Cập nhật Kinh tế vĩ mô: CPI tăng tốc do giá dầu

                                                                                                        Nguồn: HSC

CPI tăng tốc do giá dầu

 

 

 

  • Trong tháng 3, CPI tổng thể vẫn ở mức cao là 3,97%, nhưng lạm phát cơ bản đã hạ nhiệt xuống 2,76%.
  • Trong Q1/2024, CPI tổng thể tăng 3,77%, cao hơn dự báo cả năm của chúng tôi ở mức 3,5%, chủ yếu do đóng góp của nhóm giao thông cao hơn dự báo.
  • Mặc dù vẫn thấp hơn mục tiêu của NHNN, CPI của Việt Nam đã cao hơn so với Mỹ, bình quân khu vực EU & ASEAN, từ đó làm giảm khả năng tiếp tục hạ lãi suất.
  • HSC nâng dự báo CPI cho năm 2024 lên 3,8% từ 3,5% trước đó, chủ yếu do nâng dự báo đóng góp của nhóm giao thông. Cho năm 2025, chúng tôi giữ nguyên dự báo CPI sẽ hạ nhiệt xuống 3,4%.
 
CPI tăng cao hơn dự báo trong Q1/2024
 
Trong tháng 3/2024, CPI tổng thể tăng 3,97% so với cùng kỳ, gần như đi ngang so với tháng trước (tăng 3,98% so với cùng kỳ) (Biểu đồ 2). CPI vẫn ở mức cao do 3 nguyên nhân chính. Đầu tiên, đóng góp của nhóm thực phẩm tăng lên chủ yếu do giá thịt lợn tăng (tăng 4,3% so với cùng kỳ). Đóng góp của nhóm giao thông cũng tăng lên do giá nhiên liệu tăng (tăng 2,8% so với cùng kỳ). Ngoài ra, nhóm lương thực, giáo dục & y tế vẫn đóng góp cao do mức nền thấp cùng kỳ năm ngoái (Biểu đồ 3). Trong khi đó, lạm phát cơ bản hạ nhiệt xuống 2,76% so với cùng kỳ từ 2,96% so với cùng kỳ trong tháng 2, từ đó cho thấy nhu cầu tiêu dùng kém tích cực. Trong Q1/2024, lạm phát tổng thể tăng 3,77%, cao hơn so với dự báo cả năm của chúng tôi ở mức 3,5%, chủ yếu do đóng góp cao hơn dự báo của nhóm giao thông (đóng góp dương 0,22 điểm phần trăm vào CPI tổng thể so với đóng góp âm 0,02 điểm phần trăm theo dự báo của chúng tôi).
Lạm phát gia tăng làm giảm khả năng cắt giảm thêm lãi suất
 
Mặc dù chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn đáng kể trong năm 2022 & 2023, CPI của Việt Nam vẫn tương đối ổn định so với các đối tác. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ NHNN ổn định thị trường ngoại hối.
 
Mặc dù lạm phát vẫn thấp hơn mục tiêu của NHNN cho năm 2024 (4-4,5%), CPI của Việt Nam hiện đã cao hơn so với cả các thị trường phát triển như EU & Mỹ cũng như các quốc gia trong khu vực ASEAN (Biểu đồ 5).
 
Trong bối cảnh chênh lệch lãi suất VND và USD tiếp tục âm do chính sách tiền tệ phân kỳ (Biểu đồ 6), HSC cho rằng việc lạm phát gia tăng sẽ làm giảm khả năng NHNN tiếp tục cắt giảm lãi suất.
 
 
HSC nâng dự báo CPI cho năm 2024 lên 3,8%
 
HSC dự báo CPI tổng thể tăng nhanh lên lần lượt 4,43%, 4,59% & 4,66% so với cùng kỳ trong tháng 4, 5 & 6 do những nguyên nhân như sau (1) giá nhiên liệu & điện tăng lên, từ đó làm tăng đóng góp của nhóm giao thông và nhóm nhà ở & xây dựng và (2) mức nền thấp năm ngoái.
 
HSC nâng dự báo CPI cho năm 2024 lên 3,8% từ 3,5% trước đó do chúng tôi nâng dự báo đóng góp từ nhóm giao thông (đóng góp dương 0,31 điểm phần trăm vào CPI tổng thể so với đóng góp âm 0,02 điểm phần trăm trong dự báo trước đó) trên cơ sở triển vọng giá dầu thô tăng lên. Trong tháng 3/2024, EIA đã nâng dự báo giá dầu Brent cho năm 2024 lên 87 USD/thùng (tăng 5,6% so với cùng kỳ) từ dự báo trước đó là 82 USD/thùng vào tháng 1/2024. HSC duy trì dự báo CPI sẽ hạ nhiệt xuống 3,4% trong năm 2025 do tác động từ mức nền thấp dần mất đi.
 
Rủi ro chính khiến lạm phát cao hơn dự báo đến từ việc tình trạng bất ổn địa chính trị leo thang
 
Rủi ro chính có thể khiến lạm phát cao hơn so với dự báo đến từ việc tình trạng bất ổn địa chính trị ngày càng leo thang ở khu vực Trung Đông & Biển Đỏ. Mặc dù đã lắng xuống trong những tuần gần đây, chỉ số rủi ro địa chính trị vẫn tăng cao và chỉ số áp lực chuỗi cung ứng toàn cầu đã tăng lên trên mức trung bình dài hạn trong tháng 2/2024, lần đầu tiên kể từ tháng 1/2023
 
Những cuộc xung đột này có nguy cơ đẩy mạnh không chỉ giá dầu mà còn cả chi phí đầu vào sản xuất, từ đó làm sức ép lạm phát rộng hơn trên toàn cầu, tương tự như năm 2022