Báo cáo Vĩ mô: Diễn biến và tình hình Kinh tế Quý IV/2023 và năm 2023

                                     Nguồn: IVS

 

 
Trong thông cáo báo chí về tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2023 ngày 29/12/2023, Tổng cục Thống kê (GSO) nhận định tình hình kinh tế thế giới 2023 tương đối ảm đạm và khó khăn. Căng thẳng địa chính trị gia tăng, xung đột Nga – Ukraine diễn biến phức tạp, và giao tranh diễn ra ở khu vực dải Gaza ở Trung Đông đã tác động tiêu cực tới quá trình phục hồi kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19. Lạm phát toàn cầu tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt khiến lãi suất cao. Hàng rào bảo hộ, phòng vệ thương mại gia tăng. Thương mại, tiêu dùng, và đầu tư toàn cầu tiếp tục suy giảm. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 được các tổ chức quốc tế điều chỉnh so với các dự báo trước và hầu hết các dự báo đều thấp hơn tốc độ tăng trưởng năm 2022. Nhìn chung, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 được dự báo từ 2.1% tới 3.1% với mức dự báo trung bình là 2.8%.
 
Theo số liệu GSO báo cáo ngày 29/12/2023, GDP quý IV/2023 của Việt Nam ước tính tăng 6.72% và GDP năm 2023 ước tính tăng 5.05% svck. Tuy không đạt mục tiêu nhưng đây là kết quả tích cực trong bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô thế giới đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Lạm phát của nền kinh tế Việt Nam được kiểm soát tốt với mức CPI tăng 3.25% trong năm 2023.
 
Nhiều tổ chức quốc tế dự báo tình hình kinh tế sẽ tiếp tục khó khăn và nhiều rủi ro tiềm ẩn trong năm 2024 với mức tăng trưởng được dự báo chậm hơn năm 2023. Nhiều nền kinh tế lớn đứng trước nguy cơ suy thoái. Tuy vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh hơn năm 2023 trong năm 2024 với mức tăng trưởng GDP dự báo của các tổ chức quốc tế từ 5.5%-6.0%.
 
Chúng tôi cho rằng Chính phủ vẫn còn dư địa để thực hiện các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế trong năm 2024. Nợ chính phủ/GDP đang ở mức thấp. Bên cạnh đó, Việt Nam vừa được Fitch Rating nâng xếp hạng tín nhiệm vào tháng 12 năm 2023.
 
Một trong những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023 là FDI và giải ngân vốn đầu tư công. Chúng tôi kỳ vọng đây vẫn là 2 trụ cột tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024. Một động lực tăng trưởng khác cho nền kinh tế trong năm 2024 là tiêu dùng. Động lực cho tiêu dùng Việt Nam năm 2024 theo chúng tôi sẽ bao gồm nhiều yếu tố như: môi trường lãi suất thấp; Chính phủ giảm thuế GTGT 2% xuống mức 8% tới giữa năm 2024; du lịch tiếp tục duy trì hồi phục; v.v. Thị trường BĐS sẽ có điều kiện để hồi phục vào năm 2024.
 
Mặt khác, chúng tôi cho rằng chưa thể lạc quan đầu tư tư nhân và xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Chỉ số PMI ngành sản xuất và tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế một vài tháng gần đây vẫn ở mức yếu. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đối mặt với tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và nguy cơ suy thoái tại một số thị trường xuất khẩu chính. Triển vọng xuất khẩu yếu cũng có thể gây hạn chế tới sự tăng trưởng của khu vực sản xuất và đầu tư tư nhân. Chúng tôi vẫn dự báo đầu tư tư nhân và xuất khẩu sẽ hồi phục trong năm 2024, nhưng tốc độ hồi phục có thể sẽ chậm. Một rủi ro khác cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 theo chúng tôi là rủi ro về lạm phát.