Cao su Đà Nẵng (DRC): KQKD quý 3/2022 thấp hơn ước tính do xuất khẩu lốp bias kém tích cực

Nguồn: SSI

KQKD quý 3/2022 thấp hơn ước tính do xuất khẩu lốp bias kém tích cực

 

DRC

 

DRC công bố KQKD quý 3/2022 khả quan, với lợi nhuận tăng 128% so với cùng kỳ do công ty được hưởng lợi từ giá bán tăng và sản lượng tiêu thụ lốp radial tăng lên. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy sự giảm sút của thị trường xuất khẩu lốp xe bias, điều này khiến chúng tôi phải điều chỉnh giảm dự báo năm 2022-2023. Chúng tôi sẽ cập nhật ước tính lợi nhuận và định giá của DRC trong báo cáo chi tiết được công bố thời gian sắp tới.

Trong quý 3/2022, DRC đạt doanh thu thuần 1,35 nghìn tỷ đồng (tăng 46% so với cùng kỳ) và lợi nhuận trước thuế 96 tỷ đồng (tăng 128% so với cùng kỳ). Chúng tôi lưu ý rằng quý 3/2021 ghi nhận mức cơ sở thấp khi công ty phải cắt giảm hoạt động sản xuất để tuân thủ các chính sách giãn cách xã hội. Doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế trong 3 quý đầu năm 2022 lần lượt đạt 3,78 nghìn tỷ đồng (tăng 24% so với cùng kỳ) và 283 tỷ đồng (tăng 11% so với cùng kỳ), hoàn thành 86% và 88% kế hoạch năm được đề ra một cách thận trọng của công ty.

Doanh thu lốp bias và lốp radial lần lượt tăng 9% và 57% so với cùng kỳ. Giá bán bình quân của lốp bias và lốp radial lần lượt tăng 9% và 8% so với cùng kỳ, cùng với sự gia tăng của giá nguyên liệu. Trong khi sản lượng tiêu thụ của lốp bias không thay đổi so với cùng kỳ, sản lượng tiêu thụ lốp radial tăng 45% so với cùng kỳ lên 217 nghìn chiếc, tương đương với hiệu suất hoạt động cao nhất cho đến nay (145% trong quý 3/2022 so với 100% trong quý 3/2021). Công ty đã chuyển một số nguồn lực (bao gồm một số dây chuyền sản xuất và nhân lực) từ nhà máy sản xuất lốp bias sang nhà máy sản xuất lốp radial để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của lốp radial.

Về thị trường xuất khẩu, công ty công bố sản lượng tiêu thụ lốp radial tăng trưởng đáng khích lệ (tăng 42% theo năm và 23% theo quý), trong khi sản lượng tiêu thụ lốp bias giảm đáng kể (giảm 55% theo năm và 33% theo quý). Theo công ty, lốp bias được xuất khẩu sang các thị trường kém phát triển hơn (Lào, Myanmar và một số quốc gia ở Trung Đông), và tiêu thụ lốp bias tại những thị trường này bị ảnh hưởng bởi (1) giá xăng cao và (2) xu hướng chuyển đổi từ sử dụng lốp bias sang lốp radial. Trong khi đó, lốp radial của DRC được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, nơi mà sự cạnh tranh từ các công ty Trung Quốc ít gay gắt hơn từ đầu năm, do tình trạng giãn cách xã hội kéo dài ở Trung Quốc. Do đó, xuất khẩu lốp radial của DRC vẫn tăng trưởng tốt trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao.

Tỷ suất lợi nhuận gộp cải thiện từ 14,4% trong quý 3/2021 lên 16,9% trong quý 3/2022 nhờ hiệu suất hoạt động cao hơn của nhà máy lốp radial (145% trong quý 3/2022 so với 100% trong quý 3/2021) và giá bán bình quân cao hơn. Giá cao su thiên nhiên (chiếm 30% tổng chi phí nguyên liệu) đi ngang. Trong khi đó, giá cao su tổng hợp, hóa chất và than đen lần lượt tăng 6%, 21% và 28% so với cùng kỳ, tương ứng với 12%, 17% và 18% tổng chi phí nguyên liệu đầu vào.

Chi phí lãi vay tăng từ mức thấp 900 triệu đồng trong quý 3/2021 lên 15 tỷ đồng trong quý 3/2022. Chi phí lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá tăng, cùng với tổng chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng.

Tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý trên doanh thu giảm từ 9,8% trong quý 3/2021 xuống 8,7% trong quý 3/2022, nhờ doanh thu cao hơn và chi phí vận tải giảm.