Vĩ Mô Và Chiến Lược: Bước ngoặt lớn trong năm 2024

                                                                                                                                                                     Nguồn: MIRAE

Bước ngoặt lớn trong năm 2024

 

 

Bối cảnh toàn cầu:

Hoa Kỳ: GDP của Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 3, đồng thời củng cố triển vọng hạ cánh mềm. Trong khi đó, quyết định hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) nhưng đồng thời duy trì trạng thái thắt chặt định lượng (QT) khiến triển vọng hạ lãi suất có phần khó dự đoán trong bối cảnh dữ liệu kinh tế liên tục vượt kỳ vọng, góp phần tạo ra làn sóng bán tháo đối với trái phiếu khi nhà đầu tư chuẩn bị cho môi trường lãi suất cao trong dài hạn.

Khu vực đồng Euro: Nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng Euro, Đức, tiếp tục gặp khó khăn trong việc xác định các động lực tăng trưởng mới trong khi đối mặt với rủi ro về một cuộc suy thoái kỹ thuật.

Trung Quốc: Triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc có khả năng sẽ đạt được mục tiêu 5% đối với năm 2024 khi các chính sách kích cầu thông qua chính sách tiền tệ và tài khóa dần thẩm thấu vào nền kinh tế. Tuy nhiên, thách thức đối với Trung Quốc sẽ là triển vọng của năm 2025 khi các động lực tăng trưởng và mức độ hiệu quả của chính sách kích cầu vẫn còn là một ẩn số.

Thị trường tiền tệ:

Tỷ giá tăng đột ngột vào tháng 10, với mức mất giá từ đầu năm đến nay đạt 4,2%; trong bối cảnh đồng pha với diễn biến của chỉ số DXY trong thời gian gần đây và những biến động bất thường của lợi suất trái phiếu Mỹ khi các dữ liệu kinh tế tại Mỹ liên tục tốt hơn kỳ vọng. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã triển khai chiến lược đa chiều: phát hành 90,5 nghìn tỷ đồng tín phiếu thông qua Hoạt động thị trường mở (OMO), điều tiết thanh khoản thông qua 53 nghìn tỷ đồng của hợp đồng mua lại đảo ngược (RRP), và can thiệp bằng cách bán USD thông qua hợp đồng giao ngay ở với giá can thiệp tại 25.450. Dù vậy, áp lực về tỷ giá vẫn đang hiện hữu do nguồn dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã mỏng đi đáng kể sau khi can thiệp tỷ giá trong giai đoạn tháng 4 – tháng 7 trước đó và hiện duy trì ở mức 2,4 tháng nhập khẩu.

Trái phiếu doanh nghiệp:

Phát hành mới: Tháng 10 ghi nhận 20 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 22 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ so với 24 nghìn tỷ đồng trong tháng 9. Các ngân hàng thương mại và các tập đoàn như Vinfast và Vietjet Air là những đơn vị phát hành chính.

Mua lại trước hạn: HNX báo cáo 64 giao dịch mua lại trái phiếu trước hạn trong tháng 10, với tổng giá trị 21,5 nghìn tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại tiếp tục dẫn đầu xu hướng này, với VIB, LPB và OCB nằm trong số những đơn vị có giá trị mua lại trước hạn lớn nhất.

Lịch đáo hạn: Tháng 11 năm 2024 dự kiến có 30 trái phiếu đáo hạn, trị giá 11,1 nghìn tỷ đồng, chủ yếu từ các lĩnh vực bất động sản (7,65 nghìn tỷ đồng), sản xuất (1,7 nghìn tỷ đồng) và ngân hàng (700 tỷ đồng). Khoảng 5,3 nghìn tỷ đồng có thể phải đối mặt với việc trì hoãn thanh toán hoặc cần tái cơ cấu, chủ yếu từ các công ty bất động sản có hiệu suất kém và đòn bẩy cao.

Thị trường chứng khoán tại Việt Nam:

1) Tổng quan thị trường trong tháng 10:

VN-Index giảm 1,82% MoM trong tháng 10, chấm dứt đà tăng kéo dài ba tháng trong bối cảnh các yếu tố khó lường xoay quanh lộ trình hạ lãi suất của Fed và kết quả tranh cử Tổng thống Mỹ đã khiến nhà đầu tư có phần thận trọng hơn trước các quyết định giải ngân. Dù vậy, nhịp điều chỉnh của tháng 10 có phần phù hợp với diễn biến chung trong khu vực; đồng thời đóng vai trò như một giai đoạn hạ nhiệt cần thiết cho thị trường và được xem như một phản ứng mang tính chu kỳ thường xảy ra vào đầu mỗi quý khi các nhà đầu tư chuẩn bị trước mùa báo cáo kết quả kinh doanh. Trong đó, tổng lợi nhuận quý 3 của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE đã vượt dự báo ban đầu của chúng tôi, với tổng lợi nhuận sau thuế đạt 106 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 27,8% YoY. Các động lực tăng trưởng chính bao gồm sự phục hồi trong các ngành Bán lẻ, Tiện ích, Bất động sản, và xu hướng tăng trưởng lợi nhuận bền vững đến từ ngành Công nghệ thông tin.

2) Hoạt động giao dịch trong tháng 10:

Thanh khoản tiếp tục ảm đạm trong tháng thứ tư liên tiếp, với giá trị giao dịch bình quân hàng ngày đạt 14 nghìn tỷ đồng (+3,2% MoM). Một diễn biến đáng chú ý là việc Commonwealth Bank of Australia bán thỏa thuận một lượng lớn cổ phiếu VIB trị giá 5,4 nghìn tỷ đồng, sau quyết định giảm giới hạn sở hữu nước ngoài của VIB. Nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận bán ròng 4,43 nghìn tỷ đồng nếu không bao gồm động thái thoái vốn của CBA. Các quỹ ETF tiếp tục rút ròng 6,6 triệu USD trong tháng 10; dù vậy, lượng rút ròng đã giảm đáng kể so với đầu quý 2.

3) Triển vọng trong tháng 11:

Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2025 đã trở nên rõ ràng hơn khi các yếu tố khó lường của tháng 10 xoay quanh lộ trình hạ lãi suất của Fed và kết quả tranh cử Tổng thống Mỹ đã hoàn toàn được phản ánh vào bối cảnh thị trường hiện tại.

VN-Index được kỳ vọng sẽ giao dịch trong khoảng 1.250-1.300 điểm trong thời gian còn lại của năm, với khả năng đạt mức 1.300 điểm. Dưới nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump, bất động sản khu công nghiệp được dự đoán sẽ hưởng lợi từ chiến lược đa dạng hóa "Trung Quốc + 1", nhưng tác động đến dòng vốn FDI đới với thị trường Việt Nam dự kiến sẽ duy trì xu hướng ổn định trước đó.

Các rủi ro chính cần theo dõi bao gồm lộ trình hạ lãi suất của Fed, áp lực tỷ giá tại Việt Nam, và đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi tổng dư nợ trái phiếu chậm trả đã đạt 189 nghìn tỷ đồng và áp lực từ các trái phiếu bị trì hoãn dự kiến sẽ trở lại sau khi thời hạn ân hạn kết thúc, tác động đến thị trường trái phiếu trong thời gian còn lại của 2024 và kéo dài đến năm 2025.