Cập nhật Kinh tế vĩ mô: CPI tháng 12 dự báo sẽ cao hơn do giá điện điều chỉnh

                                Nguồn: HSC

CPI tháng 12 dự báo sẽ cao hơn do giá điện điều chỉnh

 

 

  • Trong tháng 11, CPI tổng thể giảm xuống 3,45% so với cùng kỳ (từ 3,59% tháng 10), chủ yếu do giá nhiên liệu & giá điện giảm lần lượt 1,4% & 1,45% so với tháng trước.
  • HSC dự báo giá bán lẻ điện thực tế sẽ tăng 14% so với cùng kỳ trong tháng 12 sau các đợt điều chỉnh tăng khung giá điện gần đây, đóng góp thêm 0,45 điểm phần trăm vào CPI tổng thể.
  • Chúng tôi dự báo CPI tổng thể sẽ tăng lên 3,66% so với cùng kỳ trong tháng 12 và duy trì dự báo CPI tổng thể trung bình năm 2023 tăng 3.3%.
  • Theo HSC, dịch tả lợn châu Phi (ASF) bùng phát trở lại ít có khả năng khiến lạm phát nhóm thực phẩm tăng mạnh. Tính từ đầu năm, số ổ dịch ASF vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh trong năm 2019 và tỷ trọng chăn nuôi nông hộ (hạn chế về an toàn sinh học) đã giảm mạnh.
 
CPI tổng thể tiếp tục hạ nhiệt do giá năng lượng giảm
 
Trong tháng 11, CPI tổng thể hạ nhiệt xuống 3,45% so với cùng kỳ (so với 3,59% trong tháng 10), cao hơn 17 điểm cơ bản so với dự báo của chúng tôi, chủ yếu do tác động từ việc giá nhiên liệu và giá điện giảm lần lượt 1,4% và 1,45% so với tháng trước. Nhìn chung, trong 11 tháng đầu năm 2023, CPI tổng thể tăng 3,2% so với cùng kỳ, sát với dự báo CPI cả năm 2023 tăng 3,3% của chúng tôi.
 
Giá điện tăng lên đẩy mạnh lạm phát tháng 12
 
Khung giá bán lẻ điện được điều chỉnh tăng 2 lần trong năm 2023, lần lượt tăng 3% và 4,5% vào tháng 5 và tháng 11. Theo đó, giá bán lẻ điện thực tế có thể tăng 14% so với cùng kỳ và tăng thêm 0,45 điểm phần trăm vào CPI tổng thể trong tháng 12.
 
Chúng tôi duy trì dự báo CPI tổng thể năm 2023 là 3.3%
 
Trong tháng 12, HSC dự báo CPI tổng thể sẽ tăng lên 3,66% so với cùng kỳ chủ yếu do giá điện tăng, từ đó chúng tôi duy trì dự báo CPI tổng thể bình quân 2023 là 3.3%.
 
Số ca mắc bệnh tả lợn châu Phi tăng ít có khả năng đẩy mạnh lạm phát nhóm thực phẩm
 
Theo HSC, dịch tả lợn châu Phi (ASF) bùng phát trở lại gần đây ít có khả năng khiến lạm phát nhóm thực phẩm tăng mạnh. Tính từ đầu năm, số ổ dịch ASF vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh trong năm 2022 và 2019, trong khi tỷ trọng chăn nuôi nông hộ (hạn chế về an toàn sinh học) cũng đã giảm mạnh so với năm 2019. Ngoài ra, sản lượng thịt lợn đã phục hồi 97% so với năm 2018, trong khi nhu cầu bị hạn chế do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn và thói quen tiêu dùng thay đổi.

Xu hướng lạm phát nhìn chung sát với dự báo
 
Trong tháng 11, lạm phát tổng thể & lạm phát cơ bản tiếp tục hạ nhiệt, chủ yếu do giá nhiên liệu giảm. Sau điều chỉnh tăng giá gần đây, giá điện được dự báo sẽ thúc đẩy CPI tổng thể trong tháng 12. Trong khi đó, HSC dự báo dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại ít có khả năng thúc đẩy lạm phát nhóm thực phẩm. Chúng tôi dự báo CPI tổng thể sẽ tăng lên 3,66% so với cùng kỳ trong tháng 12, theo đó chúng tôi duy trì dự báo CPI tổng thể bình quân năm 2023 là 3.3%.
 
Tổng quan diễn biến lạm phát tháng 11/2023
 
CPI tổng thể tiếp tục hạ nhiệt do giá năng lượng giảm
 
Trong tháng 11, CPI tổng thể giảm xuống mức 3,45% so với cùng kỳ (so với 3,59% trong tháng 10), cao hơn 17 điểm cơ bản so với dự báo của chúng tôi (Biểu đồ 2), chủ yếu do giá nhiên liệu và giá điện giảm lần lượt 1,4% và 1,45% so với tháng trước, giảm tỷ trọng đóng góp của nhóm vận tải và nhóm hàng nhà ở & xây dựng vào CPI tổng thể so với cùng kỳ (Biểu đồ 3 & 4).
 
Về mặt tích cực, lạm phát cơ bản tháng 11 tiếp tục giảm tốc xuống 3,15% so với cùng kỳ (so với tăng 3,43% so với cùng kỳ trong tháng 10), mức thấp nhất kể từ tháng 8/2022.
 
