Bưu chính Viettel (VTP): Hồi phục trở lại; Mua vào

Nguồn: HSC

Hồi phục trở lại; Mua vào

 

VTP

 

Tóm tắt

HSC duy trì khuyến nghị Mua vào đối với VTP nhưng hạ 9% giá mục tiêu xuống 90.000đ sau khi chúng tôi hạ bình quân 15% dự báo lợi nhuận năm 2022-2023. Chúng tôi cho rằng số ca nhiễm COVID-19 gần đây sẽ ảnh hưởng đến KQKD năm 2022 của VTP, trong khi mức độ cạnh tranh và vốn đầu tư gia tăng sẽ tác động tới tỷ suất lợi nhuận.

Mặc dù điều chỉnh giảm dự báo, CAGR lợi nhuận thuần giai đoạn 2021-2024 vẫn đạt 36% nhờ hoạt động thương mại điện tử gia tăng.

Sau khi giá cổ phiếu sụt giảm trong thời gian vừa qua, VTP đang giao dịch với P/E dự phóng 2022 và 2023 lần lượt là 18,1 lần và 13,8 lần, tương đương với P/E trượt dự phóng 1 năm là 14,8 lần, thấp hơn 2,0 lần độ lệch chuẩn so với mức bình quân trong quá khứ là 25,7 lần (kể từ khi niêm yết).

Sự kiện: Phân tích triển vọng và KQKD năm 2021

Doanh thu thuần và lợi nhuận thuần năm 2021 của VTP lần lượt đạt 21.423 tỷ đồng (tăng trưởng 24%) và 297 tỷ đồng (giảm 23%), đạt lần lượt 112% và 90% dự báo của HSC. Mặc dù doanh thu thuần khá ổn định, tình trạng phong tỏa trong Q3/2021 và kéo dài sang Q4/2021 dẫn đến tỷ suất lợi nhuận sụt giảm do các chi phí tăng thêm, như chi phí xét nghiệm, và hoạt động bị gián đoạn.

Thời gian tới, hoạt động thương mại điện tử được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh nhờ ảnh hưởng của dịch COVID-19. Mặt khác, tỷ suất lợi nhuận cải thiện có thẻ sẽ bị trễ do diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, giá xăng dầu tăng và tình hình cạnh tranh ngày càng lớn.

Tác động: Hạ dự báo lợi nhuận thuần năm 2022-2023

HSC hạ bình quân 15% lợi nhuận năm 2022 và 2023 do tỷ suất lợi nhuận thu hẹp do những khó khăn đã đề cập phía trên. Chủ yếu nhờ doanh thu dịch vụ tăng trưởng tốt, chúng tôi dự báo lợi nhuận thuần sẽ tăng trưởng lần lượt 51% và 31% trong năm 2022 và 2023, đạt lần lượt 448 tỷ đồng và 588 tỷ đồng. Chúng tôi cũng đưa ra dự báo lần đầu cho năm 2024 với lợi nhuận thuần đạt 739 tỷ đồng, tăng trưởng 26%.

Định giá và khuyến nghị

Sau khi điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận, HSC hạ 9% giá mục tiêu xuống 90.000đ (tiềm năng tăng giá 34%). Sau khi giá cổ phiếu sụt giảm gần đây, VTP đang giao dịch với P/E dự phóng 2022 và 2023 lần lượt là 18,1 lần và 13,8 lần, tương đương P/E trượt dự phóng 1 năm là 14,8 lần, và thấp hơn 2,0 lần độ lệch chuẩn so với mức bình quân trong quá khứ là 25,7 lần. Theo đó, cổ phiếu hiện có định giá tương đối rẻ và triển vọng tăng trưởng rất mạnh mẽ.

Việc cổ phiếu VTP chuyển niêm yết sang sàn HSX từ sàn UPCoM, dự kiến vào Q3/2022, sẽ là động lực tốt đối với giá cổ phiếu. Ngược lại, rủi ro đối với dự báo của chúng tôi bao gồm tình hình dịch COVID-19 phức tạp và cạnh tranh ngày càng gay gắt. Lưu ý, VTP đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động do số ca nhiễm COVID-19 tăng đột biến, làm chậm trễ tiến độ giao hàng. Nếu tình trạng hiện tại tiếp diễn, tăng trưởng sản lượng của VTP có thể sẽ chậm lại và chất lượng giao hàng sụt giảm.