Việt Nam đã tăng từ 0% trong năm 2021 lên 1,4% trong năm 2022 và 6,6% trong nửa đầu năm 2023 (so với 14% trong năm 2022 và 8% trong năm 2021 trên toàn cầu). Vinfast là động lực chính thúc đẩy sử dụng xe điện, đặc biệt kể từ năm 2022 khi hãng xe này tuyên bố loại bỏ hoàn toàn xe động cơ đốt trong để tập trung 100% vào phát triển xe điện. Vinfast chiếm 99% tổng doanh số xe điện tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
…với động lực từ Vinfast
Vào đầu năm 2022, Vinfast đã khiến thị trường bất ngờ khi công bố kế hoạch loại bỏ hoàn toàn xe động cơ đốt trong trong năm 2022 và tập trung hoàn toàn vào xe điện. Công ty đã thực hiện theo thông báo và ngừng sản xuất xe động cơ đốt trong vào tháng 8/2022.
Vinfast bắt đầu nhận đơn đặt trước xe điện từ tháng 3/2021 và bàn giao những chiếc xe điện đầu tiên vào tháng 12/2021 (VFe34, SUV phân khúc B). Kể từ đó, danh mục xe điện của Vinfast đã nhanh chóng mở rộng sang VF8 vào tháng 11/2022, VF9 vào tháng 3/2023 và VF5 vào tháng 4/2023.
Tổng doanh số xe điện của Vinfast đạt 85 xe trong năm 2021, 7.080 xe trong năm 2022 và 11.638 xe trong nửa đầu năm 2023.
Doanh số xe điện của Vinfast gần đây phần lớn được thúc đẩy nhờ mảng kinh doanh taxi Green and Smart Mobility (GSM) (ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch HĐQT của Vingroup, sở hữu 95% cổ phần) thành lập vào tháng 3/2023 bao gồm 2 mảng kinh doanh (1) dịch vụ taxi và (2) cho thuê xe điện (cả ô tô và xe máy), với 100% đội xe từ Vinfast.
GSM bắt đầu mảng kinh doanh taxi từ tháng 4/2023 và đội xe ước tính hiện có 7.000 xe điện hoạt động tại các tỉnh thành lớn như Hà Nội, TP.HCM, Huế, Nha Trang và Đà Nẵng, Phú Quốc, Hưng Yên, Quảng Ninh.
Ngoài GSM, Vinfast còn bán xe điện cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ taxi khác như Lado (450 xe gồm 150 xe VFe34 và 300 xe VF5), Sun Taxi (3.000 xe VF5 Plus), từ đó củng cố doanh số của công ty.
Chúng tôi hiểu rằng Vinfast sẽ bổ sung thêm nhiều mẫu xe điện vào danh mục sản phẩm, bao gồm 3 mẫu xe VF6 (phân khúc B), VF7 (phân khúc C) và VF3 (xe cỡ nhỏ) trong nửa cuối năm nay. Nhờ đó, Vinfast sẽ bao phủ toàn bộ các phân khúc khách hàng (từ xe cỡ nhỏ, bình dân đến cao cấp).
Các hãng xe khác có thị phần hạn chế
Phân khúc phổ thông:
Phân khúc cao cấp:
Các hãng xe Trung Quốc cũng đang tìm cách tăng cường sự hiện diện
Sự hiện diện của các hãng xe Trung Quốc tại Việt Nam nhìn chung vẫn hạn chế. Trên thực tế, ngành ô tô chịu sự chi phối của các thương hiệu Nhật Bản và Hàn Quốc, với tổng thị phần khoảng 80%. Trong khi đó, chúng tôi ước tính thị phần của các hãng xe Trung Quốc chỉ chiếm 3%. Tuy nhiên, những hãng xe Trung Quốc đang đặt mục tiêu tăng cường sự hiện diện trong ngành ô tô của Việt Nam và đã hoạt động tích cực hơn trong năm nay.
Cơ sở hạ tầng sạc vẫn là rào cản chính
Rào cản chính đối với việc áp dụng xe điện là cơ sở hạ tầng sạc kém phát triển. Hiện tại, chỉ có Vinfast đầu tư hạ tầng trạm sạc, với tổng cộng 1.600 trạm sạc và 60.000 cổng sạc trên toàn quốc. Theo Bộ GTVT, Vinfast dự kiến sẽ nâng số lượng cổng sạc lên 150.000, phủ khắp 63/63 tỉnh thành.
