1) GDP quý 2 tăng trưởng mạnh hơn kỳ vọng với mức tăng đạt 6,9% YoY (so với kịch bản lạc quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: +6,3% YoY). GDP 6 tháng đầu năm vẫn duy trì đà tăng trưởng, đạt 6,4% YoY (1H23: +3,8% YoY; 2023: +5,05% YoY). Chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục trên đà phục hồi trong nửa cuối năm 2024, nhờ vào: 1) Hoạt động sản xuất và xuất khẩu tiếp tục cải thiện nhờ sự phục hồi của nhu cầu trong nước và toàn cầu; 2) tiếp tục thu hút dòng vốn FDI; 3) du lịch dẫn dắt tiêu dùng hồi phục; 4) đầu tư công được đẩy mạnh trong hai quý còn lại. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ cũng đóng vai trò quan trọng cho sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam.
2) Giải ngân FDI tiếp tục tăng trong tháng 6 (+9,3% YoY) và cải thiện 8,2% YoY đạt 10,84 tỷ USD trong nửa đầu năm. Tổng vốn FDI đăng ký, góp vốn và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 15,2 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm. Đáng chú ý, vốn FDI đăng ký mới tăng 46,9% YoY, đạt gần 9,54 tỷ USD trong nửa đầu năm; và vốn FDI đăng ký bổ sung tăng ấn tượng trong tháng 6 (+187,2% YoY), tạo đà tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm (+35% YoY; đạt 3,95 tỷ USD).
3) Trong nửa đầu năm, xuất khẩu (+14,5% YoY) và nhập khẩu (+17% YoY) hồi phục trở lại, sau khi giảm so với cùng kỳ vào năm 2023 (lần lượt là - 4,6% YoY và -9,1% YoY), với thặng dư thương mại đạt 11,63 tỷ USD, nhờ vào sự phục hồi của các sản phẩm chủ lực như Máy tính, điện tử và linh kiện (+28,6% YoY) và Điện thoại và linh kiện (+11,3% YoY), Gỗ và sản phẩm gỗ (+22,2% YoY). Chỉ số sản xuất công nghiệp hồi phục vững chắc trong nửa đầu năm (+7,7% YoY; so với 2023: +1,5% YoY), được hỗ trợ bởi IIP Công nghiệp chế biến chế tạo (+8,5% YoY) trong bối cảnh nhu cầu cải thiện ở cả các đối tác thương mại chính và trong nước. PMI S&P Global sản xuất Việt Nam tăng mạnh lên 54,7 trong tháng 6, cho thấy sức khỏe của ngành được cải thiện hàng tháng thứ ba liên tiếp và các điều kiện kinh doanh mạnh lên đáng kể. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử, thúc đẩy các công ty tăng cường hoạt động sản xuất và mua hàng, đồng thời tăng số lượng nhân viên lần đầu tiên sau ba tháng.
4) Doanh số bán lẻ duy trì ổn định trong 1H24 (+8,6% YoY) nhưng với tốc độ chậm hơn so với 1H23 (1H23: +11,3% YoY). Trong đó, số lượng khách du lịch quốc tế phục hồi cao hơn mức trước đại dịch và đạt 8,8 triệu lượt khách trong 6 tháng đầu năm 2024 (+4,1% so với nửa đầu năm 2019).
5) Chúng tôi kỳ vọng giải ngân vốn đầu tư công sẽ được đẩy mạnh và đạt ít nhất 95% kế hoạch Thủ tướng giao. Theo tính toán của chúng tôi, để đạt 95% đến 100% kế hoạch Thủ tướng giao, bình quân trong 7 tháng còn lại cần giải ngân ít nhất 62,3 đến 67,1 nghìn tỷ đồng mỗi tháng (cao gấp 1,9 đến 2,0 lần so với mức trung bình giải ngân trong 1H24).
6) CPI tiếp tục tăng tốc trong tháng 6 (+4,3% YoY), mặc dù giảm nhẹ so với CPI tháng 5 và tháng 4 (+4,4% YoY). Trung bình 6 tháng đầu năm, CPI và CPI cơ bản tăng lần lượt 4,1% YoY và 2,8% YoY, vẫn nằm dưới mục tiêu 4–4,5% của chính phủ.
