Cảng hàng không Việt Nam (ACV): Báo cáo cập nhật

Nguồn: SSI

Báo cáo cập nhật

 

ACV

 

Tình hình hiện tại

Nửa đầu năm 2022 đã chứng kiến sự phục hồi ấn tượng của ngành hàng không Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu hợp nhất của đơn vị khai thác sân bay ACV đạt 5,5 nghìn tỷ đồng (tăng 61,6% so với cùng kỳ), tương đương 30% doanh thu hợp nhất năm 2019. Lợi nhuận trước thuế đạt 4,3 nghìn tỷ đồng (tăng 188% so với cùng kỳ), kết quả này một phần đến từ việc công ty đã ghi nhận khoản lãi tỷ giá 1,7 nghìn tỷ đồng do đồng Yên Nhật giảm giá. Nếu loại trừ khoản thu nhập này, lợi nhuận trước thuế của ACV đạt 2,6 nghìn tỷ đồng, tương đương 26% LNTT năm 2019.

Trong nửa đầu năm 2022, lượng khách đến các sân bay Việt Nam đạt 23,3 triệu lượt (tăng 74% so với cùng kỳ), tương đương 60% kết quả 6 tháng đầu năm 2019. Trong đó, lượng hành khách nội địa đạt 21 triệu lượt. Đây là một điểm tích cực trong kết quả kinh doanh của ACV, cho thấy mức tăng 21% so với năm 2019, kết quả này rất ấn tượng khi Việt Nam mới nối lại các chuyến bay kể từ tháng 3 năm nay. Tuy nhiên, mức phục hồi lượng hành khách quốc tế thấp hơn nhiều. Hành khách quốc tế chỉ đạt 2,3 triệu lượt sau 6 tháng, tương đương 11% so với kết quả năm 2019. Đây là lý do chính khiến tốc độ phục hồi lợi nhuận chậm hơn nhiều so với mức phục hồi lượng hành khách, do doanh thu từ hành khách quốc tế cao gấp khoảng 4~5 lần khách nội địa.

Động lực từ các chuyến bay nội địa vào năm 2022. Lượng hành khách nội địa tiếp tục hồi phục ấn tượng, với 61 triệu lượt khách sau 8 tháng đầu năm 2022 (trên thực tế, dữ liệu này chủ yếu phản ánh cho giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 10, điều này làm cho con số trở nên ấn tượng hơn rất nhiều). Như vậy, kết quả này đã vượt xa năm 2019, một phần do nhu cầu bị dồn nén sau 2 năm ngừng khai thác các chuyến bay. Lượng hành khách quốc tế vẫn ở mức thấp và đang trong giai đoạn phục hồi với chỉ 5 triệu hành khách, tương đương 20% lượng khách vào năm 2019. Điều này có thể là do:

  • Các chính sách liên quan đến Covid của các nước lân cận: Trung Quốc vẫn kiểm soát biên giới nghiêm ngặt, trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn áp dụng một số biện pháp kiểm soát dịch bệnh. 3 quốc gia này chiếm 60% lượng hành khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2019.
  • Thay đổi chính sách thị thực: Trước COVID-19, Việt Nam đã áp dụng chính sách miễn thị thực cho thời gian lưu trú ngắn hạn 15 ngày đối với công dân đến từ 81 quốc gia trên thế giới. Hiện nay, số lượng các quốc gia được miễn thi thực đã thu hẹp chỉ còn 13 quốc gia tại thời điểm viết báo cáo này.

