Nguồn: HSC
KQKD Q4/2021 tích cực nhờ tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng mạnh
Tóm tắt
LPB công bố lợi nhuận thuần Q4/2021đạt 645 tỷ đồng (tăng 38% và vượt dự báo), chủ yếu nhờ thu nhập lãi thuần tăng mạnh. Lợi nhuận thuần năm 2021 đạt 2.874 tỷ đồng (tăng trưởng 54%), bằng 111% dự báo của HSC.
Tăng trưởng tín dụng cao, đạt 18,3% và tỷ lệ NIM tăng 37 điểm cơ bản giúp thu nhập lãi thuần tăng mạnh (tăng 37%). Chất lượng tài sản cải thiện đáng kể trong kỳ ở một số chỉ tiêu chủ chốt.
HSC đang xem xét lại khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo sau KQKD Q4 tích cực. Chúng tôi cũng sẽ theo dõi tác động từ việc bán cổ phần sắp tới của Tổng cty Bưu điện Việt Nam. Hiện LPB có P/B dự phóng năm 2022 là 1,45 lần.
Sự kiện: Công bố KQKD Q4/2021
LPB đã công bố KQKD Q4/2021 với lợi nhuận thuần đạt 645 tỷ đồng (tăng 38% so với cùng kỳ), chủ yếu nhờ thu nhập lãi thuần (tăng 37% so với cùng kỳ) tăng mạnh trong khi chi phí chỉ tăng vừa phải. Kết quả thực hiện vượt đáng kể dự báo của HSC.
Theo đó, lợi nhuận thuần cả năm 2021 đạt 2.874 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh 54% và bằng 111% dự báo của chúng tôi.
Đáng chú ý là vào ngày 24/1, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã thông báo sẽ bán đấu giá toàn bộ 112 triệu cổ phiếu LPB (tương đương 10,15% số lượng cổ phiếu lưu hành) với giá khởi điểm là 28.930đ (cao hơn 26% so với thị giá hiện tại). Ngày tổ chức đấu giá là 23/2.
Tín dụng tăng trưởng mạnh, huy động tăng trưởng khiêm tốn
Tăng trưởng tín dụng tăng tốc trong Q4/2021 (tăng 6,7% so với quý trước và tăng 18,3% so với cùng kỳ) đạt 208,9 nghìn tỷ đồng, là mức tăng trưởng khá cao trong danh sách khuyến nghị của HSC. Ngân hàng đã duy trì lượng trái phiếu doanh nghiệp rất nhỏ trong cơ cấu tài sản, với quy mô chỉ 75 nghìn tỷ đồng.
Về mặt huy động, tiền gửi khách hàng chỉ tăng 0,8% so với quý trước (tăng 3,3% so với cùng kỳ) trong khi giấy tờ có giá phát hành tăng 9,2% so với quý trước (tăng 13,3% so với cùng kỳ). Điểm đáng chú ý là vốn huy động từ thị trường liên ngân hàng tăng đáng kể trong Q4/2021 (tăng 149% so với quý trước và tăng 214% so với cùng kỳ) vì LPB đã tận dụng mặt bằng thanh khoản dồi dào trong hệ thống. Tính đến cuối năm 2021, tỷ trọng vốn huy động từ thị trường liên ngân hàng trong tổng vốn huy động chịu lãi là 17,5% (so với chỉ 6,6% tại thời điểm cuối năm 2020).
Tiền gửi khách hàng tăng trưởng thấp trong Q4 chủ yếu vì khách hàng cá nhân rút tiền gửi (giảm 3,7% so với quý trước) trong khi tiền gửi từ khách hàng cá nhân vẫn tăng 9,8% so với quý trước. Theo đó, hệ số LDR điều chỉnh tăng lên 96,3% từ 92,2% tại thời điểm cuối Q3/2021 và 85,4% tại thời điểm cuối năm 2020.
Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tại thời điểm cuối Q4/2021 đã tăng trở lại mức 10% từ 7,4% tại thời điểm cuối Q3/2021 nhưng vẫn thấp hơn mức 10,7% tại thời điểm cuối Q2/2021. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn của LPB thấp nhất trong danh sách các NHTM HSC khuyến nghị.
Tỷ lệ NIM hồi phục một chút
Tỷ lệ NIM Q4/2021 tăng 14 điểm cơ bản so với quý trước (tăng 37 điểm cơ bản so với cùy kỳ) lên 3,73% với lợi suất gộp tăng 23 điểm cơ bản so với quý trước (giảm 35 điểm cơ bản so với cùy kỳ) lên 8,79% và chi phí huy động giảm 60 điểm cơ bản so với quý trước (giảm 73 điểm cơ bản so với cùy kỳ) xuống 4,71%.