7) Tính đến cuối tháng 6, tỷ giá bán niêm yết tại Vietcombank ghi nhận 25.473 VND, tương ứng với mức mất giá 4,31% so với đầu năm và không thay đổi đáng kể so với tháng trước. Về triển vọng cắt lãi suất đến từ Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed), Bản Tóm tắt Dự báo Kinh tế đến từ Fed được công bố vào tháng 6 cho thấy dự kiến sẽ có khoảng một lần cắt lãi suất trong năm 2024, tương ứng với 25 điểm cơ bản. Tuy nhiên, kỳ vọng của thị trường cho thấy có khả năng rằng sẽ có thêm một lần cắt nữa nếu dữ liệu kinh tế vĩ mô từ tháng 7 và tháng 8 có thể bổ trợ quyết định này. Mặc dù vậy, việc chỉ ghi nhận từ một hoặc hai lần cắt lãi suất đến từ Fed trong nửa cuối năm 2024 khó có thể tạo ra ảnh hưởng đáng kể đến bối cảnh đang căng thẳng của tỷ giá do sự chênh lệch lãi suất đáng kể giữa USD và VNĐ. Do đó, chúng tôi dự kiến áp lực tỷ giá sẽ tiếp tục duy trì, dù sẽ có phần ít căng thẳng hơn so với đầu năm. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có khả năng kéo dài chiến lược bán giao ngay USD từ dự trữ ngoại hối, điều chỉnh dần lãi suất cơ bản thông qua việc phát hành tín phiếu và hợp đồng mua lại đảo ngược (Reverse Repos) trong khi chờ đợi dòng vốn ngoại vào Việt Nam tương tự như giai đoạn cuối năm 2023, cũng như kỳ vọng sự giảm tốc của dòng vốn chảy ra khi Fed nới lỏng chính sách tiền tệ.
Thị trường chứng khoán tại Việt Nam:
1) Tổng quan thị trường trong tháng 6: VN-Index giảm 16,4 điểm (-1,3% so với tháng trước) trong tháng 6, đóng cửa ở mức 1.245,32 và kéo dài đà giảm trong quý 2 năm 2024 lên gần 39 điểm (-3,02% so với quý trước). Sau ba tuần giảm điểm trong tháng 6, VN-Index vẫn chưa sẵn sàng vượt qua ngưỡng tâm lý 1.300 điểm. Thay vào đó, hoạt động giao dịch ngày càng tập trung vào từng ngành cụ thể khi thị trường đã hấp thụ và chiết khấu toàn bộ các tin tức tích cực từ quý trước, trong khi thiếu vắng các động lực tăng trưởng mới.
2) Hoạt động giao dịch trong tháng 6: Dù thị trường chịu áp lực chốt lời đáng kể trong tháng 6, chúng tôi tin rằng lực cầu đang dần chiếm ưu thế khi giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân mỗi phiên tăng 5% so với tháng trước, đạt 19,79 nghìn tỷ đồng, trong khi tổng khối lượng giao dịch trong tháng giảm 8,7% so với tháng trước. Các nhà đầu tư tổ chức trong nước quay trở lại mua ròng với 1,01 nghìn tỷ đồng trong tháng 6. Ngược lại, khối ngoại tiếp tục chuỗi bán ròng, bán ra 16,59 nghìn tỷ đồng trong tháng trước và kéo dài xu hướng bán ròng lên 15 tháng liên tiếp. Các quỹ ETF bước qua tháng rút ròng thứ tám liên tiếp, tổng cộng -105,1 triệu USD trong tháng 6 (-569,4 triệu USD từ đầu năm đến ngày 28/06).
3) Triển vọng nửa cuối năm 2024: VN-Index hiện đang giao dịch dưới tỷ lệ P/E trung bình 10 năm, tạo thêm dư địa cho đà tăng ở nửa cuối năm 2024. Tuy nhiên, thị trường sẽ cần có một câu chuyện mới để hiện thực hóa vùng giá mục tiêu này, dù động lực thúc đẩy tăng trưởng dự kiến sẽ kém mạnh mẽ hơn, với hành động giá có khả năng sẽ dao động trong biên độ lớn, dẫn đến một chu kỳ đi ngang và tích lũy. Xu hướng này dự kiến sẽ kéo dài đến giữa tháng 7, khi thị trường bước vào giai đoạn vùng trống thông tin và tâm lý giao dịch sẽ có phần thận trọng trước mùa báo cáo lợi nhuận quý 2.