Bất động sản: Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu

                   Nguồn: HSC

Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu

 

 

  • Ngày 29/11/2023, Quốc Hội khóa XV đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế TPDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (GloBE) với tỷ lệ biểu quyết 93,5%, có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.
  • HSC nhận thấy việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu (GMT) là kịp thời và cần thiết đối với Việt Nam. Nếu không có chính sách này, Việt Nam có thể sẽ thất thoát phần thuế bổ sung (ước tính 12 nghìn tỷ đồng/năm) cho các quốc gia khác và làm giảm hiệu quả của chính sách ưu đãi thuế trong thu hút đầu tư nước ngoài.
  • Mặc dù thuế GMT có thể tác động đến việc thu hút vốn FDI nhưng chúng tôi không cho rằng tác động sẽ quá lớn. HSC duy trì triển vọng tích trong thu hút vốn FDI đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là ở ngành BĐS công nghiệp. Lựa chọn hàng đầu hiện tại của HSC là KBC với giá mục tiêu 40.300đ.
 
Thông qua nghị quyết áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung
 
Ngày 29/11/2023, Quốc Hội khóa XV đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế TPDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (GloBE) hoặc thuế tối thiểu toàn cầu (GMT) với tỷ lệ biểu quyết 93,5%, có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.
 
Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2024
 
Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu (là sáng kiến của OECD/G20 và đã được 142/142 quốc gia thành viên (bao gồm Việt Nam) đồng thuận) sẽ áp dụng mức thuế suất thuế TNDN tối thiểu 15% đối với các tập đoàn lớn có doanh thu trên 750 triệu EUR. HSC hiểu rằng với việc áp dụng thuế GMT, đơn vị hợp thành của tập đoàn đa quốc gia có doanh thu trong báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ tối cao ít nhất 2 năm trong 4 năm liền kề trước năm tài chính tương đương 750 triệu euro sẽ phải nộp thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn.
 
Động thái kịp thời và cần thiết của Chính phủ
 
HSC nhận thấy việc Việt Nam áp dụng chính sách thuế TNDN theo cơ chế thuế GMT là cần thiết và kịp thời vì nếu các doanh nghiệp FDI có trụ sở tại Việt Nam tiếp tục hưởng ưu đãi thuế TNDN theo quy định hiện hành; các quốc gia nơi đặt trụ sở của công ty mẹ có thể thu phần chênh lệch thuế giữa thuế TNDN thực nộp (tại Việt Nam) và thuế được tính theo chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Do đó, Việt Nam sẽ thất thoát phần thuế bổ sung tại các quốc gia khác và làm hạn chế tác động của chính sách ưu đãi thuế trong thu hút vốn FDI.
 
Việc áp dụng thuế TNDN bổ sung dự kiến cũng đem lại những cơ hội mới cho Việt Nam như tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ nguồn thu thuế bổ sung (ước tính khoảng 12 nghìn tỷ đồng/năm (theo Bộ Tài chính)), tăng cường hội nhập quốc tế cũng như hạn chế hiện tượng trốn thuế, né thuế, chuyển giá và chuyển lợi nhuận.
 
Lựa chọn hàng đầu của chúng tôi
 
HSC dự đoán chính sách thuế GMT sẽ không tác động quá nhiều đến hiệu quả thu hút vốn FDI của Việt Nam. Chính phủ cũng đang chủ động hoạch định chính sách hỗ trợ nhằm bù đắp cho tác động từ chính sách thuế GMT, cũng như chuẩn bị các giải pháp phù hợp trong trường hợp tranh chấp, kiện tụng có thể phát sinh. Việt Nam vẫn có lợi thế mạnh về thu hút vốn FDI. HSC kỳ vọng vốn FDI đến Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực và lĩnh vực BĐS công nghiệp sẽ tiếp tục khởi sắc. KBC hiện là lựa chọn hàng đầu của chúng tôi với giá mục tiêu là 40.300đ.