Cảng hàng không Việt Nam (ACV): Lợi nhuận cốt lõi Q4 giảm nhẹ so với quý trước

Nguồn: HSC

Lợi nhuận cốt lõi Q4 giảm nhẹ so với quý trước

 

ACV

 

Tóm tắt

  • Lợi nhuận cốt lõi thuộc về cổ đông ACV trong Q4/2022 đạt 1,5 nghìn tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức lỗ nhẹ trong Q4/2021 nhưng giảm 17% so với Q3/2022, thấp hơn 9% so với dự báo của chúng tôi là 1,65 nghìn tỷ đồng.
  • Doanh thu thuần đạt 4,1 nghìn tỷ đồng (Q4/2021 – 1,0 nghìn tỷ đồng; Q3/2022 – 4,2 nghìn tỷ đồng), sát với dự báo của chúng tôi nhờ nhu cầu nội địa cao và du khách quốc tế dần quay trở lại.
  • HSC đang xem xét lại khuyến nghị và giá mục tiêu do cổ phiếu tăng mạnh hơn 15% so với chỉ số VNIndex trong 3 tháng vừa qua nhờ triển vọng ngành hàng không cải thiện trong bối cảnh số lượng du khách quốc tế quay trở lại ngày càng tăng.

Sự kiện: Công bố KQKD Q4/2022

Ngày 1/2/2023, ACV công bố KQKD Q4/2022. Nếu không bao gồm khoản mục không thường xuyên trong tất cả các giai đoạn, lợi nhuận thuộc về cổ đông ACV đạt 1,5 nghìn tỷ đồng, so với lỗ 40 tỷ đồng trong Q4/2021 và dự báo của chúng tôi là 1,65 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu thuần sát với dự báo của chúng tôi nhờ số lượng du khách ở mức cao.

Nhìn chung, lợi nhuận thuộc về cổ đông ACV trong Q4/2022 đạt 1.072 tỷ đồng (tăng 495% so với cùng kỳ), bao gồm khoản lỗ không thường xuyên tổng cộng 387 tỷ đồng (so với khoản lãi 220 tỷ đồng trong Q4/2021), so với dự báo của chúng tôi là lợi nhuận thuần đạt 1.800 tỷ đồng. Tổng doanh thu thuần đạt 4.109 tỷ đồng (tăng 331% so với cùng kỳ). Cụ thể như sau:

Doanh thu thuần được thúc đẩy nhờ số lượng hành khách ở mức cao

Trong Q4/2022, tổng số hành khách của ACV đạt 24,8 triệu lượt (tăng 600% so với cùng kỳ nhưng giảm 20% so với quý trước), trong đó:

  • Số lượng du khách quốc tế đạt 5,4 triệu lượt (so với 173.073 lượt trong Q4/2021) nhờ du khách quốc tế trở lại, dẫn đầu bởi Hàn Quốc. Số lượng du khách quốc tế trong Q4/2022 tăng 18,8% so với quý trước.
  • Số lượng khách du lịch trong nước đạt 19,4 triệu lượt (so với 3,37 triệu lượt trong Q4/2021), từ mức nền thấp cùng kỳ năm ngoái. Số lượng hành khách nội địa trong Q4/2022 giảm 26,7% so với quý trước do mùa cao điểm (kỳ nghỉ hè) đã trôi qua.

Chúng tôi cho rằng số lượng hành khách của ACV là rất tích cực, đặc biệt là du khách quốc tế. Số lượng hành khách tăng trưởng liên tục theo từng tháng trong năm 2022 và đạt 2,14 triệu lượt/tháng trong tháng 12/2022, tương đương 65% số lượng du khách quốc tế hàng tháng trong năm 2019 là 3,5 triệu lượt.

Với việc Trung Quốc mở cửa trở lại, quốc gia đóng góp số lượng khách du lịch lớn nhất tới Việt Nam trước dịch COVID-19, chúng tôi tin rằng số lượng du khách quốc tế sẽ tiếp tục cải thiện từ năm 2023 trở đi.

Từ đó, doanh thu đạt 4.109 tỷ đồng (tăng 331% so với cùng kỳ), bao gồm 585 tỷ đồng (tăng 111% so với cùng kỳ) phí cất và hạ cánh (thuộc về tài sản khu bay) và 3.524 tỷ đồng (tăng 421% so với cùng kỳ) từ doanh thu cốt lõi của ACV. Trong cả năm 2022, doanh thu thuần đạt 13.834 tỷ đồng (so với 4.752 tỷ đồng trong năm 2021).

