Báo cáo tổng kết thị trường: VN-Index tăng điểm tháng thứ 3 liên tiếp

                                                                              Nguồn: VCSC

VN-Index tăng điểm tháng thứ 3 liên tiếp

 

 

Chỉ số VN-Index (VNI) tiếp tục tăng điểm trong tháng đầu năm. Sau khi tăng 6,4% trong tháng 11 và 3,3% trong tháng 12, chỉ số VNI tiếp tục tăng trong tháng đầu năm 2024 nhờ một số yếu tố: (1) Tín dụng tăng trưởng mạnh trong tháng 12/2023 (13,7 % vào cuối tháng 12/2023 so với 9,2% vào cuối tháng 11/2023) và NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn cho ngành ngân hàng (15% vào năm 2024); (2) Quốc hội thông qua Luật Đất đai sửa đổi và Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi ngày 18/01/2024; (3) Thị trường chứng khoán Mỹ liên tục lập đỉnh mới trong tháng 1; và (4) Khối ngoại lần đầu mua ròng trở lại kể từ tháng 3/2023.

Mặc dù áp lực chốt lời trước dịp nghỉ Tết, chỉ số VNI vẫn tăng 3,0% trong tháng 1, đóng cửa tháng ở mức 1.129. Trong tháng 1/2024, VNI có diễn biến tương tự với PCOMP của Philippines (+3,0%) và vượt trội so với SET của Thái Lan (-3,6%) và JCI của Indonesia (- 0,9%).

Các ngành có diễn biến trái chiều. Ngành ngân hàng tăng tháng thứ 3 liên tiếp và là ngành có mức tăng mạnh nhất (+8,9%) trong tất cả các ngành, chủ yếu nhờ MBB (+16,6%), CTG (+16,6%), VCB (+ 10,2%) và BID (+9,9%). Theo sau là ngành Dịch vụ Tài chính với mức tăng 3,3%, chủ yếu được dẫn dắt bởi MBS (+13,2%), HCM (+11,5%), BSI (+10,7%) và FTS (+7,3%). Ngược lại, Bất động sản (-2,3%), Hàng tiêu dùng (-1,7%), Dầu khí (-1,2%) là những ngành giảm điểm mạnh nhất.

Thanh khoản biến động nhẹ trong tháng 1. Vào tháng 1/2024, giá trị giao dịch trung bình ngày (GTGDTB) trên HSX và trên tổng cả 3 sàn đạt 682,9 triệu USD (+3,7% so với tháng trước – MoM; +50,5% so với cùng kỳ - YoY) và 768,4 triệu USD (+1,6% MoM; +49,4% YoY), sau khi giảm lần lượt 3,8% và 4,4% trong tháng 12/2023. Khối ngoại mua ròng trở lại lần đầu tiên kể từ tháng 3/2023.

NĐTNN mua ròng 48,2 triệu USD trên tổng cả 3 sàn vào tháng 1 sau khi bán ròng 9 tháng liên tiếp kể từ tháng 3/2023, trong đó,NĐTNN mua ròng 7,6 triệu USD trên HSX và 48,4 triệu USD trên UPCoM, trong khi họ bán ròng 7,8 triệu USD trên HNX. Khối ngoại mua ròng chủ yếu AIC (+52,0 triệu USD), VCB (+37,0 triệu USD) và STB (+31,7 triệu USD), trong khi họ bán ròng chủ yếu VNM (-39,3 triệu USD), VRE (-32,5 triệu USD) ) và FUEVFVND (-30,9 triệu USD). Khối ngoại mua rong 534 triệu USD trên JCI của Indonesia và 80 triệu USD trên PCOMP của Philippines. Tuy nhiên, họ bán ròng 870 triệu USD trên SET của Thái Lan trong tháng 1.

Báo cáo KQKD: Mùa báo cáo KQKD kết thúc với LNST sau lợi ích CĐTS của 79 cổ phiếu trong danh mục theo dõi của chúng tôi giảm 4,4% YoY trong năm 2023 và hoàn thành 97,9% dự báo cả năm 2023 của chúng tôi.

Triển vọng: Số liệu kinh tế tháng 1 cho thấy một số tín hiệu lạc quan khi sản xuất và xuất khẩu tiếp tục phục hồi – chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) và xuất khẩu lần lượt tăng 18,3% YoY và 42,0% YoY (mặc dù số liệu tháng 1 bị ảnh hưởng một phần do chênh lệch về thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán). Trong khi đó, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global cho thấy sự cải thiện trong lĩnh vực này lần đầu tiên trong 5 tháng với lượng đơn hàng xuất khẩu mới được cải thiện lần đầu tiên sau 3 tháng. Số liệu tích cực vào đầu năm, bên cạnh môi trường lãi suất thấp, có thể tiếp tục hỗ trợ niềm tin kinh doanh và tâm lý thị trường.

Tại thời điểm cuối tháng 1, P/E trượt của VNI là 14,9 lần so với PCOMP của Philippines là 12,9 lần, SET của Thái Lan là 16,7 lần và JCI của Indonesia là 17,4 lần.

Thị trường Việt Nam
 
    
 
Hoạt động của khối ngoại
 
 
 
 
Việt Nam và một số thị trường lân cận