GDP Quý 2 đạt mức tăng trưởng gần 7% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng này chỉ thấp hơn mức tăng 7.99% của Quý 2/2022 trong suốt giai đoạn từ năm 2022-2024. Sau gần 2 năm, khu vực Công nghiệp và xây dựng đã cho thấy vai trò đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng của toàn nền kinh tế trở lại bên cạnh khu vực dịch vụ
CPI tháng 6 tăng 4.34%, đây là tháng thứ 3 liên tiếp CPI vượt ngưỡng 4%. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 4.08% so với cùng kỳ năm 2023. Nhóm hàng tiêu dùng cùng với các chi phí y tế, giáo dục & giá điện là các yếu tố chính ảnh hướng đến xu hướng của lạm phát trong 06 tháng đầu năm.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm vẫn còn chậm. Tăng trưởng doanh số bán lẻ của Việt Nam sau khi điều chỉnh theo lạm phát chỉ đạt trung bình 5.7% trong 6 tháng đầu năm (giai đoạn trước dịch 8-10%).
Hoạt động sản xuất cho thấy sự cải thiện qua từng tháng trong nửa đầu năm. Nhu cầu nhập khẩu đã quay trở lại sau 2 năm cũng cho thấy các doanh nghiệp đã bắt đầu tăng cường hoạt động sản xuất trở lại. Thêm vào đó, số lượng đơn đặt hàng cũng tăng mạnh khi chỉ số PMI của Việt Nam cho thấy dấu hiệu bứt phá so với trong khu vực ASEAN.
Hoạt động thương mại hàng hóa ghi nhận sự hồi phục tích cực trong 6 tháng đầu năm với mức tăng trưởng lần lượt là 14.5% và 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sự hồi phục của các doanh nghiệp trong nước ghi nhận sự bứt phá hơn so với các doanh nghiệp FDI.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 6 tháng đầu năm liên tục duy trì mức tăng trưởng ổn định, đặc biệt là vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh. Điều này cho thấy các nhà đầu tư đang có góc nhìn rất tích cực về triển vọng dài hạn của Việt Nam.
Chi đầu tư phát triển trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 29% kế hoạch và giảm 8.8% YoY. Hoạt động chi giải ngân đầu tư công dự kiến vẫn sẽ chậm trong giai đoạn Quý 3, và sẽ chỉ bứt phá tốt hơn trong giai đoạn cuối năm.