Nguồn: VCSC
Sản xuất tăng trong tháng 7
Sản xuất cải thiện trong tháng 7; Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) đạt mức cao nhất trong 5 tháng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 tăng 3,9% so với tháng 6 và 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái (YoY) - mức tăng cao nhất trong 5 tháng qua. Tuy nhiên, tính chung trong 7 tháng đầu năm 2023, IIP toàn ngành vẫn giảm 0,7% so với cùng kỳ do nhu cầu xuất khẩu giảm sút trong nửa đầu năm 2023 đã ảnh hướng đến sản xuất. IIP của ngành sản xuất cũng tăng 4,2% so với tháng 6 và 3,6% so với T7/2022 với phần lớn các lĩnh vực đều ghi nhận tăng trưởng, tuy nhiên, trong 7 tháng đầu năm 2023, IIP ngành sản xuất vẫn giảm 1,1%. Ngoài ra, theo S&P Global, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 7 đạt 48,7, cao nhất trong 5 tháng qua. Chúng tôi kỳ vọng sản xuất và xuất khẩu sẽ tăng trong tháng 8 do loạt sản phẩm mới của Samsung dự kiến sẽ được tung ra thị trường vào tháng 8.
Khách du lịch quốc tế gia tăng tiếp tục góp phần hỗ trợ doanh thu bán lẻ. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tăng 1,1% so với tháng trước và 7,1% so với cùng kỳ. Trong 7 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 10,4% so với cùng kỳ (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,6%), trong đó doanh thu bán lẻ ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và doanh thu dịch vụ du lịch tăng lần lượt 16,3% YoY và 53,6% YoY. Ngành du lịch phục hồi có thể hỗ trợ doanh thu bán lẻ. Bên cạnh đó, việc cắt giảm 2% thuế GTGT và việc tăng lương cơ bản của cán bộ, công chức (từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng) có hiệu lực từ tháng 7/2023, có thể giúp hỗ trợ sức mua.
Đầu tư công tiếp tục tăng mạnh. Theo Bộ Tài chính, tổng thu và chi Ngân sách Nhà nước (NSNN) đạt 1.016,1 nghìn tỷ đồng (-7,8% YoY) và 957,0 nghìn tỷ đồng (+13,7% YoY), lần lượt hoàn thành 62,7% và 46,1% kế hoạch năm, dẫn đến NSNN thặng dư 59,1 nghìn tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm 2023 (so với 250,8 nghìn tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm 2022). Đáng chú ý, chi Đầu tư & Phát triển tăng 43,2% so với cùng kỳ đạt 267,6 nghìn tỷ đồng — tương đương khoảng 36,8% kế hoạch năm. Chúng tôi duy trì quan điểm chi tiêu tài khóa sẽ là động lực chính cho nền kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn. Chúng tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công từ nay đến cuối năm để hạn chế tác động tiêu cực của kinh tế toàn cầu đối với xuất khẩu và sản xuất, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
FDI đăng ký cao nhất trong 3 tháng. Như chúng tôi đã đề cập trong báo cáo Cập nhật Vĩ mô tháng 6/2023, vốn tăng thêm của dự án LG Innotek (1,0 tỷ USD) đã giúp hỗ trợ số liệu FDI đăng ký trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm. Trong 7 tháng đầu năm 2023, vốn FDI đăng ký tăng 4,5% so với cùng kỳ lên 16,2 tỷ USD — cải thiện đáng kể so với mức giảm gần 40% so với cùng kỳ trong quý 1/2023 (4T 2023: -17,9% YoY; 5T 2023: - 7,3% YoY; 6T 2023: -4,3% YoY). Trong khi đó, vốn FDI giải ngân đạt 11,6 tỷ USD (+0,1% so với cùng kỳ) trong 7 tháng đầu năm. Chúng tôi duy trì quan điểm Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhờ những lợi thế cơ bản như như vị trí địa lý, danh sách dài các hiệp định FTAs, chi phí nhân công thấp, cùng nhiều lợi thế khác.
Thặng dư thương mại tiếp tục gia tăng. Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu và nhập khẩu trong tháng 7 đã tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng qua, nhưng vẫn giảm lần lượt 3,5% YoY và 9,9% YoY. Trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt giảm 10,6% YoY và 17,1% YoY xuống 194,73 tỷ USD và 179,5 tỷ USD, dẫn đến thặng dư thương mại đạt 15,2 tỷ USD (6T 2023 thặng dư 12,8 tỷ USD & 7T 2022 thặng dư 1,34 tỷ USD). Mặc dù xuất nhập khẩu hàng hóa đã cải thiện trong tháng 7, nhưng chúng tôi vẫn chưa nhận thấy những tín hiệu rõ ràng cho đà phục hồi ổn định của xuất khẩu. Tuy nhiên, do loạt sản phẩm mới của Samsung dự kiến sẽ được tung ra thị trường vào tháng 8, chúng tôi kỳ vọng xuất khẩu sẽ tăng trong tháng 8.
Giá lương thực/thực phẩm và giá điện khiến lạm phát tháng 7 tăng. CPI tháng 7 tăng 0,45% so với tháng trước và 2,1% so với cùng kỳ, thu hẹp lạm phát bình quân trong 7T 2023 xuống 3,12% (so với 3,29% trong nửa đầu năm 2023). CPI tháng 7 tăng chủ yếu do giá lương thực/thực phẩm và giá điện tăng. Chúng tôi cho rằng áp lực lạm phát sẽ duy trì trong tháng 8 do: 1) Giá gas trong nước trong tháng 8 tăng khoảng 7,0% so với tháng 7, khiến CPI trong tháng 8 có thể tăng tăng hơn 0,1 điểm %; 2) giá dầu thô toàn cầu tăng do kỳ vọng tăng nhu cầu từ Mỹ và lo ngại về việc Ả Rập Xê Út và Nga tiếp tục cắt giảm nguồn cung; 3) nhu cầu cao hơn trong kỳ nghỉ hè và giá gạo tăng có thể gây áp lực lên CPI nhóm hàng lương thực/thực phẩm/dịch vụ ăn uống; và 4) một số trường học có thể bắt đầu tăng học phí từ tháng 8.
Tỷ giá USD/VND tăng nhẹ trong tháng 7. Trong tuần đầu tiên của tháng, tỷ giá USD/VND giao dịch quanh mức 23.760 – mức cao nhất kể từ đầu tháng 3. Tuy nhiên, tỷ giá USD/VND đã hạ nhiệt từ tuần thứ 2 và giao dịch quanh mức 23.689 trên thị trường liên ngân hàng vào cuối tháng (tỷ giá USD/VND tăng 0,45% trong háng 7 và tăng 0,38% so với đầu năm), mặc dù Fed tăng lãi suất vào ngày 26/7. Chúng tôi tiếp tục kỳ vọng nguồn cung ngoại tệ ổn định từ FDI, xuất siêu hàng hóa, đồng thời thâm hụt thương mại dịch vụ có xu hướng thu hẹp sẽ tiếp tục hỗ trợ tỷ giá ổn định trong thời gian từ nay đến cuối năm.