- Giá trị phát hành mới là 10,7 nghìn tỷ đồng (giảm 60% so với cùng kỳ) trong tháng 3, dẫn đến mức giảm 29% so với cùng kỳ trong Q1/2024, do một số điều khoản trong Nghị định 65 đã được kích hoạt lại vào năm 2024, như các quy định đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (là cá nhân).
- Lãi suất phát hành bình quân gia quyền của TPDN trong tháng 3/2024 là 11,5%/năm (tăng 222 điểm cơ bản so với tháng trước & tăng 59 điểm cơ bản so với cùng kỳ), chủ yếu do lãi suất các ngành khác tăng lên (tăng 312 điểm cơ bản so với cùng kỳ) trong khi lãi suất ngành BĐS giảm 65 điểm cơ bản so với cùng kỳ.
- Trong Q1/2024, giá trị TPDN lưu hành giảm nhẹ xuống 1.227 nghìn tỷ đồng (giảm 6,2% so với cùng kỳ) do hoạt động phát hành mới bị đình trệ và sức ép lớn từ trái phiếu đáo hạn (tổng giá trị trái phiếu đáo hạn trong Q1/2024 ước tính là 42 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ).
Giá trị phát hành vẫn vừa phải trong tháng 3
Giá trị phát hành giảm 60% so với cùng kỳ xuống 10,7 nghìn tỷ đồng trong tháng 3/2024, dẫn đến mức giảm 29% so với cùng kỳ trong Q1/2024. Trong đó, ngành BĐS chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tháng 3/2024 (chiếm 72% tổng giá trị phát hành) với lãi suất phát hành giảm 65 điểm cơ bản so với cùng kỳ. Lãi suất phát hành TPDN bình quân gia quyền trong tháng 3/2024 là 11,5% (tăng 222 điểm cơ bản so với tháng trước và tăng 59% điểm cơ bản so với cùng kỳ) do lãi suất phát hành của các ngành khác tăng lên (tăng 312 điểm cơ bản so với cùng kỳ). Vingroup phát hành 2 nghìn tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 2,5 năm và lãi suất 15%/năm, tương đương 67% tổng giá trị phát hành của “các ngành khác” trong tháng 3/2024.
Ngành BĐS chiếm phần lớn lượng trái phiếu được mua lại
Trong tháng 3/2024, giá trị trái phiếu mua lại là 8 nghìn tỷ đồng (tăng 115% so với tháng trước nhưng giảm 63% so với cùng kỳ). Trong đó, ngành BĐS dẫn đầu chiếm 57% tổng giá trị (Golden Hill Invest: 2,18 nghìn tỷ đồng; Hưng Thịnh Investment: 2 nghìn tỷ đồng), tiếp theo là lĩnh vực điện mặt trời (nằm trong nhóm các ngành khác) chiếm 40% (EA SUP 5: 1,8 nghìn tỷ đồng, EA SUP 3: 1,2 nghìn tỷ đồng, thuộc Xuân Thiện Group). Giá trị trái phiếu mua lại trong Q1/2024 là 19,6 nghìn tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ và bằng 96% giá trị phát hành mới trong Q1/2024.
Lượng trái phiếu đáo hạn sẽ đạt đỉnh vào Q4/2024
Trong phần còn lại của năm, sức ép từ trái phiếu đáo hạn vẫn rất lớn, đặc biệt là đối với ngành BĐS. Giá trị TPDN đáo hạn trong 9 tháng tới ước tính là 217 nghìn tỷ đồng, trong đó ngành BĐS chiếm 39% (86 nghìn tỷ đồng). Sức ép đáo hạn sẽ đạt đỉnh vào Q4/2024, với tổng giá trị đáo hạn là 86 nghìn tỷ đồng.
Trái phiếu có vấn đề chiếm 18% tổng giá trị lưu hành
Mặc dù đã giảm xuống 5,7 nghìn tỷ đồng (giảm 70% so với tháng trước và giảm 74% so với cùng kỳ) trong tháng 3/2024, giá trị trái phiếu có vấn đề trong Q1/2024 (dựa trên định nghĩa bao gồm trái phiếu thanh toán chậm và sửa đổi các điều khoản) tăng 11,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, về mặt tích cực, giá trị trái phiếu thanh toán chậm trong Q1/2024 đã giảm đáng kể 49% so với cùng kỳ xuống 12,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 36% tổng giá trị trái phiếu có vấn đề. Tính đến cuối tháng 3, tổng giá trị trái phiếu có vấn đề đang lưu hành (220 nghìn tỷ đồng, trong đó giá trị trái phiếu thanh toán chậm là 84 nghìn tỷ đồng) chiếm khoảng 18% tổng giá trị trái phiếu đang lưu hành.