Bất động sản: Xu hướng tăng trưởng vốn FDI bền vững trong nhiều năm

                                              Nguồn: HSC

Xu hướng tăng trưởng vốn FDI bền vững trong nhiều năm

 

 

 

  • HSC duy trì quan điểm tích cực đối với ngành BĐS công nghiệp, dự kiến sẽ tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng thu hút vốn FDI mạnh mẽ của Việt Nam.
  • Vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao dự báo sẽ bền vững, cụ thể là lĩnh vực thiết bị điện từ và sản phẩm bán dẫn dựa trên xu hướng công nghệ AI và chất bán dẫn. HSC đánh giá các doanh nghiệp BĐS KCN - với quỹ đất cho thuê dồi dào và năng lực đã được chứng minh trong quá trình thu hút vốn FDI từ các công ty công nghệ cao - vẫn đang bị định giá thấp.
  • Lựa chọn hàng đầu của HSC là KBC (Mua vào, giá mục tiêu 40.300đ, tiềm năng tăng giá 30,2%) với câu chuyện hấp dẫn về quỹ đất lớn, và IDC (Tăng tỷ trọng, giá mục tiêu 59.000đ, tiềm năng tăng giá 16,1%) với quỹ đất lớn, doanh số cho thuê đất cao và triển vọng lợi nhuận tích cực.
 
Thu hút vốn FDI tích cực làm tăng nhu cầu thuê đất KCN
 
Trong năm 2023, thu hút vốn FDI đầu tư vào Việt Nam vẫn tiếp tục tích cực với vốn FDI đăng ký tăng mạnh 32,1% so với cùng kỳ đạt 36,6 tỷ USD và vốn FDI giải ngân tăng 3,5% so với cùng kỳ đạt 23,2 tỷ USD. Đà tăng trưởng bền vững của vốn FDI tiếp tục đẩy mạnh nhu cầu thuê đất KCN và giúp giá thuê tại miền Bắc và miền Nam tăng lần lượt 10% và 13,8% so với cùng kỳ lên lần lượt 132 USD/m2 và 189 USD/m2 (theo báo cáo của CBRE).
 
Chuẩn bị tốt để áp dụng quy định thuế GMT
 
Để thích ứng với quy định về thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu (GMT) có hiệu lực từ năm 2024, Việt Nam đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế TPDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (GloBE) hoặc thuế tối thiểu toàn cầu (GMT). Ngoài ra, Chính phủ cũng đang chuẩn bị dự thảo nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng quỹ đầu tư để hỗ trợ các doanh nghiệp FDI lớn bị ảnh hưởng bởi quy định thuế GMT. HSC cho rằng động thái này là kịp thời và cần thiết do việc triển khai thuế GMT linh hoạt sẽ giúp Việt Nam giành được lợi thế so với các đối tác trong khu vực trong quá trình thu hút vốn FDI.
 
Triển vọng vẫn tích cực
 
Ngành BĐS công nghiệp Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng tích cực trong trung và dài hạn nhờ xu hướng thu hút vốn FDI tích cực. Với chi phí sản xuất thấp, vị trí chiến lược gần Trung Quốc, cơ sở hạ tầng cải thiện và độ mở của nền kinh tế cao, Việt Nam đã trở thành điểm đến ưa thích của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao như sản phẩm bán dẫn. Mối quan hệ với Mỹ và Nhật Bản được nâng cấp dự kiến sẽ giúp Việt Nam tiếp tục thu hút vốn FDI vào các lĩnh vực này. Các công ty BĐS KCN có quỹ đất ở vị trí thuận lợi với bề dày kinh nghiệm trong ngành sẽ hưởng lợi nhiều từ xu hướng thu hút vốn FDI ngày càng mạnh.
 
Định giá và khuyến nghị
 
Thị giá các cổ phiếu BĐS công nghiệp trong danh sách khuyến nghị của HSC chiết khấu bình quân 24,4% so với ước tính RNAV mới, so với chiết khấu bình quân 3 năm ở mức 17,3% (Biểu đồ 18). Trong số 4 doanh nghiệp trong danh sách khuyến nghị của chúng tôi, thị giá KBC đang giao dịch chiết khấu lớn nhất so với ước tính RNAV, ở mức 38,7%, trong khi thị giá PHR, IDC & VGC (khuyến nghị và giá mục tiêu đang được xem xét) chiết khấu lần lượt 24,6%, 21,8% và 12,5% so với ước tính RNAV. Nhìn chung, định giá của những cổ phiếu này tương đối rẻ so với bình quân quá khứ. Từ đó, dựa trên nền tảng cơ bản và tiềm năng tăng giá, HSC khuyến nghị nhà đầu tư mua vào cổ phiếu KBC (giá mục tiêu 40.300đ) và IDC (giá mục tiêu 59.000đ) khi giá cổ phiếu giảm.