Lợi nhuận thuần được hỗ trợ nhờ số lượng hành khách và tỷ suất lợi nhuận cải thiện

Nếu không bao gồm các khoản mục không thường xuyên (chênh lệch tỷ giá và chi phí dự phòng), lợi nhuận cốt lõi thuộc về các cổ đông ACV đạt 1.459 tỷ đồng, so với 1.764 tỷ đồng trong Q3/2022 và lỗ 40 tỷ đồng trong Q4/2021. Lợi nhuận thuần cốt lõi giảm nhẹ so với quý trước có thể do tổng số du khách giảm và chi phí hoạt động tăng nhẹ.

Trong Q4/2022, tỷ suất lợi nhuận gộp tăng mạnh lên 47% so với âm 17% trong Q4/2021 nhờ số lượng hành khách quốc tế và nội địa tăng mạnh so với cùng kỳ. Từ đó, lợi nhuận gộp trong Q4/2022 đạt 1.933 tỷ đồng (lỗ 162 tỷ đồng trong Q4/2021). Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận giảm so với quý trước do tổng số hành khách giảm và chi phí sửa chữa và bảo trì tăng lên 338 tỷ đồng trong Q4/2022 so với 135 tỷ đồng trong Q3/2022.

Lãi tài chính thuần đạt 605 tỷ đồng trong quý, giảm 32% so với cùng kỳ và 32% so với quý trước do đồng JPY tăng giá so với đồng VND vào cuối tháng 12/2022. Trên thực tế, lãi tỷ giá trong Q4/2022 của ACV chỉ là 153 tỷ đồng, so với lần lượt 524,6 tỷ đồng và 601 tỷ đồng trong Q4/2021 và Q3/2022.

Chi phí bán hàng & quản lý gây bất ngờ khi tăng mạnh lên 1.032 tỷ đồng, so với lần lượt 337 tỷ đồng và 335 tỷ đồng trong Q4/2021 và Q3/2022.

  • Lưu ý, ACV đã trích lập 663 tỷ đồng chi phí dự phòng các khoản phải thu quá hạn theo chuẩn mực kế toán VAS. Các khoản nợ khó đòi này chủ yếu đến từ các hãng hàng không trong nước bao gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airlines và Pacific Airlines. Công ty kỳ vọng sẽ sớm thu hồi được các khoản nợ khó đòi này khi tình hình của các hãng hàng không này phục hồi sau giai đoạn COVID-19. Theo đó, ACV có thể sẽ hoàn nhập một số khoản chi phí dự phòng này trong năm 2023. Trong năm 2022, ACV đã trích lập tổng cộng 812 tỷ đồng chi phí dự phòng các khoản nợ khó đòi.
  • Ngoài ra, chi phí tiền lương BLĐ trong Q4/2022 ở mức cao là 204 tỷ đồng (Q4/2021 là 44 tỷ đồng và Q3/2022 là 144 tỷ đồng).

Nhìn chung, LNTT và lợi nhuận thuần (thuộc về cổ đông của ACV) lần lượt đạt 1.578 tỷ đồng (Q4/2021 là 380 tỷ đồng) và 1.072 tỷ đồng (Q4/2021 là 180 tỷ đồng). LNTT và lợi nhuận thuần giảm lần lượt 47,1% và 46,3% so với quý trước do chi phí tăng (chi phí sửa chữa & bảo trì, chi phí lao động và chi phí dự phòng) và lãi tỷ giá giảm.

Trong cả năm 2022, lợi nhuận thuần thuộc về cổ đông của ACV đạt 6.236 tỷ đồng (năm 2021 là 480 tỷ đồng). Lợi nhuận cốt lõi ước tính đạt 4.901 tỷ đồng (lỗ thuần 348 tỷ đồng trong năm 2021).

HSC đang xem xét lại khuyến nghị và giá mục tiêu

Giá cổ phiếu ACV đã tăng mạnh hơn 15% so với chỉ số VNIndex trong 3 tháng vừa qua do kỳ vọng hồi phục đối với số lượng khách quốc tế quay trở lại Việt Nam, đặc biệt là Trung Quốc, từ năm 2023 trở đi.

HSC đang xem xét lại khuyến nghị và giá mục tiêu đối với ACV. Trong năm 2023, chúng tôi dự báo doanh thu đạt 20.148 tỷ đồng (tăng trưởng 45,6%) và lợi nhuận thuần đạt 7.902 tỷ đồng (tăng trưởng 26,7%), nhờ số lượng du khách quốc tế liên tục cải thiện và khoản hoàn nhập chi phí dự phòng.