Nguồn: VCSC
Lượng hành khách dần hồi phục; bước vào chu kỳ đầu tư vốn cao
- Chúng tôi duy trì khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG dành cho Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đồng thời nâng giá mục tiêu thêm 2,4% lên 94.000 đồng/cổ phiếu. Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi chủ yếu do dự báo biên LN gộp tăng nhờ ACV quản lý chi phí hiệu quả và dự báo tích cực hơn cho thị trường hàng không trong nước sau đà phục hồi mạnh hơn dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2022, bị ảnh hưởng một phần bởi giả định lãi suất phi rủi ro cao hơn 0,5 điểm % của chúng tôi.
- Mặc dù đà phục hồi của lượng hành khách (pax) quốc tế nhìn chung là phù hợp với dự báo của chúng tôi, nhưng số lượng hành khách trong nước đã phục hồi nhanh hơn so với kỳ vọng trước đó của chúng tôi; Do đó, chúng tôi nâng dự báo lượng pax trong nước thêm tổng cộng 9% cho giai đoạn 2022-2025 – với mức tăng 12% dự báo trong năm 2022. Trong năm 2022, chúng tôi dự báo lượng hành khách trong nước đạt 82,8 triệu (khoảng 111% con số năm 2019) và 11,2 triệu hành khách quốc tế (khoảng 27% con số năm 2019). Chúng tôi kỳ vọng lượng hành khách quốc tế sẽ phục hồi đáng kể bắt đầu từ nửa cuối 2022.
- Sau thay đổi dự báo lượng hành khách trong nước và giả định biên lợi nhuận gộp, chúng tôi nâng tổng LNST trong giai đoạn 2022-2025 thêm 22%.
- Đối với năm 2022, chúng tôi dự báo doanh thu của ACV đạt 9,7 nghìn tỷ đồng (+103% YoY) với LNST sau lợi ích CĐTS là 5,0 nghìn tỷ đồng (+11 lần YoY), chủ yếu nhờ (1) sự phục hồi mạnh mẽ của lượng hành khách trong nước và quốc tế từ mức cơ sở thấp vào năm 2021 do COVID-19 và (2) lãi từ đánh giá lại ngoại tệ chưa thực hiện.
- Chúng tôi kỳ vọng ACV sẽ là công ty hưởng lợi chính từ đà phục hồi ngành hàng không sau đại dịch. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng định giá của ACV hiện đang khá phù hợp khi đang giao dịch ở mức EV/EBITDA trung bình 2022-2023 là 23,9 lần, cao hơn 55% so với EV / EBITDA 2018-2019 là 15,4 lần.
- Yếu tố hỗ trợ/(giảm): vốn XDCB thấp hơn/(cao hơn) so với dự kiến; mở rộng công suất sân bay nhanh hơn/(chậm hơn) so với dự kiến.
Số lượng hành khách quốc tế phục hồi đáng kể bắt đầu từ nửa cuối 2022. Vào tháng 7/2022, hành khách quốc tế đạt 1,3 triệu so với mức trung bình chỉ khoảng 150.000 khách/tháng trong quý 1/2022 và khoảng 660.000 khách/tháng trong quý 2/2022. Chúng tôi tin rằng lượng hành khách quốc tế sẽ bắt đầu phục hồi đáng kể từ nửa cuối 2022 khi Việt Nam đã nới lỏng các hạn chế đi lại đối với khách nước ngoài kể từ tháng 5/2022. Chúng tôi kỳ vọng lượng hành khách quốc tế của Việt Nam sẽ đạt mức trước dịch COVID-19 vào năm 2024 và đạt CAGR 14% vào năm 2025-2030 so với 21% trong giai đoạn 2016-2019.
Số lượng hành khách trong nước tăng mạnh sau dịch COVID-19 nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao của Việt Nam và các chính sách của Chính phủ xem COVID-19 là bệnh đặc hữu, bên cạnh nhu cầu du lịch bị dồn nén mạnh sau gần 2 năm gián đoạn. Cùng với đà phục hồi vững chắc của lượng hành khách trong nước năm 2022 khi dịch COVID-19 giảm dần, chúng tôi dự báo lượng hành khách trong nước sẽ đạt tốc độ CAGR là 7% trong giai đoạn 2022-2025 nhờ số lượng người tiêu dùng trung lưu ngày càng tăng tại Việt Nam.
ACV sẽ bước vào chu kỳ đầu tư vốn XDCB cao để mở rộng công suất, bao gồm Sân bay Quốc tế Long Thành (LTA) Giai đoạn 1 với vốn đầu tư dự kiến là 4,2 tỷ USD và nhà ga hành khách thứ 3 tại Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất (SGN) với vốn đầu tư dự kiến là 475 triệu USD trong năm 2022-2025F. Hai dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và chúng tôi đã đưa kế hoạch vốn đầu tư vào dự báo và định giá của chúng tôi.