Báo cáo tổng kết thị trường tháng 3/2023: VN-Index tăng trong bối cảnh bất ổn của thị trường tài chính toàn cầu

    Nguồn: VCSC

VN-Index tăng trong bối cảnh bất ổn của thị trường tài chính toàn cầu
 

Kinh tế Việt Nam

 

VN-Index tăng 3,9% trong tháng 3 bất chấp những bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu. Các yếu tố chính ảnh hưởng đến diễn biến của VN-Index trong tháng bao gồm:

  • Ngày 05/3: Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023 sửa đổi, lùi thời hạn một số quy định trong hoạt động phát hành riêng lẻ và giao dịch trái phiếu, tạo tâm lý tích cực cho thị trường.
  • Ngày 8/3 – 12/3: Ba ngân hàng của Mỹ — Silicon Valley Bank, Signature Bank và Silvergate Bank — tuyên bố phá sản. Chỉ số VNI sau đó giảm 1,2% do lo ngại về khủng hoảng ngân hàng Mỹ.
  • Ngày 14/3: NHNN hạ một số lãi suất điều hành từ 50 đến 100 điểm cơ bản, giúp chỉ số VNI phục hồi 2,1% vào ngày 15/3.
  • Ngày 16/3 – 20/3: Chỉ số VNI giảm 3,6% do lo ngại khủng hoảng Credit Suisse.
  • Ngày 20/3: UBS mua lại Credit Suisse, giúp thị trường chứng khoán toàn cầu và trong nước phục hồi (chỉ số VNI tăng 4,1% trong giai đoạn còn lại của tháng).

Vào cuối quý 1/2023, chỉ số VNI đã tăng 5,7% so với cuối năm 2022, vượt trội so với các thị trường trong khu vực như JCI của Indonesia (-0,7%), PCOMP của Philippines (-1,0%) và SET của Thái Lan (-3,6%).

Nhóm Chứng khoán phục hồi mạnh. Sau khi giảm 15% trong tháng 2, nhóm Chứng khoán/Đầu tư tăng trở lại 16,8% trong tháng 3, dẫn dắt bởi SSI (+17,8%), VCI (+24,9%) và VND (+15,2%). Theo sau là nhóm Bất động sản (-15,1%), được hỗ trợ chủ yếu nhờ sự phục hồi của VHM (+24.1%) và NVL (+19.8%). Ngược lại, nhóm Y tế (-3,0%), CNTT (-2,9%) và Tiêu dùng không thiết yếu (-2,6%) là những nhóm ngành giảm điểm mạnh nhất.

Thanh khoản thị trường tiếp tục giảm. Giá trị giao dịch trung bình hàng ngày (GTGDTB) trên tổng cả 3 sàn giảm 9,8% so với tháng trước xuống còn 447,3 triệu USD — mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020. Trong quý 1/2023, GTGDTB của tổng 3 sàn chỉ đạt 487 triệu USD/ngày, giảm mạnh 63,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khối ngoại mua ròng trở lại. NĐTNN đã mua ròng 129,2 triệu USD trên tổng cả 3 sàn trong tháng 3, sau khi bán ròng 11,3 triệu USD trong tháng 2. HSG (29,5 triệu USD), VHM (26,4 triệu USD) và POW (22,6 triệu USD) là những cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất, trong khi khối ngoại bán ròng chủ yếu các cổ phiếu STB (-33,3 triệu USD), MSN (-11,4 triệu USD) và DGW (-9,3 triệu USD). Trong quý 1/2023, NĐTNN đã mua ròng 253 triệu USD trên HSX và 297 triệu USD trên toàn thị trường Việt Nam. Tương tự, NĐTNN cũng mua ròng 272 triệu USD trên sàn JCI của Indonesia. Tuy nhiên, họ bán ròng lần lượt là 917 triệu USD và 498 triệu USD trên sàn SET của Thái Lan và PCCOMP của Philippines.

Triển vọng: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 3,32% trong quý 1/2023, mức quý 1 thấp thứ hai kể từ năm 2011 (chỉ cao hơn mức tăng 3,21% của quý 1/2020) do nhu cầu toàn cầu yếu ảnh hưởng đến xuất khẩu và sản xuất. Đầu tháng 4, NHNN thông báo cắt giảm một số lãi suất điều hành 50 điểm cơ bản. Quyết định của NHNN sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đồng thời có thể hỗ trợ tâm lý thị trường. Tại thời điểm cuối tháng 3, chỉ số P/E trượt của VNI là 11,8 lần, thấp hơn so với SET của Thái Lan là 18,0 lần, JCI của Indonesia là 15,0 lần và PCOMP của Philippines là 14,4 lần.