Cập nhật ETF: Dòng tiền rút ròng đáng kể trong tháng 3/2024

                                                                                                    Nguồn: HSC

Dòng tiền rút ròng đáng kể trong tháng 3/2024

 

 

 

  • Các quỹ ETF bị rút vốn rất mạnh trong 3 trong bối cảnh tỷ giá USD tăng. Đây là tháng thứ ba liên tiếp các quỹ ETF bị rút vốn ròng.
  • Các quỹ ETF lớn tại Việt Nam bị rút ròng mạnh trong tháng 3 tổng cộng khoảng 193,5 triệu USD (~4.742 tỷ đồng), trong đó quỹ DCVFMVN Diamond ETF (Diamond ETF) và Fubon FTSE Vietnam ETF bị rút ròng mạnh nhất.
  • Khối ngoại bán ròng với giá trị 11.279 tỷ đồng trong tháng 3, cao gấp 3 lần so với tháng trước (bán ròng 1.121 trong tháng 2/2024). Top 5 cổ phiếu NĐT NN mua ròng là KBC, STB, PDR, KDH và EIB. Trong khi đó, top 5 cổ phiếu NĐT NN bán ra là VND, VNM, VHM, MSN và HPG.
Rút ròng mạnh từ 2 quỹ Diamond ETF và Fubon ETF
 
Quỹ DCVFMVN Diamond ETF tiếp tục bị rút vốn mạnh trong tháng 3/2024 hơn 114,2 triệu USD, tăng đáng kể so với tháng trước. Đây là tháng thứ tư liên tiếp quỹ Diamond ETF bị rút vốn ròng.
 
Quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF (Fubon ETF) đã quay trở lại bị rút vốn ròng 37,9 triệu USD trong tháng 3 sau 4 tháng thu hút được vốn. Quỹ ETF này thường bán ròng khi thị trường đi lên và ngược lại.
 
Khối ngoại bán ròng rất mạnh trong tháng 3/2024
 
Ngoài việc dòng vốn bị rút ròng rất mạnh từ các quỹ ETF, giá trị bán ròng của NĐT NN trong tháng 3 cũng tăng mạnh, một phần do 3 quỹ ETF ngoại tái cơ cấu danh mục trong giai đoạn này. Trong danh mục của mình, các quỹ ETF này đã bán ra nhiều cổ phiếu hơn so với lượng mua vào. Khối ngoại bán ròng mạnh 11.279 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với tháng trước. Trong khi đó, các quỹ ETF cũng bán ròng mạnh hơn 4.742 tỷ đồng, chiếm 42% tổng giá trị bán ròng của khối ngoại trong tháng 3.
 
Cập nhật dòng vốn quỹ ETF tại ASEAN
 
Theo Bloomberg, các quỹ ETF ở hầu hết quốc gia ASEAN thu hút vốn nhẹ hoặc không thu hút vốn. Tuy nhiên, Việt Nam bị rút vốn mạnh nhất 197 triệu USD trong tháng thứ 3 của năm 2024.
 
Các quỹ ETF bị rút ròng và khối ngoại bán ròng mạnh so với tháng trước
 
Trong tháng 3/2024, khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh với tổng giá trị bán ròng trên sàn HSX là 11.279 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với tháng trước (bán ròng 2.769 tỷ đồng trong tháng 2/2024), Bán ròng mạnh vào tháng 3 chủ yếu do các quỹ ETF bị rút ròng cùng với việc tái cơ cấu danh mục trong tháng này. Trong tháng 3, các quỹ này đã tái cơ cấu danh mục và bán ra nhiều cổ phiếu hơn so với lượng mua vào (Bảng 12).
 
Đây là tháng thứ 2 liên tiếp trong năm 2024 các quỹ này bán ròng trên thị trường Việt Nam sau khi mua ròng nhẹ vào tháng 1/2024. Khối ngoại bán ròng mạnh, với 2 ngành bị bán ròng mạnh nhất gồm Hàng tiêu dùng và Tài chính (không bao gồm ngành Ngân hàng) lần lượt 4.597 tỷ đồng và 4.045 tỷ đồng, trong khi mua ròng nhẹ ngành Dịch vụ tiêu dùng 116 tỷ đồng trong tháng 3/2024.
 
