Cập nhật ETF: Các quỹ ETF lớn tiếp tục bị rút vốn ròng trong tháng 1/2024

                                                                 Nguồn: HSC

 Các quỹ ETF lớn tiếp tục bị rút vốn ròng trong tháng 1/2024

 

 

 

  • Các quỹ ETF lớn của Việt Nam tiếp tục bị rút ròng trong tháng 1/2024 với giá trị khoảng 118,1 triệu USD (2.775 tỷ đồng). Trong đó, quỹ iShares MSCI Frontier and Select EM ETF (iShares ETF) bị rút ròng mạnh nhất.
  • Hai quỹ ETF nội tiếp tục bị rút vốn mạnh trong khi quỹ Fubon gần như không giao dịch trong tháng 1/2024.
  • NĐT nước ngoài mua ròng nhẹ 185 tỷ đồng trong tháng 1/2024 (so với bán ròng 9.962 tỷ đồng trong tháng 12/2023), tháng mua ròng đầu tiên trên thị trường Việt Nam của khối ngoại sau 9 tháng bán ròng liên tiếp.
 
Quỹ iShares ETF bị rút vốn mạnh
 
Quỹ iShares ETF tiếp tục bị rút vốn mạnh trong tháng 1/2024 hơn 66,3 triệu USD. Tuy nhiên, cổ phiếu Việt Nam trong giỏ chỉ số iShare ETF chỉ chiếm khoảng 30% tỷ trọng danh mục nên giá trị bán ròng thực tế của quỹ ETF này trên thị trường Việt Nam chỉ khoảng 20 triệu USD. Quỹ iShares ETF bị rút vốn ròng kể từ tháng 4/2023, ngoại trừ tháng 10-11/2023 khi quỹ này thu hút vốn nhẹ. Quỹ DCVFMVN Diamond ETF và SSIAM VNFIN Lead ETF cũng bị rút vốn mạnh trong tháng 1/2024 và đây cũng là hai quỹ ETF nội bị rút vốn mạnh nhất trong năm 2023.
 
Khối ngoại mua ròng nhẹ trong tháng 1/2024
 
Khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ 185 tỷ đồng trong tháng 1/2024 sau 9 tháng bán ròng liên tiếp. Trong khi đó, các quỹ ETF bán ra mạnh hơn 2 nghìn tỷ đồng.
 
Cập nhật dòng vốn quỹ ETF tại ASEAN
 
Theo Bloomberg, ngoại trừ Indonesia và Philippines, hầu hết các quốc gia trong khu vực ASEAN bị rút vốn. Trong đó, Việt Nam bị rút vốn mạnh nhất 78 triệu USD trong tháng 1/2024.

 

 
Cập nhật dòng vốn quỹ ETF
 
Các quỹ ETF lớn tiếp tục bị rút vốn và bán ròng trong tháng 1/2024 với quỹ iShares MSCI Frontier and Select EM ETF, DCVFMVN Diamond ETF và SSIAM VNFIN Lead ETF bị rút vốn mạnh nhất. Việt Nam cũng bị bán ròng mạnh nhất trong khu vực ASEAN trong tháng 1/2024.
 