Hiện tại, các trạm sạc của Vinfast được dùng để phục vụ riêng cho xe điện của Vinfast. Chúng tôi hiểu rằng trong giai đoạn đầu thâm nhập của xe điện, các trạm sạc của Vinfast sẽ không khả dụng cho những hãng xe điện khác, từ đó đem lại lợi thế cạnh tranh cho Vinfast so với những hãng xe khác.
Hyundai cũng lên kế hoạch thiết lập mạng lưới trạm sạc tại Việt Nam, cùng với việc ra mắt mẫu xe điện Ioniq 5, với mục tiêu phủ sóng 80% tỉnh thành vào cuối năm 2024.
Các hãng xe cao cấp như Mercedes Benz cũng có kế hoạch lắp đặt các trạm sạc tại các khu nghỉ dưỡng, ngoài các showroom.
Bên cạnh các hãng xe, các nhà phát triển độc lập cũng đã tham gia đầu tư mạng lưới trạm sạc. EBOOST (được thành lập bởi một doanh nhân Thụy Sĩ) là một trong số đó với khoảng 700 trạm sạc dành cho xe điện từ tất cả các thương hiệu.
Những hãng xe khác không quan tâm đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng sạc sở hữu riêng do doanh số thấp trong giai đoạn này. Theo đó, khách hàng mua xe điện của các thương hiệu khác sẽ nhận bộ sạc tại nhà để có thể sạc tại nhà hoặc có thể đến showroom để sạc. Cơ sở hạ tầng sạc thiếu hụt chắc chắn sẽ gây bất tiện cho chủ sở hữu xe điện và sẽ là rào cản chính đối với tỷ lệ thâm nhập vào thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng khi nhu cầu gia tăng, hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng trạm sạc sẽ nhanh chóng được đẩy mạnh, đặc biệt là với các chính sách hỗ trợ được đưa ra.
Tác động: Cơ hội và thách thức phía trước
Chính phủ hiện đang lấy ý kiến từ các bên liên quan nên vẫn chưa chắc chắn về khả năng và thời điểm thông qua của những đề xuất này. Tuy nhiên, nếu được bật đèn xanh, những đề xuất này chắc chắn sẽ là động lực thúc đẩy việc sử dụng xe điện.
Tốc độ sử dụng xe điện được đẩy nhanh, trong khi người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn, mức độ cạnh tranh trên thị trường sẽ gia tăng. Vinfast chắc chắn sẽ hưởng lợi lớn nhất do hãng này hiện là hãng sản xuất xe điện chính tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi các hãng khác cũng đẩy nhanh tốc độ ra mắt các mẫu xe điện mới và đầu tư cơ sở hạ tầng trạm sạc, vị trí dẫn đầu thị trường xe điện của Vinfast sẽ gặp khó khăn để duy trì.
Hầu hết các hãng sản xuất ô tô toàn cầu đã tham gia cuộc đua xe điện, trong đó các công ty Trung Quốc và Mỹ hoạt động tích cực nhất. Các quốc gia hàng đầu ngành ô tô truyền thống – như Nhật Bản – khởi đầu chậm chạp nhưng cũng nhanh chóng bắt kịp xu hướng.
Tuy nhiên, nhiều khả năng những quốc gia này sẽ hướng tới các thị trường sẵn sàng hơn trước sau đó đợi thời điểm thích hợp để ra mắt xe điện tại Việt Nam. Ra mắt quá sớm sẽ không hiệu quả nếu tỷ lệ hấp thụ quá thấp. Tuy nhiên, tham gia cuộc đua quá muộn cũng sẽ gặp rủi ro nếu những doanh nghiệp tiên phong đã tạo dựng được thị phần.
Các hãng sản xuất ô tô sẽ gặp nhiều thách thức hơn do vừa phải đầu tư số tiền lớn để phát triển xe điện riêng nhưng vẫn phải duy trì lợi nhuận đối với các dòng xe động cơ đốt trong để tài trợ cho các khoản đầu tư xe điện.