Bản tin thị trường tiền tệ, trái phiếu: Tuần 25/12/2023 - 29/12/2023

                           Nguồn: SSI

 

 

Thị trường tiền tệ

Lãi suất liên ngân hàng bật tăng mạnh

Tuần trước, có 4,5 nghìn tỷ đồng trúng thầu trên kênh thị trường mở, ở kỳ hạn 7 ngày là lãi suất 4%, tương đương với việc NHNN bơm ròng 4,5 nghìn tỷ đồng. Đối với lãi suất liên ngân hàng, lãi suất kỳ hạn qua đêm bật tăng mạnh trong này giao dịch cuối cùng của năm, lên mức 3,6% cho kỳ hạn qua đêm (tăng 330 điểm cơ bản so với tuần trước đó). Áp lực về thanh khoản trong tuần giao dịch cuối cùng của năm cao hơn bình thường và khiến lãi suất liên ngân hàng tăng khá mạnh. Lãi suất trên thị trường 2 sẽ còn phải chịu nhiều biến động mạnh hơn cho đến kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên Đán.

Số liệu từ TCTK cho thấy, tính đến ngày 21/12, M2, huy động vốn và tín dụng lần lượt tăng 10,03%, 10,85% và 11,09% so với cuối năm 2022 (2022 ghi nhận mức tăng lần lượt là 3,85%, 5,99% và 12,87%). Với việc M2 và huy động vốn tăng nhanh hơn, trong khi tín dụng chậm lại giúp thanh khoản trên hệ thống ở mức dồi dào. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay mới đã nhanh chóng quay lại mức thấp của năm 2021 trong khi lãi suất cho vay hiện hữu cũng có xu hướng giảm mạnh trong nửa cuối năm 2023.

 

Thị trường ngoại hối

Giá vàng SJC trong nước giảm mạnh

Trong tuần trước, không có nhiều thông tin kinh tế được công bố. Thị trường vẫn đang đánh giá xác suất Fed giảm lãi suất trong kỳ họp FOMC tháng 3/2024 là 70%. Đồng USD tiếp tục xu hướng giảm, với chỉ số DXY giảm 0,4% trong tuần qua và DXY đã giảm 2,1% so với cuối năm 2022. Các đồng tiền chủ chốt đều tăng giá so với USD như JPY (+0,5%), EUR (0,3%) và GBP (0,1%). Trong năm 2023, JPY là đồng tiền ghi nhận mức mất giá mạnh nhất so với USD (-8,1%), trong khi GBP (+5,2%) và EUR (+3,2%) đều tăng giá. Các đồng tiền trong khu vực Châu Á có biến động trái chiều với CNY (-3,1%), VND (-2,6%) và KRW (-2,0%) giảm giá và TWD (+0,5%), THB (+0,8%) và SGD (+1,4%) tăng giá so với USD.

Trên thị trường trong nước, tỷ giá USDVND tăng giá nhẹ. Tỷ giá liên ngân hàng kết tuần ở vùng VND 24.260 – tăng 0,1% và ghi nhận mức tăng 2,6% trong năm 2023. Tương tự, tỷ giá niêm yết của VCB đóng cửa quanh mức VND 24.030 – VND 24.400 – tăng 10 đồng so với tuần trước đó. Ngược lại, tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục xu hướng tăng và kết tuần ở VND 24.770 – tăng 50 đồng so với tuần trước.

Điểm đáng chú ý trong tuần qua là thông điệp từ NHNN sẵn sàng triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng, và sửa đổi Nghị định 24 trong tháng 1/2024. Trên thực tế, giá vàng SJC trong nước trong năm 2023 có những thời điểm ghi nhận mức tăng hơn 20% so với cuối năm 2022 trong khi giá vàng thể giới chỉ tăng khoảng 14%. Điều này phần lớn là do nguồn cung vàng SJC bị hạn chế và ngay sau thông điệp từ NHNN, giá vàng SJC đã điều chỉnh mạnh giảm 3,5-5 triệu đồng/lượng – đưa chênh lệch giá vàng SJC trong nước và giá vàng thế giới về mức 15 triệu đồng/lượng.

Thị trường trái phiếu chính phủ

Lợi suất trên cả hai thị trường đi ngang

Tuần trước, chỉ có KBNN đăng ký gọi thầu 4,5 nghìn tỷ đồng, ở các kỳ hạn 5, 10, 15 và 30 năm và chỉ có 40% khối lượng trúng thầu, ở các kỳ hạn 10 và 30 năm. Lợi suất trúng thầu đi ngang so với phiên trước đó. Như vậy, trong năm 2023, lợi suất trên thị trường sơ cấp đã ghi nhận mức giảm 240 điểm cơ bản – quay về tương đương giai đoạn 2021. KBNN đã phát hành thành công 298,5 nghìn tỷ đồng trong năm 2023, tăng 39% so với cùng kỳ. Khối lượng phát hành tập trung ở kỳ hạn 10 năm (118,9 nghìn tỷ) và 15 năm (132,1 nghìn tỷ). Bên cạnh đó, KBNN cũng đẩy nhanh phát hành kỳ hạn 5 năm (31,9 nghìn tỷ).

Lợi suất trái phiếu trên thị trường thứ cấp đi ngang trong tuần qua Kết tuần đóng cửa như sau: 1 năm (1,55%, +0 bps), 3 năm (1,57%; +0 bps); 5 năm (1,53%, +0 bps); 10 năm (2,24%, +4 bps); 15Y (2,44%, +3 bps); 20Y (2,91%, +1 bps) và 30Y (3,01%, +0 bps). Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tăng 22,6% lên 17,8 nghìn tỷ đồng/ngày. Nhà đầu tư nước ngoài không phát sinh giao dịch trong tuần cuối cùng của năm và đã bán ròng 4,5 nghìn tỷ đồng trong năm 2023.