Tổng CTCP Bưu chính Viettel (VTP): Ban lãnh đạo có quan điểm tích cực đối với triển vọng các mảng kinh doanh cốt lõi trong năm 2024

                                                                                     Nguồn: VCSC

Ban lãnh đạo có quan điểm tích cực đối với triển vọng các mảng kinh doanh cốt lõi trong năm 2024

 

 

Triển vọng năm 2024:

Kế hoạch kinh doanh năm 2024: VTP đặt kế hoạch doanh thu năm 2024 là 13 nghìn tỷ đồng, bao gồm 7 nghìn tỷ đồng doanh thu từ mảng dịch vụ chuyển phát và 6 nghìn tỷ đồng từ mảng dịch vụ hoàn tất đơn hàng (fulfillment) và các dịch vụ khác. Kế hoạch doanh thu năm 2024 thấp hơn 34% so với doanh thu năm 2023 mặc dù VTP đặt kế hoạch doanh thu từ các mảng kinh doanh cốt lõi tăng 2 nghìn tỷ đồng vào năm 2024 so với năm 2023. Điều này là do VTP có kế hoạch loại bỏ HĐKD bán thẻ cào điện thoại di động vào năm 2024 (doanh thu khoảng 7-8 nghìn tỷ vào năm 2023) để phản ánh rõ ràng lợi nhuận của các mảng kinh doanh cốt lõi của công ty. Ngoài ra, VTP đặt mục tiêu LNTT là 480 tỷ đồng (không đổi so với cùng kỳ) vào năm 2024 do công ty dự kiến việc loại bỏ HĐKD bán thẻ cào điện thoại di động (mảng kinh doanh có biên lợi nhuận thấp) được bù đắp bằng lợi nhuận cao hơn từ các mảng kinh doanh cốt lõi.

Đầu tư ra nước ngoài: Ban lãnh đạo đặt mục tiêu thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài bao gồm (1) triển khai dịch vụ chuyển phát tại Lào và (2) thành lập văn phòng đại diện tại Thái Lan và Trung Quốc để nghiên cứu các cơ hội tiềm năng. Ban lãnh đạo xem Lào là thị trường tiềm năng do ngành dịch vụ chuyển phát kém phát triển với chỉ 5% tổng sản lượng bưu kiện được giao tận nơi. Việc mở rộng này sẽ được triển khai dựa trên cơ sở hạ tầng và nguồn lực hiện có của Viettel tại Lào. Trong khi đó, VTP đặt mục tiêu tăng lượng hàng hóa từ Trung Quốc. Trung Quốc cũng là thị trường lớn cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Kế hoạch vốn XDCB giai đoạn 2024-2025:
 

VTP đặt mục tiêu vốn XDCB giai đoạn 2024-2025 là 3 nghìn tỷ đồng, chủ yếu chi cho:

  • Xây dựng trung tâm logistics tại thành phố Đà Nẵng (vốn XDCB dưới 1 nghìn tỷ đồng, diện tích 10 ha): VTP dự kiến xây dựng kho fulfillment chủ yếu cho hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) và dược phẩm, được trang bị công nghệ chia chọn hiện đại hơn các tổ hợp công nghệ chia chọn hiện tại. Do đó, dự án này dự kiến sẽ phục vụ như một tổ hợp chia chọn ở khu vực miền Trung và thị trường nước ngoài (Lào và Campuchia). VTP dự kiến sẽ đưa dự án này vào hoạt động vào quý 4/2024.
  • Triển khai dịch vụ chuyển phát tại Lào và mở rộng dịch vụ chuyển phát hiện có tại Campuchia và Myanmar (vốn XDCB 300-400 tỷ đồng vào năm 2024).
  • Phát triển hệ thống nhà kho.
  • Phát triển các tổ hợp chia chọn hàng hóa.
Mảng chuyển phát:

Thị phần: VTP đặt mục tiêu tăng thị phần về mặt sản lượng bưu phẩm lên 20%-22% vào năm 2024 so với khoảng 20% vào năm 2023. Điều này có thể đạt được bằng cách tăng cường chất lượng dịch vụ giao hàng, đẩy mạnh sản lượng hàng hóa từ thị trường nước ngoài về Việt Nam, xây dựng cơ sở hạ tầng livestream bán hàng để hỗ trợ khách hàng bán sản phẩm, v.v.

