Nguồn: HSC
Thanh khoản thị trường sụt giảm; hạ khuyến nghị xuống Nắm giữ
Tóm tắt
Sự kiện: Phân tích sâu KQKD Q3/2022
Sau khi phân tích KQKD Q3/2022 và triển vọng của CRE, HSC hạ dự báo và định giá đối với Công ty trước những tác động tiêu cực đối với các HĐKD cốt lõi là môi giới BĐS và đầu tư thứ cấp.
Tác động: Giảm 53-63% dự báo lợi nhuận thuần năm 2022 - 2024
HSC lần lượt giảm 58,9%; 63,2% và 52,5% dự báo lợi nhuận thuần cho năm 2022- 2024 vì triển vọng thị trường kém khả quan hơn dự đoán trước đây của chúng tôi. Hiện EPS từ HĐKD cốt lõi theo dự báo của HSC tăng trưởng với tốc độ CAGR 3 năm là -28% (CRE chỉ tăng trưởng đáng kể trở lại từ năm 2024).
Những khó khăn trong ngành dự báo sẽ còn tiếp diễn trong những tháng còn lại của năm 2022 và cả trong năm 2023 trước động thái tăng cường quản lý, hạn chế tín dụng vào lĩnh vực BĐS cộng với mặt bằng lãi suất tăng. Cả nguồn cung và nhu cầu đều chững lại và CRE (doanh nghiệp môi giới BĐS lớn thứ 2 trên thị trường) đang chịu tác động đáng kể.
Định giá và khuyến nghị
Sau khi giá cổ phiếu giảm 34% trong 3 tháng qua, hiện CRE có P/E trượt dự phóng 1 năm là 16,2 lần; cao hơn so với bình quân 3 năm là 10,9 lần. Hiện tiềm năng tăng giá tại giá mục tiêu mới là 3% nên HSC hạ khuyến nghị đối với CRE xuống Nắm giữ (từ Mua vào).
Chúng tôi giảm 39% giá mục tiêu xuống còn 12.200đ (từ 19.877đ) vì (1) giảm dự báo lợi nhuận cho năm 2022-2024 vì triển vọng kém khả quan hơn kỳ vọng, và (2) sử dụng chi phí vốn bình quân WACC mới là 14,6% (từ 12,5%) trong mô hình định giá dựa trên thay đổi các giả định đầu vào. Đồng thời, HSC cũng chuyển thời điểm định giá về cuối năm 2023 (từ giữa năm 2023).
HĐKD cốt lõi của CRE đang đối mặt với nhiều khó khăn vì: chính phủ giám sát chặt tín dụng vào lĩnh vực BĐS, mặt bằng lãi suất tăng và sự cạnh tranh gay gắt trong ngành. Sự hồi phục của thị trường BĐS có thể bị ảnh hưởng tiêu cực từ động thái siết chặt quản lý thị trường TPDN, gây khó khăn đối với một kênh huy động vốn chủ chốt của các doanh nghiệp BĐS.