Báo cáo tổng kết thị trường: VN-Index khởi đầu năm mới tích cực

Nguồn: HSC

VN-Index khởi đầu năm mới tích cực

 

 

Chỉ số VN-Index phục hồi mạnh trong tháng đầu tiên của năm 2023. Sau khi lao dốc gần 33% trong năm 2022, chỉ số VN-Index đã trở lại ấn tượng trong ngày giao dịch đầu tiên của năm 2023 khi tăng 3,7% lên 1.043,9 điểm và duy trì đà tăng ổn định trong suốt tháng. Lực mua đã đưa VN-Index vượt ngưỡng kháng cự 1.100 điểm trước Tết Nguyên đán và sau đó đóng cửa tháng ở mức 1.111,2 điểm vào cuối tháng. 
Nhờ đó, chỉ số VN-Index (tăng 10,3%) có diễn biến tích cực hơn so với các thị trường lân cận khác như PCOMP của Philippines (+3,5%), SET của Thái Lan (+0,2%) và JCI của Indonesia (-0,2%) trong tháng 1.

Tất cả các nhóm ngành đều tăng trong tháng. Nhóm cổ phiếu Chứng khoán/Đầu tư dẫn đầu với mức tăng 20,2% trong tháng 1/2023 sau khi giảm 5,5% trong tháng 12/2022, chủ yếu nhờ SSI (+22,0%), VND (+22,6%), VCI (+28,6%) và HCM (+28,7%). Nhóm Vật liệu Xây dựng có mức tăng cao thứ hai (+16,0%), do thị trường kỳ vọng vào hoạt động đầu tư công trong năm 2023 và do một số vật liệu tăng giá, dẫn dắt bởi HPG (+22,8%), HSG (+34,2%), HT1 (+38,6%) và NKG (+29,8%). Theo sau là nhóm Năng lượng (+14,8%), dẫn dắt bởi PLX (+16,1%) và Ngân hàng (+13,3%) với VCB (+14,9%), BID (+16,8%) và TCB (+13,7%).

Giá trị giao dịch giảm sau khi tăng mạnh tháng trước. Giá trị giao dịch trung bình ngày (GTGDTB) trên tổng cả 3 sàn giao dịch đã giảm mạnh gần 23% đạt 533 triệu USD trong tháng 1/2023, sau khi tăng gần 25% lên mức cao nhất trong 3 tháng là 688 triệu USD trong tháng 12/2022. GTGDTB duy trì quanh mức 500 triệu USD trên tổng cả 3 sàn trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, nhưng sau đó đã tăng gần 50% lên 720 triệu USD sau kỳ nghỉ Tết, trong giai đoạn 27-31/01.

Khối ngoại tiếp tục mua ròng tháng thứ ba liên tiếp. Các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 178,6 triệu USD trên tổng cả 3 sàn trong tháng 1. Các mã cổ phiếu được mua ròng cao nhất trong tháng là HPG (+58,4 triệu USD), FUEVFVND (+27,2 triệu USD), SSI (+21,1 triệu USD) và VIC (+18,6 triệu USD). Ở chiều ngược lại, họbán ròng các cổ phiếu EIB (-143,1 triệu USD), DGC (-10,4 triệu USD) và DPM (-6,6 triệu USD). Trong tháng 1, khối ngoại lần lượt mua ròng 545 triệu USD và 122 triệu USD trên sàn SET của Thái Lan và PCOMP của Philippines, và bán ròng 204 triệu USD trên sàn JCI của Indonesia.

Kết quả kinh doanh quý 4/2022. Mùa báo cáo KQKD kết thúc với LNST sau lợi ích CĐTS báo cáo của 78/79 cổ phiếu trong danh mục theo dõi của chúng tôi tăng 13,0% YoY trong năm 2022 và hoàn thành 96,7% dự báo năm 2022 của chúng tôi (không bao gồm VHC do chưa công bố KQKD).

Triển vọng: Số liệu kinh tế - xã hội tháng 1 cho thấy hoạt động sản xuất và xuất khẩu tiếp tục kém tích cực (chủ yếu do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2023 rơi vào tháng 1; kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2022 rơi vào tháng 2). Tuy nhiên, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global cho thấy các đơn đặt hàng xuất khẩu mới lần đầu tiên được cải thiện sau 3 tháng, đồng thời niềm tin kinh doanh tăng lên mức cao nhất trong 3 tháng qua. Ngoài ra, tính đến cuối tháng 1, P/E trượt của VN-Index ở mức 12,0 lần, vẫn thấp hơn so với mức 17,7 lần trên sàn SET của Thái Lan, 14,4 lần trên sàn JCI của Indonesia và mức 14,1 lần trên sàn PCOMP của Philippines