Cảng hàng không Việt Nam (ACV): Lợi nhuận phục hồi nhờ hành khách quốc tế

Nguồn: VCSC

Lợi nhuận phục hồi nhờ hành khách quốc tế

 

ACV

 

  • Chúng tôi duy trì khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG đối với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) đồng thời nâng giá mục tiêu thêm 5,3% lên 91.800 đồng/cổ phiếu.
  • Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi chủ yếu nhờ (1) hiệu ứng tích cực của việc cập nhật giá mục tiêu từ cuối năm 2022 sang giữa năm 2023 và (2) chúng tôi tăng giả định số lượng hành khách quốc tế và trong nước cho giai đoạn 2023-2024 - bù đắp một phần cho (3) dự báo hành khách quốc tế thấp hơn cho năm 2022.
  • Chúng tôi dự báo ACV sẽ ghi nhận doanh thu đạt 9,3 nghìn tỷ đồng (+95% YoY) vào năm 2022, thấp hơn 5% so với dự báo trước đây của chúng tôi khi chúng tôi giảm giả định số lượng hành khách quốc tế năm 2022 thêm 20% còn 11,2 triệu (+22 lần YoY ) do khách quốc tế đến Việt Nam phục hồi chậm hơn dự kiến - đặc biệt là khách từ Trung Quốc - được bù đắp một phần bởi mức tăng 14% trong giả định số lượng hành khách trong nước của chúng tôi cho năm 2022. Dự báo hành khách quốc tế năm 2022 của chúng tôi tương đương với 27% con số trước dịch COVID-19.
  • Trong khi đó, chúng tôi tăng dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2022 thêm 34% lên 3,6 nghìn tỷ đồng (+7,9 lần YoY) chủ yếu do chúng tôi dự báo khoản lãi từ đánh giá lại tỷ giá cao hơn là 762 tỷ đồng so với dự báo mức lỗ 322 tỷ đồng trước đây.
  • Chúng tôi cũng nâng dự báo LNST sau lợi ích CĐTS thêm 8,5% đối với năm 2023 và 9,4% đối với năm 2024 tương ứng với kỳ vọng tích cực hơn của chúng tôi về sự phục hồi của thị trường hàng không quốc tế của Việt Nam nhờ hiệu quả của vaccine COVID-19 và kỳ vọng của chúng tôi rằng dịch COVID-19 bắt đầu trở thành bệnh đặc hữu tại phần lớn các nước có khách quốc tế đến Việt Nam từ năm 2023.
  • Chúng tôi kỳ vọng ACV sẽ hưởng lợi chính từ sự phục hồi của ngành hàng không tại Việt Nam sau đại dịch. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng ACV có định giá hợp lý khi được giao dịch với EV/EBITDA trung bình giai đoạn 2022-2023 là 26,2 lần so với mức 15,4 lần trong giai đoạn 2018-2019.
  • Yếu tố hỗ trợ/(Rủi ro): vốn XDCB thấp hơn/(cao hơn) dự kiến; mở rộng công suất sân bay nhanh hơn/(chậm hơn) dự kiến.

Phục hồi chậm trong ngắn hạn, nhưng triển vọng dài hạn khả quan hơn. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), kết nối hàng không quốc tế trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương và với các khu vực khác thấp hơn mức toàn cầu trước dịch COVID-19 (ở mức 62%) tính đến tháng 5/2022. Nguyên nhân chính dẫn đến sự phục hồi chậm là những hạn chế nghiêm ngặt hiện tại của Trung Quốc để phòng chống dịch COVID-19. Do lượng khách Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam theo tất cả các phương thức vận chuyển trong giai đoạn 2018-2019, chúng tôi cho rằng chính sách zero-COVID của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng sự phục hồi của ngành hàng không quốc tế tại Việt Nam trong năm 2022. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng lĩnh vực hàng không quốc tế của Việt Nam sẽ phục hồi với tốc độ nhanh hơn bắt đầu từ năm 2023 nhờ vào hiệu quả của vaccine và dịch COVID-19 bắt đầu trở thành bệnh đặc hữu tại phần lớn các thị trường nguồn khách quốc tế của Việt Nam từ năm 2023. Do đó, chúng tôi dự báo số lượng hành khách quốc tế của Việt Nam sẽ đạt mức trước dịch COVID-19 vào năm 2024 so với trước đây là năm 2025.

Chúng tôi giữ quan điểm lạc quan về sự phục hồi dài hạn của ngành hàng không Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ giành được thị phần khách du lịch nước ngoài so với các quốc gia khác trong khu vực trong dài hạn nhờ (1) kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng hàng không của Việt Nam sau đại dịch, (2) Chính phủ duy trì các chính sách chào đón khách du lịch và các nhà đầu tư nước ngoài và (3) Việt Nam là 1 điểm đến du lịch có giá cả bình dân trong khu vực. Do đó, chúng tôi duy trì giả định về số lượng hành khách quốc tế sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) là 15% trong giai đoạn 2026-2031 so với mức 21% trong giai đoạn 2016-2019.