Trong 11 tháng đầu năm 2023, lạm phát tổng thể tăng 3,2% so với cùng kỳ, sát với dự báo CPI tăng 3,3% so với cùng kỳ trong năm 2023 của HSC (Mời xem: Tín hiệu tích cực sau khi chạm đáy, nhưng vẫn còn khó khăn, phát hành ngày 9/6/2023, HSC).
 
 
Việc điều chỉnh tăng 4,5% giá bán lẻ điện có thể đóng góp thêm 0,45 điểm phần trăm vào lạm phát tháng 12
 
Trong tháng 11, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã điều chỉnh tăng khung giá bán lẻ điện 4,5%, lần thứ 2 trong năm 2023 sau khi tăng 3% hồi tháng 5. Theo đó, giá bán lẻ điện (chiếm 3,3% giỏ CPI) có thể tăng khoảng 14% so với cùng kỳ trong tháng 12/2023 (Biểu đồ 5), dự báo sẽ đóng góp thêm 0,45 điểm phần trăm vào lạm phát tổng thể tháng 12.
 
Bộ Công Thương quy định giá bán lẻ điện của Việt Nam theo khung 6 bậc, theo nguyên tắc dùng càng nhiều điện giá điện càng cao (Mời xem: Biểu giá bán lẻ điện, tháng 11/2023, EVN). Do đó, dù khung giá trong giai đoạn tháng 1 - tháng 5/2023 không đổi, giá bán lẻ điện thực tế (tác động đến CPI) vẫn tăng so với cùng kỳ do lượng điện tiêu thụ tăng (Biểu đồ 5).
 
Theo HSC, việc điều chỉnh tăng khung giá bán lẻ điện gần đây là cần thiết sau 3 năm bị trì hoãn để hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn COVID-19. Ngay cả sau lần tăng gần nhất, giá bán lẻ điện bình quân vẫn thấp hơn giá thành sản xuất điện (Biểu đồ 6). Điều này báo hiệu áp lực tăng giá bán lẻ điện vẫn sẽ còn tiếp diễn. Cần lưu ý, hiệu ứng vòng hai của việc tăng giá điện lên lạm phát là không đáng kể do điện chỉ chiếm khoảng 2% tổng chi phí trung gian của toàn nền kinh tế (Biểu đồ 7). Ngoài ra, tác động của giá điện tăng đối với các ngành khác sẽ diễn ra từ từ và không tác động tức thì đến CPI tổng thể.
 
Chúng tôi dự báo CPI tổng thể sẽ tăng 3,66% so với cùng kỳ trong tháng 12
 
Trong tháng 12, chúng tôi dự báo CPI tổng thể sẽ tăng 3,66% so với cùng kỳ (tăng 0,19% so với tháng trước) (Bảng 8 và 9), với giả định đóng góp cao hơn từ: (1) nhóm hàng nhà ở & xây dựng do giá bán lẻ điện tăng; (2) nhóm vận tải do hiệu ứng mức nền thấp. Theo đó, chúng tôi duy trì dự báo CPI tổng thể trung bình năm 2023 là 3.3% (Bảng 10).
 
Trước áp lực tăng từ việc tăng giá điện, chúng tôi sẽ sớm cập nhật triển vọng CPI cho năm 2024-2025 trong báo cáo Triển vọng lạm phát sắp phát hành.
 
Số lợn mắc bệnh tả lợn châu Phi tăng ít có khả năng thúc đẩy lạm phát nhóm thực phẩm
 
Số lợn mắc bệnh tả lợn châu Phi tăng trong những tháng gần đây đã làm dấy lên lo ngại mới về khả năng thiếu nguồn cung và giá thịt lợn tăng vọt vào dịp cuối năm vàTết Nguyên đán. 
 
Tuy nhiên, theo HSC, các rủi ro này tương đối thấp do: (1) số ổ bệnh tả lợn châu Phi tính từ đầu năm vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh trong năm 2022 và 2019 (Bảng 11); (2) tỷ trọng chăn nuôi nông hộ (hạn chế về an toàn sinh học) cũng đã giảm mạnh so với năm 2019 (Bảng 12). Ngoài ra, Chính phủ đã có kinh nghiệm ứng phó với dịch tả lợn châu Phi và hiện đã tự sản xuất được vắc xin (Mời xem: Vietnam approves commercial use of first African swine fever vaccines, tháng 7/2023, Reuters). Do đó, chúng tôi dự báo nguy cơ dịch tả lợn châu Phi lan rộng và nhanh như năm 2019 là thấp.
 
Ngoài ra, cung-cầu thịt lợn hiện đã ổn định và cân bằng. Trong năm 2022, nhờ năng suất tăng, sản lượng thịt lợn trong nước đã phục hồi 97% so với năm 2018 (Bảng 13). Trong khi đó, nhu cầu thịt lợn có thể bị hạn chế trong bối cảnh triển vọng nền kinh tế còn nhiều khó khăn và thói quen tiêu dùng thay đổi – phản ảnh trong tỷ trọng thịt lợn trong tổng lượng thịt tiêu thụ đang ngày càng giảm (Bảng 14).
 
Do đó, chúng tôi dự báo giá thịt lợn trong nước sẽ ổn định trong các tháng tới