Theo Bloomberg, trong tháng 3/2024, các quỹ ETF tại Việt Nam bị rút vốn ròng mạnh nhất (197 triệu USD, khoảng 4.827 tỷ đồng) trong số các quốc gia khác trong khu vực (thu hút vốn nhẹ). Trong đó, Singapore, Philippines, Thái Lan và Malaysia thu hút vốn lần lượt 34 triệu USD, 11 triệu USD, 5 triệu USD và 4 triệu USD, trong khi Indonesia bán ròng nhẹ 4 triệu USD trong tháng 3/2024.
 
Các quỹ ETF lớn bị rút ròng tổng cộng khoảng 193,5 triệu USD. Quỹ Diamond ETF (tổng tài sản quản lý 317,4 triệu USD) bị rút ròng mạnh 114,2 triệu USD, cao hơn 3,2 lần so với tháng trước (bị rút 45,8 triệu USD trong tháng 2/2024). Quỹ Fubon ETF cũng bị rút ròng mạnh 37,9 triệu USD trong tháng 3. Dữ liệu lịch sử cho thấy quỹ ETF này thường bán ròng khi thị trường đi lên và ngược lại. Điều này phù hợp với việc VN Index tăng 2,1% trong tháng 3/2024.
 
Không có quỹ ETF nào thu hút vốn trong tháng 3 vừa qua. Hầu hết bị rút vốn hoặc không thu hút được vốn. Theo đó, các quỹ FTSE Vietnam ETF, DCVFM VN30 ETF, SSIAM VNFIN Lead ETF và Premia MSCI Vietnam ETF bị rút ròng lần lượt 15,7 triệu USD, 16,1 triệu USD, 8,5 triệu USD, 1,2 triệu USD, trong khi các quỹ iShares MSCI Frontier and Select EM ETF và VanEck Vectors Vietnam ETF không thu hút được vốn.
 
Do đó, trong Q1/2024, các quỹ ETF lớn bị rút ròng tổng cộng khoảng 513,3 triệu USD (khoảng 12.575 tỷ đồng), trong đó quỹ DCVFMVN Diamond ETF bị rút ròng rất mạnh 307 triệu USD (khoảng 7.542 tỷ đồng), sau đó là quỹ iShares MSCI Frontier and Select EM ETF bị rút ròng 187 triệu USD (khoảng 4.589 tỷ đồng) (giá trị rút ròng thực tế khoảng 56 triệu USD, khoảng 1.376 tỷ đồng, vì tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục quỹ iShares ETF chỉ chiếm khoảng 30%), và quỹ SSIAM VNFIN Lead ETF bị rút ròng 102 triệu USD (khoảng 2.509 tỷ đồng).
 
Kể từ đầu năm, chỉ số VN Index đã tăng 13,6%. Theo đó, chứng chỉ quỹ DCVFMVN Diamond ETF, KIM Growth VNFIN Select ETF và DCVFM VN30 ETF có diễn biến tích cực nhất với mức tăng lần lượt 18,7%, 17,2% và 16,2% so với đầu năm, tiếp theo là quỹ SSIAM VNFIN Lead ETF tăng 15,9%. Các quỹ ETF khác sử dụng chỉ số VN30 làm cơ sở cũng ghi nhận diễn biến khả quan. Trên thực tế, chứng chỉ quỹ của quỹ KIM Growth VN30 ETF, Mirae Asset VN30 ETF, và SSIAM VN30 ETF tăng lần lượt 15,2%, 15,2% và 13,9%. Chứng chỉ quỹ VinaCapital VN100 ETF cũng có diễn biến tích cực với mức tăng 13,8%.
 
Chứng chỉ quỹ của các quỹ ETF ngoại diễn biến không tích cực bằng các quỹ ETF nội. Theo đó, chứng chỉ quỹ của các quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF, iShares MSCI Frontier and Select EM ETF, VanEck Vectors Vietnam ETF, Premia MSCI Vietnam ETF và FTSE Vietnam ETF, ghi nhận diễn biến kém tích cực lần lượt là 9%, 8,9%, 7,6%, 6,6% và 6,5%.