Trong khi đó, đầu tư cơ sở hạ tầng mới vẫn là trọng tâm của ACV. Dưới đây là thông tin tất cả các dự án trọng điểm đang được triển khai:

  • Sân bay quốc tế Long Thành: Công tác giải phóng mặt bằng đã gần hoàn thành. Công ty đang trong giai đoạn cuối cùng xin phê duyệt của Bộ Giao thông Vận tải cho bản thiết kế kỹ thuật nhà ga. Nếu được phê duyệt thì công ty sẽ bắt đầu đấu thầu xây dựng nhà ga theo kế hoạch vào quý 1 năm 2023.
  • Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất: Mặc dù việc giải phóng mặt bằng còn vướng mắc, nhưng Thủ tướng Chính phủ đã ấn định thời điểm xây dựng vào quý 3/2022. Điều này sẽ hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.
  • Nhà ga quốc tế Cát Bi: Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định đầu tư vào tháng 7 năm 2022, với công suất 5 triệu hành khách/năm và tổng vốn đầu tư dự kiến là 2,4 nghìn tỷ đồng.

Các vấn đề hiện nay như khu bay và quyết toán giá trị cổ phần hóa vẫn chưa có diễn biến mới. Khu vực khu bay vẫn thuộc quyền quản lý của ACV trong giai đoạn 2021-2025. Một giải pháp lâu dài hơn cho quyền sở hữu khu vực hạ cánh vẫn đang được thảo luận, bao gồm: chuyển khu vực hạ cánh cho ACV sở hữu bằng cách tăng vốn của nhà nước tại ACV, hoặc; ACV đầu tư và bảo trì bãi đáp theo hình thức BOT (Xây dựng-Kinh doanhChuyển giao). Về việc quyết toán giá trị cổ phần hóa, hiện cũng chưa có thông tin mới. Đây là 2 vấn đề then chốt mà ACV cần làm rõ trước khi được phép niêm yết trên HOSE. Vì vậy, chúng tôi cho rằng mốc thời gian ACV niêm yết trên sàn HOSE có thể là đến năm 2023 hoặc thậm chí còn xa hơn.

Quan điểm của chúng tôi

Cùng với sự phục hồi của ngành hàng không, ACV đã có sự phục hồi vững chắc ở cả doanh thu và lợi nhuận ròng, trong khi các hãng hàng không vẫn đang gặp khó khăn trong bối cảnh chi phí nhiên liệu cao và cạnh tranh gay gắt. Điều này phù hợp với quan điểm mà chúng tôi đã đưa ra trong Báo cáo chiến lược 2022, trong đó chúng tôi ưu tiên những sân bay hàng đầu trong lĩnh vực này với tỷ lệ chi phí nhiên liệu tăng rất thấp. Chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm tích cực dành cho lĩnh vực này nói chung và ACV nói riêng, do chúng tôi cho rằng công ty sẽ phục hồi nhanh hơn nữa vào năm 2023~2024 khi lượng hành khách quốc tế tăng lên.

Trong kịch bản cơ sở, chúng tôi giả định Trung Quốc sẽ nới lỏng và dần dỡ bỏ chính sách kiểm soát biên giới nghiêm ngặt và chính sách Zero- COVID vào quý 1 năm 2023, sau Đại hội Đảng Trung Quốc dự kiến diễn ra vào cuối tháng 10 năm 2022. Đó sẽ là chất xúc tác lớn cho toàn ngành, để khôi phục cả lượng khách đi và đến. Để lượng hành khách và doanh thu, lợi nhuận trở lại mức bình thường trước COVID, chúng tôi nghĩ rằng chúng ta cần đợi đến giữa năm 2024.

Về rủi ro lãi suất và tỷ giá, chúng tôi thấy rủi ro này không đáng quan ngại đối với ACV. Cụ thể, công ty hiện đang có khoản vay dài hạn 78 tỷ Yên (kỳ hạn 40 năm) với lãi suất cố định. Chúng tôi cũng giả định rằng đồng Yên Nhật sẽ có xu hướng giảm giá so với VND trong 1~2 năm tới, do đó rủi ro lỗ tỷ giá là không cao. Tuy nhiên, trong các dự án sắp tới nói trên, rủi ro này có thể tăng lên do các khoản vay mới sẽ không còn là vốn vay ODA nữa mà là các khoản vay thương mại với lãi suất thả nổi và cao hơn.