Các quỹ ETF tiếp tục bị bán ròng nhưng giá trị giảm so với tháng trước
 
Trong tháng 1/2024, khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ với tổng giá trị mua ròng trên sàn HSX là 185 tỷ đồng, (so với bán ròng 9.962 tỷ đồng trong tháng 12/2023), tháng mua ròng đầu tiên sau 9 tháng bán ròng liên tiếp của khối ngoại trên thị trường Việt Nam. Khối ngoại mua ròng mạnh cổ phiếu dầu khí (401 tỷ đồng) và bán ròng mạnh cổ phiếu ngân hàng (777 tỷ đồng) trong tháng 1/2024. Theo Bloomberg, trong tháng 1/2024, các quỹ ETF tại Việt Nam bị rút vốn ròng mạnh nhất (78 triệu USD) trong số các quốc gia khác trong khu vực (bị rút vốn hoặc thu hút vốn nhẹ). Trong đó, Singapore, Thái Lan và Malaysia bán ròng lần lượt 32 triệu USD, 5 triệu USD và 4 triệu USD, trong khi Indonesia thu hút ròng 33 triệu USD và Philippines thu hút 3 triệu USD trong tháng 1/2024. Các quỹ ETF lớn bị rút ròng tổng cộng khoảng 118,1 triệu USD. Quỹ iShares ETF (tổng tài sản quản lý 437,2 triệu USD) bị rút ròng mạnh 66,3 triệu USD, giảm 37,2% so với tháng trước (so với bị rút 105,56 triệu USD trong tháng 12/2023). Tuy nhiên, cổ phiếu Việt Nam trong giỏ chỉ số iShare ETF chỉ chiếm khoảng 30% tỷ trọng danh mục nên giá trị bán ròng thực tế của các quỹ ETF lớn trên thị trường Việt Nam chỉ khoảng 71,7 triệu USD (1.720 tỷ đồng).
 
Dòng vốn bị rút khỏi các quỹ ETF nội chủ yếu đến từ quỹ DCVFMVN Diamond ETF (tổng tài sản quản lý 702 triệu USD) và SSIAM VNFIN Lead ETF (tổng tài sản quản lý
87 triệu USD) bị rút lần lượt 42,2 triệu USD (1.012 tỷ đồng) và 12,6 triệu USD (301 tỷ đồng). Ngoài ra, đây cũng là hai quỹ ETF nội bị rút vốn mạnh nhất trong năm 2023, lần lượt 142 triệu USD và 81,9 triệu USD. Cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục 2 quỹ ETF này (đặc biệt là quỹ Diamond ETF) như MWG, FPT và PNJ cũng bị ảnh hưởng một phần.
 
Quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF (tổng tài sản quản lý 833,2 triệu USD) gần như không giao dịch trong tháng 1/2024, chỉ mua vào 0,77 triệu USD vào ngày 8/1/2024 và không thực hiện thêm giao dịch nào cho đến hôm nay (so với thu hút vốn ròng 18,9 triệu USD trong tháng 12/2023).
 
Các quỹ ETF khác như VanEck Vectors Vietnam ETF và Premia MSCI Vietnam ETF bị rút ròng mạnh lần lượt 1,93 triệu USD và 0,63 triệu USD. Trong khi quỹ FTSE Vietnam ETF và DCVFM VN30 ETF thu hút vốn nhẹ lần lượt 3,81 triệu USD và 1 triệu USD trong tháng 1/2024.
 
Kể từ đầu năm, chỉ số VNIndex tăng 3,1%. Theo đó, chững chỉ quỹ KIM Growth VNFIN Select ETF và SSIAM VNFIN Lead ETF có diễn biến tích cực nhất với mức tăng lần lượt 6,6% và 5,7% so với đầu năm, tiếp theo là quỹ DCVFM VN30 ETF tăng 3,8% và quỹ DCVFMVN Diamond ETF tăng 2,9%. Các quỹ ETF khác sử dụng chỉ số VN30 làm cơ sở cũng ghi nhận diễn biến khả quan. Trên thực tế, chứng chỉ quỹ của quỹ Mirae Asset VN30 ETF, KIM Growth VN30 ETF và SSIAM VN30 ETF tăng lần lượt 2,8%, 2,8% và 2,7%.
 
Chứng chỉ quỹ của các quỹ ETF ngoại không tích cực bằng các quỹ ETF nội. Theo đó, chứng chỉ quỹ của các quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF, Premia MSCI Vietnam ETF, FTSR Vietnam ETF, VanEck Vectors Vietnam ETF và iShares MSCI Frontier and Select EM ETF ghi nhận diễn biến kém tích cực lần lượt là -0,5%, -0,6%, -0,9%, -1,7% và -2,1%.