Nguồn: VCSC
Ngân hàng Nhà nước bơm vốn qua kênh OMO sau Tết Nguyên đán
Lượng phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) tăng mạnh trong tháng 2
Mặc dù nguồn cung TPCP giảm 24,4% so với tháng trước (MoM) trong tháng 2, lượng phát hành trái TPCP đã tăng 44,4% MoM lên 28,2 nghìn tỷ đồng do nhu cầu cao hơn. Theo đó, tỷ lệ trúng thầu/gọi thầu đã tăng từ 50,0% trong tháng 1 lên 95,5%.
Vào cuối tháng 2, lợi suất TPCP kỳ hạn 5 năm, 10 năm và 15 năm trên thị trường sơ cấp đều tăng nhẹ 3,0 điểm cơ bản MoM lên 1,42%, 2,31% và 2,51%.
Trong 2 tháng (2T) đầu năm 2024, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã phát hành 47,7 nghìn tỷ đồng TPCP trên thị trường sơ cấp, chỉ hoàn thành 37,5% kế hoạch quý 1/2023 và 11,9% kế hoạch năm. Trong khi đó, chúng tôi ước tính khoảng 15,6 nghìn tỷ đồng TPCP sẽ đáo hạn trong 2T 2024, dẫn đến lượng phát hành ròng đạt 32,0 nghìn tỷ đồng, giảm 45,2% so với lượng phát hành ròng trong 2T 2023.
Trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch trung bình ngày (GTGDTB) tăng nhẹ 2,3% MoM lên 9,4 nghìn tỷ đồng.
Lợi suất trên thị trường thứ cấp tăng từ 6 - 10 điểm cơ bản MoM. Vào cuối tháng 2, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm và 10 năm lần lượt là 1,45% (+ 6 điểm cơ bản MoM) & 2,35% (+7 điểm cơ bản MoM).
Lợi suất trái phiếu Chính phủ có thể tăng trong tháng 3
Lợi suất TPCP có thể tăng trong tháng 3 do (1) nguồn cung trên thị trường sơ cấp có thể tăng trong tháng 3 do tính đến cuối tháng 2, KBNN chỉ hoàn thành 37,5% kế hoạch phát hành quý 1 & (2) vào ngày 11/03, NHNN đã tiếp tục phát hành tín phiếu để hấp thụ thanh khoản dư thừa, dẫn đến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có thể tăng lên.
Tuy nhiên, mức giảm gần đây của lợi suất trái phiếu toàn cầu (từ cuối tháng 2 đến ngày 10/03, lợi suất TPCP 10 năm của kho bạc Mỹ giảm khoảng 17 điểm cơ bản) có thể hạn chế áp lực tăng đối với lợi suất TPCP.
NHNN bơm vốn qua kênh OMO
Lãi suất liên ngân hàng giảm nhẹ vài ngày sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trước khi tăng mạnh lên quanh mức 3,5%-3,7% (mức lãi suất qua đêm) do một số ngân hàng thiếu hụt thanh khoản tạm thời. Vào ngày 20 và 21/02, NHNN đã bơm ròng tổng cộng 6,0 nghìn tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng qua kênh OMO. Vào cuối tháng 2, lãi suất liên ngân hàng qua đêm giảm xuống 1,48% (+11 điểm cơ bản MoM).
Vào ngày 11/03, NHNN tiếp tục phát hành tín phiếu sau 4 tháng tạm dừng nhằm hấp thụ thanh khoản dư thừa, để giảm bớt áp lực lên tỷ giá USD/VND. Việc tiếp tục phát hành tín phiếu của NHNN có thể khiến lãi suất liên ngân hang tăng trong tháng 3.
Tỷ giá tiếp tục tăng trong tháng 2
Tỷ giá USD/VND tăng 0,9% trong tháng 2 (tăng 1,6% trong 2T 2024) trên thị trường liên ngân hàng do (1) nhu cầu ngoại tệ tăng và (2) tâm lý thận trọng trên thị trường ngoại hối. Trong khi đó, trên thị trường tự do, giá vàng tăng đã tạo thêm áp lực lên tỷ giá USD/VND.
Kế hoạch bảo trì 50 ngày sắp tới của BSR có thể dẫn đến nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu cao hơn, tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng dòng vốn FDI mạnh, thặng dư thương mại và thâm hụt thương mại dịch vụ thu hẹp có thể phần nào giúp giảm bớt áp lực lên tỷ giá. Ngoài ra, việc NHNN tiếp tục phát hành tín phiếu (bắt đầu từ ngày 11/03) cũng có thể làm giảm bớt áp lực lên tỷ giá USD/VND.