Giá trung bình của dịch vụ chuyển phát: VTP dự kiến sẽ giữ giá trung bình của dịch vụ chuyển phát trong năm 2024 không đổi so với cùng kỳ, nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ và tích lũy đủ nguồn vốn cho các khoản đầu tư dài hạn của VTP.

Lợi thế cạnh tranh được cải thiện:

  • VTP tự tin với thời gian chuyển phát nhanh nhất trong ngành chuyển phát tại Việt Nam. Thời gian chuyển phát trung bình đối với các dịch vụ chuyển phát (chuyển phát tiết kiệm, chuyển phát nhanh và giao hàng nặng, hàng lớn) là 36-38 giờ. Thời gian chuyển phát trung bình để giao bưu kiện cho các nền tảng thương mại điện tử là 32-34 giờ.
  • VTP tự tin với chất lượng dịch vụ giao hàng của công ty. VTP cho thấy năng lực hoạt động ổn định trong mùa cao điểm trước Tết Nguyên đán 2024. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh lại gặp khó khăn trong việc xử lý sản lượng bưu phẩm lớn.
  • VTP tin tưởng công nghệ được công ty áp dụng sẽ tiếp tục giúp tăng năng suất và tối ưu hóa chi phí.

Tệp khách hàng: Ban lãnh đạo cho rằng vẫn còn dư địa lớn cho việc thu hút những người bán hàng trực tuyến độc lập làm khách hàng mới của VTP do những người bán này thường mong muốn phát triển kênh bán hàng trực tuyến của riêng họ thay vì bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử, chủ yếu để có lợi nhuận tốt hơn.

Các quy định của Chính phủ:

  • VTP cho rằng sự cạnh tranh sẽ tiếp tục do ít trở ngại để tham gia vào ngành đối với các doanh nghiệp mới và thiếu các quy định chặt chẽ về giá bưu chính tại Việt Nam. Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu hoàn thành dự thảo Luật Bưu chính sửa đổi vào năm 2024. Ngoài ra, việc áp dụng giá sàn cho dịch vụ chuyển phát cũng đã được VTP đề xuất và đang được thảo luận.
  • Theo VTP, các quy định của Chính phủ sẽ giúp cô đặc ngành dịch vụ chuyển phát trong dài hạn. Có thể sẽ có 3 đến 4 công ty lớn với cơ sở hạ tầng tốt thống trị ngành, trong khi những công ty nhỏ có thể trở thành nhà cung cấp (vendor) cho những công ty lớn này.

Mảng fulfillment:

Theo VTP, người bán hàng trực tuyến ưa chuộng việc thuê ngoài dịch vụ kho bãi và chuyển phát để tập trung hoàn toàn vào sản xuất và kinh doanh sản phẩm. Do VTP cung cấp trọn gói dịch vụ hoàn tất đơn hàng nên VTP có thể tối ưu hóa chi phí hoàn tất đơn hàng cho khách hàng của công ty.

 Quan điểm của chúng tôi:
  • Chúng tôi cho rằng những diễn biến tích cực gần đây của thị trường dịch vụ chuyển phát có thể hỗ trợ cho KQKD của VTP trong năm 2024.
  • Chúng tôi nhận thấy tiềm năng điều chỉnh tăng đối với dự báo năm 2024 của chúng tôi cho VTP, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
Chúng tôi hiện có khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG cho VTP với giá mục tiêu là 34.600 đồng/cổ phiếu.