BID: Tăng giá mục tiêu với NII dự báo cao hơn

Nguồn: VCSC

Tăng giá mục tiêu với NII dự báo cao hơn

 

BIDV

  • Chúng tôi tăng giá mục tiêu cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID) thêm 16,7% lên 50,900 đồng/CP nhưng duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN khi giá cổ phiếu đã tăng 14,2% trong 3 tháng qua.
  • Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi là do định giá cao hơn theo phương pháp thu nhập thặng dư dựa trên mức tăng tổng cộng 16,1% trong dự báo LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2021-2025 của chúng tôi và tác động tích cực của việc cập nhật mô hình định giá của chúng tôi đến cuối năm 2022. Phương pháp P/B mục tiêu cũng tạo ra mức định giá cao hơn khi chúng tôi cập nhật giá trị sổ sách đến cuối năm 2022 và tăng LNST sau lợi ích CĐTS năm 2022 lên 8,2% mặc dù đã giảm P/B mục tiêu cho BID từ 2,05 lần xuống 1,95 lần.
  • Sự gia tăng trong lợi nhuận dự báo giai đoạn 2021-2025 của chúng tôi là do (1) tổng thu nhập từ lãi (NII) tăng 21,4% sau các điều chỉnh tăng trong các giả định của chúng tôi cho NIM và tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn dự báo và (2) tổng thu nhập ròng khác tăng 6,3% do chúng tôi giả định tỷ lệ xử lý nợ cao hơn từ năm 2021 đến năm 2023. 2 yếu tố này bị ảnh hưởng một phần bởi (1) chi phí HĐKD (OPEX) tăng tổng cộng 8,2% và (2) tổng chi phí dự phòng tăng 22,0% theo giả định cao hơn cho tổng chi phí dự phòng bổ sung cho các khoản vay tái cơ cấu theo TT14 trong vòng 3 năm.
  • Rủi ro chính: Cần phải huy động vốn để duy trì tăng trưởng cho vay trong tương lai, gây ra rủi ro pha loãng; Dịch COVID-19 kéo dài có thể (1) yêu cầu các biện pháp hỗ trợ liên tục cho khách hàng làm giảm tỷ lệ NIM và/hoặc (2) dẫn đến tỷ lệ nợ xấu cao hơn dự kiến.

Mặc dù lợi nhuận mà BID dự kiến sẽ sử dụng để hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 vào năm 2021 đã tăng từ 6,1 nghìn tỷ đồng lên khoảng 7,5 nghìn tỷ đồng, chúng tôi nâng giả định NIM năm 2021 thêm 39 điểm cơ bản so với Báo cáo cập nhật gần nhất của chúng tôi với hiệu ứng lưu chuyển trong các năm dự báo. Mức điều chỉnh tăng trong dự báo của chúng tôi cho NIM năm 2021 chủ yếu được thúc đẩy bởi mức tăng 31 điểm cơ bản trong dự báo của chúng tôi về lợi suất IEA năm 2021 sau khi lợi suất IEA 9 tháng năm 2021 giảm thấp hơn dự kiến. Chúng tôi tin rằng lý do đằng sau mức giảm NIM thấp hơn dự kiến trong 9 tháng năm 2021 là do một phần thu nhập sử dụng hỗ trợ COVID-19 được ghi nhận dưới dạng phí chứ không phải là thu nhập từ lãi. Ngoài ra, chúng tôi tiếp tục nhận thấy tăng trưởng cho vay bán lẻ mạnh trong 9 tháng 2021.

BID đã thành công trong việc hạn chế sự suy giảm chất lượng tín dụng so với các ngân hàng khác trong bối cảnh chịu tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19 vào quý 3/2021. Trong quý 3/2021, sự chênh lệch giữa chất lượng tín dụng của BID và các ngân hàng khác đã thu hẹp xuống mức thấp nhất trong 4 năm qua, cho thấy thành công của BID trong việc quản lý rủi ro tín
dụng - đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19. Yếu tố này phần nào khiến chúng tôi cắt giảm giả định tỷ lệ nợ xấu năm 2021 xuống 20 điểm cơ bản xuống còn 1,7%.

Các khoản cho vay tái cơ cấu của BID tăng gần gấp đôi trong quý 3/2021 - cùng xu hướng với mức tăng ghi nhận tại VCB và CTG. Chúng tôi cho rằng xu hướng tăng của các khoản vay tái cơ cấu sẽ tiếp tục trong quý 4/2021 nhưng dự kiến sẽ không vượt quá mức đỉnh 39 nghìn tỷ đồng vào quý 3/2020. Trong Báo cáo cập nhật này, chúng tôi điều chỉnh giả định cho chi phí dự phòng bổ sung cho các khoản vay theo TT14 từ 9,3 nghìn tỷ đồng trước đó lên 18 nghìn tỷ đồng, tương ứng 6 nghìn tỷ đồng chi phí dự phòng theo TT14 sẽ được ghi nhận vào năm 2021.