Tỷ lệ NIM năm 2021 tăng 37 điểm cơ bản lên 3,73% nhờ lợi suất gộp chỉ giảm 28 điểm cơ bản trong khi chi phí huy động giảm tới 64 điểm cơ bản.
Thu nhập lãi thuần Q4/2021 tăng 37,6% so với cùng kỳ lên 2.756 tỷ đồng. Theo đó, thu nhập lãi thuần năm 2021 đạt 9.071 tỷ đồng (tăng trưởng 34,2%).
Thu nhập ngoài lãi giảm nhưng lãi thuần HĐ dịch vụ hồi phục
Tổng thu nhập ngoài lãi Q4/2021 giảm 51% so với cùng kỳ xuống còn 279 tỷ đồng, chủ yếu vì không còn thu nhập không thường xuyên (từ hoạt động đầu tư) như trong Q4/2020. Tuy nhiên, lãi thuần HĐ dịch vụ tăng 15,6% so với cùng kỳ nhờ thu nhập từ bancassurance và dịch vụ ngân hàng hồi phục sau khi tác động của đợt dịch Covid-19 thứ 4 dịu xuống.
Vì giảm mạnh trong Q4/2021 so với cùng kỳ, nên tổng thu nhập ngoài lãi năm 2021 giảm 1,7% còn 1.034 tỷ đồng. Nói chung lãi thuần HĐ dịch vụ năm 2021 vượt 8% ước tính của HSC trong khi thu nhập ngoài lãi thấp hơn ước tính của chúng tôi một chút.
Hiệu quả hoạt động tiếp tục cải thiện
Chi phí hoạt động Q4/2021 tăng 17% so với cùng kỳ vì chi phí nhân viên tăng 27% so với cùng kỳ trong khi chi phí công vụ và chi phí liên quan đến tài sản gần như đi ngang.
Tính chung cả năm 2021, hệ số CIR giảm còn 50,6% từ 59,8% trong năm 2020 nhưng vẫn ở mức cao trong số các NHTM chúng tôi khuyến nghị.
Chất lượng tài sản bắt đầu có dấu hiệu cải thiện
Tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ nợ nhóm 2 của LPB giảm nhẹ xuống lần lượt là 1,33% và 0,79% từ 1,42% và 0,86% tại thời điểm cuối Q3/2021. Hệ số LLR tăng lên 114% từ 98% tại thời điểm cuối Q3/2021 và 89,6% tại thời điểm cuối Q4/2020.
Chi phí dự phòng Q4/2021 tăng 15,1% so với cùng kỳ lên 435 tỷ đồng; theo đó chi phí tín dụng năm 2021 là 0,89% (so với 0,44% năm 2020). Chi phí dự phòng năm 2021 là 1.322 tỷ đồng (tăng 89%), cao hơn 20% so với ước tính của HSC.
Lãi dự thu của LPB giảm 16,2% so với quý trước (và giảm 10,9% so với cùng kỳ) xuống còn 5.383 tỷ đồng; tương đương 2,19% tổng tài sản sinh lãi so với 2,74% tại thời điểm cuối Q3/2021. Mặc dù vẫn ở mức cao nhất trong số các NHTM chúng tôi khuyến nghị, tỷ lệ lãi dự thu/tổng tài sản sinh lãi của LPB đã tiệm cận mốc 2% lần đầu tiên trong 5 năm qua.
Nói chung, tác động tiêu cực của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đối với chất lượng tài sản của LPB đã dịu xuống trong Q4. Tuy nhiên, vì chưa có thông tin cụ thể về cơ cấu nợ tái cơ cấu của LPB, chúng tôi vẫn cần chờ vài quý để khẳng định sự cải thiện ở chất lượng tài sản của Ngân hàng.
HSC đang xem xét lại khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo
Hiện LPB có P/B dự phóng năm 2022 là 1,45 lần; thấp hơn 14% so với bình quân P/B dự phóng năm 2022 của nhóm NHTM tư nhân (1,68 lần). Giá mục tiêu dựa trên phương pháp thu nhập thặng dư của LPB hiện là 28.300đ. Tuy nhiên, HSC đang xem xét lại giá mục tiêu cũng như khuyến nghị và dự báo.