Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS): Kế hoạch xuất khẩu điện sang Singapore

Nguồn: HSC

Kế hoạch xuất khẩu điện sang Singapore

 

8 thành tựu nổi bật của ngành Dầu khí Việt Nam - PTSC

 

Tóm tắt

  • Liên danh PVS và Sembcorp đã được chấp thuận triển khai dựa án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam để xuất khẩu đang Singapore, bắt đầu từ năm 2030. Công suất dự kiến là 2,3 GW và vốn đầu tư là 4,6 tỷ USD.
  • Giá trị hợp đồng chưa thực hiện hiện tại trong lĩnh vực năng lượng tái tạo – chưa bao gồm dự án với Singapore – ước tính 245 triệu USD, tương đương 21,7% giá trị hợp đồng chưa thực hiện của Công ty. HSC tin rằng giá trị hợp đồng ở lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ tăng trưởng, đặc biệt là từ các dự án của Orsted.
  • HSC duy trì khuyến nghị Mua vào và giá mục tiêu 45.000đ (tiềm năng tăng giá 34,3%) cho PVS vì Công ty sẽ hưởng lợi từ nhu cầu gia tăng đối với điện gió ngoài khơi và dịch vụ dầu khí thượng nguồn.

Sự kiện: Dự án hợp tác xuất khẩu điện gió ngoài khơi sang Singapore được chấp thuận

Vào ngày 29/8/2023, liên doanh giữa PVS và Sembcorp của Singapore đã được trao Giấy phép khảo sát và Ý định thư để triển khai các dự án điện gió ngoài khơi với công suất 2,3 GW với tổng vốn đầu tư kỳ vọng 4,6 tỷ USD và xuất khẩu điện sang Singapore thông qua tuyến cáp cao áp ngầm dưới biển, bắt đầu từ năm 2030.

PVS hiện là nhà đầu tư đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép để triển khai các hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển để phát triển dự án điện gió ngoài khơi.

Doanh nghiệp hưởng lợi từ xu hướng phát triển điện gió ngoài khơi

PVS đang đa dạng hóa sang lĩnh vực năng lượng tái tạo để tận dụng xu hướng chuyển đổi sang năng lượng xanh bên cạnh hoạt động truyền thống trong lĩnh vực dầu khí. Chúng tôi đánh giá PVS có lợi thế để trở thành nhà thầu/nhà đầu tư dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo nhờ sự tương đồng giữa các dự án dầu khí ngoài khơi và năng lượng tái tạo ngoài khơi. Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu triển khai 17 GW công suất điện gió ngoài khơi vào năm 2030 và 87 GW vào năm 2050 (Việt Nam chưa có điện gió ngoài khơi trong năm 2023).

Hiện PVS cũng đã thành lập liên doanh với Orsted của Đan Mạch – tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi – để tham gia đấu thầu các dự án của tập đoàn này. Giá trị hợp đồng chưa thực hiện trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của PVS ước tính là 245 triệu USD, tương đương 21,7% giá trị hợp đồng chưa thực hiện của Công ty. HSC tin rằng giá trị hợp đồng ở lĩnh vực điện gió ngoài khơi có thể đạt ít nhất 1,5 tỷ USD dựa trên các dự án tiềm năng của Orsted tại Đài Loan và Ba Lan.

Duy trì khuyến nghị Mua vào & giá mục tiêu 45.000đ

HSC duy trì khuyến nghị Mua vào và giá mục tiêu 45.000đ cho PVS. Diễn biến giá cổ phiếu PVS sẽ phụ thuộc vào tiến triển của dự án Lô B và thông tin tích cực từ dự án Cá Voi Xanh. Ngoài ra, việc PVS tham gia vào lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng là diễn biến tích cực đối với lợi nhuận và dòng tiền trong dài hạn.