Nguồn: VCSC
Dần phục hồi trong bối cảnh kênh hàng quán hạn chế
Chúng tôi kỳ vọng ngành bia sẽ dần phục hồi. Kênh bán mang về (off-premise) đã mở lại hoàn toàn kể từ cuối quý 3/2021. Trong khi đó, các cơ quan chức năng đang duy trì các hạn chế chặt chẽ đối với việc tiêu thụ rượu bia tại chỗ (on-premise) – không được mở đồng nhất ngay cả ở các khu vực được phân loại là “vùng xanh”, theo phân loại đánh giá kiểm soát dịch COVID-19 của Chính phủ. Ngoài ra, COVID-19 tiếp tục bùng phát ở những một số nơi như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng tiến độ tiêm chủng tích cực của Việt Nam sẽ hỗ trợ việc mở lại rộng rãi kênh bán on-premise trong tương lai.
Đầu tư vào phân phối, marketing và sản phẩm mới sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phục hồi doanh số bán hàng của SAB. Theo quan sát của chúng tôi, SAB đã tăng cường sự hiện diện của mình trong các chuỗi cửa hàng tiện lợi hàng đầu như Circle K và GS25 bên cạnh việc thành lập các gian hàng chính thức tại các trang thương mại điện tử hàng đầu như Tiki và Lazada. Đồng thời, SAB cũng tích cực tung ra bao bì phiên bản giới hạn cho các thương hiệu chủ lực là Saigon Lager và Saigon Export, nhằm tiếp tục nhấn mạnh chiến lược xây dựng thương hiệu “Tự hào quốc gia” của công ty. Trong khi đó, chúng tôi kỳ vọng đóng góp ngày càng lớn từ dòng sản phẩm phổ thông cao cấp mới của SAB là Saigon Chill (ra mắt vào tháng 10/2020), được hỗ trợ bởi nỗ lực mở rộng kênh phân phối của SAB.
Chúng tôi dự báo sự cải thiện về cơ cấu sản phẩm/giá cả, lợi thế kinh tế về quy mô và các kế hoạch tiết kiệm chi phí sẽ thúc đẩy tăng biên lợi nhuận từ mức thấp vào năm 2021 bất chấp sự ga tăng trong chi tiêu cho khuyến mãi & quảng cáo (A&P). Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt - đặc biệt với bối cảnh thách thức chung của ngành - chúng tôi dự báo chi phí A&P/doanh số bán bia của SAB sẽ vẫn tăng ở mức 10,6%/10,8% trong các năm 2021/2024, so với 6,3% vào năm 2020. Tuy nhiên, chúng tôi dự báo LN từ HĐKD (EBIT)/doanh số bán bia sẽ tăng từ 14,2% vào năm 2021 (2020: 19,9%) lên 17,9% vào năm 2024, được hỗ trợ bởi lợi thế kinh tế về quy mô trong bối cảnh doanh thu dự kiến phục hồi, xu hướng cao cấp hóa sản phẩm, tăng giá bán, tích cực bảo hiểm rủi ro cho nguyên liệu và các sáng kiến tối ưu hóa cơ cấu chi phí (ví dụ: hiệu quả sản xuất và chuyển đổi số).