Báo cáo trái phiếu tiền tệ: Lợi suất trái phiếu Chính phủ tiếp tục giảm nhẹ

                                           Nguồn: VCSC

Lợi suất trái phiếu Chính phủ tiếp tục giảm nhẹ

 

 

Kho bạc Nhà nước (KBNN) không hoàn thành kế hoạch phát hành quý 4 và cả năm
  • Lượng trái phiếu Chính phủ (TPCP) phát hành giảm 26,4% so với tháng trước (MoM), đạt 14,5 nghìn tỷ đồng trong tháng 12 - mức thấp nhất kể từ tháng 9/2022 - với tỷ lệ trúng thầu/gọi thầu ở mức 68,9% (so với 86,4% trong tháng 11).
  • Do đó, KBNN chỉ hoàn thành 37,4% kế hoạch phát hành trong quý 4/2023 (130 nghìn tỷ đồng), và hoàn thành 74,6% kế hoạch cả năm 2023 (400 nghìn tỷ đồng). Trong khi đó, 59,5 nghìn tỷ đồng TPCP đáo hạn trong năm 2023, dẫn đến lượng phát hành ròng trị giá 239,0 nghìn tỷ đồng (+35,1% YoY).
  • Trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch trung bình ngày (GTGDTB) tăng gấp 2,2 lần so với tháng 11, đạt 13,4 nghìn tỷ đồng – mức cao nhất kể từ tháng 2/2022. Tuy nhiên, tính chung trong cả năm 2023, GTGDTB giảm 16,7% YoY xuống 6,6 nghìn tỷ đồng.
Lợi suất TPCP tiếp tục giảm ở tất cả các kỳ hạn
  • Lợi suất TPCP trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp tiếp tục giảm ở tất cả các kỳ hạn. Vào cuối tháng 12, lợi suất kỳ hạn 1 năm, 10 năm và 15 năm trên thị trường thứ cấp lần lượt là 1,55% (-9 điểm cơ bản MoM), 2,24% (-9 điểm cơ bản MoM) và 2,44% (-10 điểm cơ bản MoM).
  • Lợi suất TPCP tiếp tục giảm chủ yếu do: (1) Lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm khoảng 40 điểm cơ bản MoM xuống 3,9% vào cuối tháng 12, (2) lãi suất thị trường trong nước giảm và (3) thanh khoản trong hệ thống ngân hàng tiếp tục dư thừa.
  • Chúng tôi kỳ vọng một số yếu tố có thể tiếp tục gây áp lực giảm lợi suất TPCP trong tháng 1 bao gồm (1) lãi suất thị trường thấp (đầu tháng 1, các ngân hàng thương mại tiếp tục hạ lãi suất) và (2) thanh khoản trong hệ thống ngân hàng tiếp tục dư thừa.

Lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại trong cuối năm do yếu tố thời vụ
  • Trước tình trạng dư thừa thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, lãi suất liên ngân hàng ngắn hạn duy trì ở mức thấp trong 3 tuần đầu tháng (lãi suất qua đêm dao động trong khoảng 0,1%-0,2%) trước khi tăng tạm thời vào cuối năm do yếu tố thời vụ (tín dụng tăng trưởng mạnh và nhu cầu giao dịch VND tăng trước dịp cuối năm).
  • Chúng tôi kỳ vọng thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục dư thừa trong tháng 1/2024. Do đó, lãi suất liên ngân hàng có thể điều chỉnh giảm trở lại sau khi tăng đột biến vào cuối năm do yếu tố thời vụ.

​​​​​​​

Chính sách tiền tệ đối lập giữa NHNN và Fed gây áp lực lên tỷ giá USD/VND trong năm 2023
  • Tính đến ngày 29/12/2023, tỷ giá USD/VND giao dịch ở mức 24.269 trên thị trường liên ngân hàng, gần như không đổi so với cuối tháng 11. Trong năm 2023, tỷ giá USD/VND tăng 2,8%, do sự khác biệt trong chính sách tiền tệ giữa NHNN (cắt giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng kinh tế) và Fed (tích cực tăng lãi suất để chống lạm phát).
  • Dòng vốn nước ngoài ổn định từ kiều hối, vốn FDI, thặng dư thương mại và sự thu hẹp thâm hụt thương mại dịch vụ, cùng với khả năng cắt giảm lãi suất của Fed sẽ giúp hỗ trợ tỷ giá ổn định trong năm 2024.