Quy mô thị trường TPDN tại thời điểm cuối năm 2022 giảm 3,9 nghìn tỷ đồng, tương đương giảm 0,3% so với thời điểm cuối năm 2021 xuống còn 1,2766 triệu tỷ đồng;
thấp hơn quy mô thị trường TPCP (Bảng 2).
Trái phiếu lĩnh vực BĐS & xây dựng vẫn chiếm tỷ trọng lớn với khối lượng lưu hành là 583,2 nghìn tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 45,7%) vào cuối năm 2022, cao hơn nhiều so với lĩnh vực ngân hàng là 400,7 nghìn tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 31,3%).
Hai lĩnh vực có tỷ trọng lớn khác trên thị trường TPDN là sản xuất và năng lượng tái tạo, có khối lượng lưu hành lần lượt là 79,7 nghìn tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 6,2%) và 61 nghìn tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 4,8%).
Trái phiếu phát hành riêng lẻ chiếm phần lớn (là 1,22 triệu tỷ đồng, tương đương tỷ trọng 95,2%). Tuy nhiên, khối lượng lưu hành của trái phiếu phát hành riêng lẻ đã giảm 10,7 nghìn tỷ đồng, tương đương giảm 0,9% so với tại thời điểm cuối năm 2021. Trái phiếu phát hành ra công chúng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ (là 61 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,8%) nhưng có khối lượng lưu hành tăng trong năm 2022. Khối lượng lưu hành của trái phiếu phát hành ra công chúng đã tăng 6,7 nghìn tỷ đồng; tương đương tăng 12,5% trong năm 2022, với xu hướng tăng chủ yếu rơi vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Khối lượng lưu hành của trái phiếu phát hành ra công chúng đã tăng 25,8 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 70,5%; chủ yếu là trái phiếu ngân hàng (tăng lên 16 nghìn tỷ đồng từ 3 nghìn tỷ đồng tại thời điểm cuối Q3/2021 và tăng tiếp lên 19 nghìn tỷ đồng tại thời điểm cuối Q1/2022, tăng hơn 6 lần).
Hiện đang ngày càng có nhiều doanh nghiệp chuyển sang phát hành trái phiếu ra công chúng. Tỷ trọng trái phiếu phát hành ra công chúng trên thị trường đã tăng từ 4,2% lên 4,8% trong năm 2022. Hoạt động phát hành trái phiếu ra công chúng có lợi thế là thanh khoản dồi dào hơn nhưng các điều kiện phát hành cũng nghiêm ngặt hơn. Chẳng hạn, các tổ chức phát hành phải có lãi trong năm tài chính gần nhất. HSC sẽ phân tích cụ thể hơn về vấn đề này trong phần sau của báo cáo.
Những thay đổi trong chính sách làm đóng băng hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ
Năm 2022 là năm nhiều sóng gió đối với thị trường TPDN. Quy mô thị trường đã tăng đáng kể trong nửa đầu năm 2022, lập kỷ lục 1,4616 triệu tỷ đồng vào ngày 14/6/2022 (tăng 181 nghìn tỷ đồng so với đầu năm), nhưng giảm mạnh sau đó vì khối lượng phát hành mới giảm trong khi khối lượng mua lại trước hạn tăng. Trong năm 2022, thị trường TPDN đã giảm quy mô lần đầu tiên trong lịch sử (giảm 3,9 nghìn tỷ đồng, tương đương mức giảm 0,3%), kết thúc năm ở mức 1,2766 triệu tỷ đồng (Biểu đồ 3, 4 & Bảng 5). Điều này xuất phát từ những thay đổi chính sách đối với thị trường TPDN, đặc biệt đối với hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Vào ngày 5/4/2022, cơ quan có thẩm quyền đã thông báo điều tra một loạt sai phạm liên quan đến hoạt động phân phối trái phiếu và huy động vốn của Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng các công ty con trong giai đoạn tháng 7/2021 đến tháng 3/2022. Hậu quả của sự kiện trên là một số tổ chức phát hành đã phải nhanh chóng mua lại trái phiếu trước hạn. Các tổ chức phát hành đã mua lại trước hạn khoảng 223,8 nghìn tỷ đồng trái phiếu trong năm 2022, cao hơn 68,9% so với khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn trong năm 2021 (Bảng 5).
Việc mua lại trái phiếu trước hạn là thông lệ của các NHTM vì trái phiếu ngân hàng có kỳ hạn dưới 5 năm thường không có nhiều ý nghĩa trong vai trò vốn cấp 2. Khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn của các doanh nghiệp ngoài ngành ngân hàng đạt 128,4 nghìn tỷ đồng trong năm ngoái, cao gấp 2,6 lần so với năm trước đó (Bảng 5).
Hoạt động phát hành mới cũng chịu tác động tiêu cực. Khối lượng phát hành của các doanh nghiệp ngoài ngành ngân hàng đã giảm từ 111,4 nghìn tỷ đồng trong Q1/2022 xuống còn 98,6 nghìn tỷ đồng trong Q2/2022, sau đó giảm tiếp xuống còn 29,8 nghìn tỷ đồng trong Q3/2022 và kết thúc Q4/2022 ở mức chỉ 10 nghìn tỷ đồng (Bảng 6).
Vào tháng 9 năm ngoái, chính phủ đã ban hành Nghị định 65 siết chặt quy định đối với hoạt động phát hành riêng lẻ TPDN. Trong đó, các điểm quan trọng nhất là: thu hẹp phạm vi đối tượng đủ điều kiện mua trái phiếu phát hành riêng lẻ (quy định chặt chẽ hơn các điều kiện để cá nhân trở thành NĐT chứng khoán chuyên nghiệp), quy định chặt chẽ hơn về điều kiện phát hành (không được phép phát hành nhằm mục đích tăng vốn lưu động) và phải có xếp hạng tín nhiệm đối với các tổ chức phát hành có tỷ lệ vay nợ cao.
Nghị định 65 đã ngay lập tức ảnh hưởng đến hoạt động phát hành trái phiếu của các NHTM với khối lượng phát hành giảm từ 73,4 nghìn tỷ đồng trong Q2/2022 xuống 61 nghìn tỷ đồng trong Q3/2022, sau đó giảm tiếp xuống còn 1,4 nghìn tỷ đồng trong Q4/2022 (Bảng 6).
Tác động tiêu cực của Nghị định 65 đối với thị trường nằm ngoại dự đoán vì nội dung Nghị định đã bớt nghiêm ngặt hơn rất nhiều so với các dự thảo do Bộ Tài chính công bố trước đó. Thị trường đã phản ứng dữ dội mặc dù nghị định được ban hành đã chấm dứt khoảng trống pháp lý đối với hoạt động phát hành riêng lẻ trái phiếu.
Một yếu tố khác nhiều khả năng đã đóng góp vào sự sụt giảm đột ngột của hoạt động phát hành trái phiếu trong Q4/2022 là sự kiện điều tra sai phạm trong phát hành trái phiếu của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, được thông báo vào tháng 10/2022 và gây ra tác động tiêu cực.
Khối lượng phát hành của các tổ chức không thuộc lĩnh vực ngân hang hay bất động sản (bao gồm lĩnh vực dịch vụ) và các tổ chức phát hành quy mô nhỏ lần lượt giảm 41 nghìn tỷ đồng và 21,9 nghìn tỷ đồng (Bảng 5&6). Hoạt động phát hành của các doanh nghiệp trong ngành BĐS và xây dựng cũng như năng lượng tái tạo cũng chịu ảnh hưởng của sự thay đổi chính sách nói trên. Tuy nhiên, những ngành này vẫn phát hành ròng trong năm 2022.