Nguồn: VCSC
Tiềm năng giá trị quỹ đất cao từ chuyển đổi đất cao su
Giá trị quỹ đất cao mặc dù phê duyệt quy hoạch chậm hơn dự kiến. PHR quản lý khoảng 15.000 ha đất cao su tại tỉnh Bình Dương, trong đó công ty có kế hoạch chuyển đổi khoảng 5.600 ha đất cao su thành đất KCN (bao gồm khoảng 1.000 ha đất đã chuyển đổi cho KCN Nam Tân Uyên 2 Mở rộng và VSIP III). Quỹ đất của PHR có tính kết nối tốt với cơ sở hạ tầng đường bộ hiện tại và gần VSIP III. Chúng tôi tin rằng VSIP III có triển vọng tích cực trong trung và dài hạn khi nhà sản xuất đồ chơi LEGO của Đan Mạch đã trở thành khách thuê chính. Sự phát triển thành công của VSIP III sẽ thúc đẩy giá đất trong tương lai, từ đó giúp các dự án KCN trong tương lai của PHR hưởng lợi.
Thu nhập từ bồi thường cho việc chuyển đổi đất KCN VSIP III sẽ là động lực dẫn dắt lợi nhuận từ năm 2022. Trong năm 2022 và 2023, chúng tôi giả định PHR sẽ ghi nhận thu nhập từ bồi thường lần lượt là 691 tỷ đồng và 200 tỷ đồng. Ngoài ra, PHR sẽ nhận được 20% lợi nhuận từ doanh thu bán đất KCN VSIP III (tối thiểu 1,2 tỷ đồng/ha) là một phần bồi thường chuyển đổi đất cao su – chúng tôi dự báo đóng góp LNTT trung bình từ khoản bồi thường này khoảng 165 tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2022-2026. PHR cũng sẽ đầu tư 20% cổ phần vào VSIP III, mà chúng tôi ước tính sẽ đóng góp vào LNTT trung bình khoảng 95 tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2022-2026.
Mảng cao su và gỗ có triển vọng ngắn hạn kém tích cực. Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ cao su lớn nhất toàn cầu và các lệnh hạn chế vì dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến triển vọng trong ngắn hạn đối với mảng cao su tự nhiên của Việt Nam cũng như PHR. Ngoài ra, PHR cũng cho biết mảng chế biến gỗ sẽ có diễn biến kém tích cực trong năm 2022 do thiếu nguồn nguyên liệu từ thanh lý cây cao su quá tuổi thu hoạch. Do đó, chúng tôi điều chỉnh giảm 11,9%/11,7% dự báo doanh thu mảng cao su và gỗ lần lượt trong các năm 2022/2023.