Cảng Hàng không Việt Nam (ACV): Lợi nhuận cốt lõi cải thiện trong quý 1/2022 nhờ biên lợi nhuận gộp tăng

Nguồn: VCSC

Lợi nhuận cốt lõi cải thiện trong quý 1/2022 nhờ biên lợi nhuận gộp tăng

 

ACV

 

  • Tổng CT Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) công bố KQKD quý 1/2022 với doanh thu tăng 11% YoY đạt 2,1 nghìn tỷ đồng và LNST sau lợi ích CĐTS tăng 1,3% YoY đạt 875 tỷ đồng.
  • Tăng trưởng doanh thu trong quý 1/2022 chủ yếu đến từ tăng trưởng doanh thu phí cất cánh và hạ cánh (T-O/L) và doanh thu phi hàng không. Trong khi đó, lợi nhuận được thúc đẩy bởi biên lợi nhuận gộp tăng 12 điểm phần trăm YoY, bị ảnh hưởng một phần bởi thu nhập tài chính giảm so với cùng kỳ năm trước.
  • Không bao gồm đóng góp từ tài sản hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư (đường băng), doanh thu của ACV tăng 1,1% YoY đạt 1,7 nghìn tỷ đồng và LNST sau lợi ích CĐTS tăng 2,5% YoY đạt 701 tỷ đồng trong quý 1/2022.
  • Doanh thu và LNST sau lợi ích CĐTS quý 1/2022 của ACV (không bao gồm đóng góp từ tài sản hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư) lần lượt hoàn thành 18% và 28% dự báo cả năm tương ứng của chúng tôi. Tỷ lệ hoàn thành lợi nhuận cao chủ yếu do khoản lãi đánh giá lại tỷ giá chưa thực hiện cao hơn dự kiến. Nếu không tính khoản lãi đánh giá lại tỷ giá trị giá 271 tỷ đồng này trong quý 1/2022, LNTT cốt lõi hoàn thành 19% dự báo cả năm của chúng tôi.
  • Chúng tôi nhận thấy không có rủi ro đáng kể nào đối với dự báo của chúng tôi cho ACV vì Việt Nam đã dỡ bỏ các hạn chế đối với chuyến bay hành khách quốc tế - phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi. Chúng tôi kỳ vọng lượng hành khách quốc tế sẽ phục hồi đáng kể bắt đầu từ nửa cuối năm 2022.

ACV đã kiểm soát hiệu quả chi phí của công ty, dẫn đến biên lợi nhuận gộp tăng mạnh. Dù doanh thu chỉ tăng 11% YoY đạt 2,1 nghìn tỷ đồng trong quý 1/2022, lợi nhuận gộp tăng 85% YoY đạt 655 tỷ đồng. Ngoài việc ACV kiểm soát hiệu quả các chi phí hoạt động như chi phí nhân công (-2% YoY trong quý 1/2022), chi phí khấu hao và chiết khấu của ACV đã giảm 15% YoY trong quý 1/2022, dù cần thêm đánh giá chi tiết.

ACV tiếp tục ghi nhận chi phí dự phòng cho các khoản phải thu khó đòi. Trong quý 1/2022, ACV ghi nhận 23 tỷ đồng chi phí dự phòng cho các khoản phải thu khó đòi so với mức 436 tỷ đồng trong cả năm 2021. Tại thời điểm cuối quý 1/2022, số dư phải thu khó đòi là 1.8 nghìn tỷ đồng, bao gồm các khoản phải thu khó đòi từ các hãng hàng không Việt Nam Pacific Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways và Vietnam Airlines. Theo bảng cân đối kế toán cuối quý 1/2022, ACV ghi nhận số dư dự phòng lũy kế cho các khoản phải thu khó đòi là 518 tỷ đồng, chiếm 29% tổng số dư phải thu khó đòi.