Cập nhật Kinh tế vĩ mô: GDP vượt dự báo trong Q4/2022, nhưng động lực tăng trưởng chững lại

Nguồn: HSC

GDP vượt dự báo trong Q4/2022, nhưng động lực tăng trưởng chững lại

 

 

Tóm tắt

  • GDP năm 2022 tăng trưởng 8%, mức cao nhất kể từ năm 1997, nhưng động lực thúc đẩy tăng trưởng đang chậm lại. GDP đã tăng 5,9% so với cùng kỳ trong Q4/2022 so với tăng 13,7% so với cùng kỳ trong Q3/2022 - với doanh số bán lẻ hàng hoá & dịch vụ (đóng góp 60% vào tổng GDP) vẫn là động lực chính, tăng hơn 17% so với cùng kỳ trong quý.
  • Cả kim ngạch xuất khẩu (KNXK) và kim ngạch nhập khẩu (KNNK) đều giảm trong tháng thứ 2 liên tiếp do nhu cầu tiêu dùng toàn cầu yếu được ghi nhận với hầu hết các mặt hàng chính, đặc biệt là điện thoại và hàng dệt may.
  • CPI tổng thể đã vượt mức 4% trong tháng thứ 3 liên tiếp (tăng lên 4,6% so với cùng kỳ) trong khi CPI cơ bản tăng cao cảnh báo lạm phát vẫn chưa đạt đỉnh.
  • Trong bối cảnh thương mại quốc tế chậm lại, Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư công – hoàn thành 85% kế hoạch năm 2022 theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê.

Các yếu tố bên ngoài cản trở tăng trưởng trong Q4/2022

Trong Q4/2022, KNXK và KNNK hàng hoá & dịch vụ giảm lần lượt 6,14% và 4,83% so với cùng kỳ. Theo đó GDP trong quý chỉ tăng 5,9% so với cùng kỳ so với tăng 13,7% so với cùng kỳ trong Q3/2022, nhưng vẫn cao hơn một chút so với dự báo GDP tăng 5,4% của HSC nhờ doanh số bán lẻ hàng hoá & dịch vụ vượt dự báo. Trên thực tế, doanh số bán lẻ hàng hoá & dịch vụ đã tăng 17% so với cùng kỳ trong Q4/2022, nâng mức tăng trưởng cả năm lên 19,8%, cao hơn 1 điểm phần trăm so với dự báo của HSC. Ngoài ra, số lượng khách du lịch quốc tế trong tháng 12 tiếp tục tăng 18,5% so với tháng trước. Tổng lượng khách du lịch quốc tế trong cả năm 2022 đạt 3,66 triệu người, cao hơn một chút so với dự báo của HSC (3,5 triệu người). Số lượng khách du lịch quốc tế đang tăng và được dự báo sẽ tăng gấp đôi trong năm 2023 đạt 7 triệu người. Điều này sẽ hỗ trợ doanh số bán lẻ tổng thể cho đến năm 2023, bù đắp một phần khi nhu cầu trong nước bình thường trở lại.

Nhận thấy tác động nghiêm trọng của nhu cầu toàn cầu suy yếu đối với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư công – hoàn thành 85% kế hoạch năm 2022 theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê. Tuy nhiên, cần lưu ý đến một vấn đề đã tồn tại rất lâu: sự chênh lệch đáng kể giữa số liệu đầu tư công theo báo cáo Tổng cục Thống kê và số tiền giải ngân do Kho bạc Nhà nước của Bộ Tài chính công bố. Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2022, ngân sách nhà nước thặng dư 222,5 nghìn tỷ đồng so với mục tiêu thâm hụt 372,9 nghìn tỷ đồng theo kế hoạch năm 2022. Khoản thặng dư này có thể tạo điều kiện để Chính phủ giải ngân 726.000 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công theo kế hoạch năm 2023 (“Quyết định 2506” của Bộ Tài chính) để hỗ trợ mục tiêu do Quốc Hội đề ra - GDP năm 2023 tăng trưởng 6,5%.

Về mặt giá cả, lạm phát cơ bản (ngoại trừ lương thực thực phẩm, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý, nhưng bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục) tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao hơn so với lạm phát tổng thể, đồng thời cao hơn mục tiêu 4% của Chính phủ trong tháng thứ 3 liên tiếp. Đà tăng cho thấy lạm phát có thể vẫn chưa đạt đỉnh.

Theo chỉ số PMI mới nhất, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới và số lượng việc làm tiếp tục giảm là một nguy cơ đối với các hoạt động thương mại, thị trường lao động và cả nhu cầu của người tiêu dùng – điều này sẽ tiếp tục được HSC theo dõi chặt chẽ.

GDP vượt mục tiêu của Chính phủ, tăng hơn 13% so với cùng kỳ trong Q3/2022

GDP Việt Nam tăng 5,92% so với cùng kỳ trong Q4/2022, chậm lại so với mức tăng 13,7% so với cùng kỳ trong Q3/2022 và cao hơn so với dự báo của chúng tôi là 5,4% so với cùng kỳ. GDP trong cả năm 2022 đã tăng trưởng 8,02% so với 2,56% trong năm 2021, vượt mục tiêu ban đầu của Chính phủ là tăng trưởng 6,0-6,5%.

Cơ cấu GDP theo khu vực:

  • Khu vực nông lâm & ngư nghiệp tăng 3,85% so với cùng kỳ từ tăng 3,69% so với cùng kỳ trong Q3/2022.
  • Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,22% so với cùng kỳ, thấp hơn so với tăng 12,19% so với cùng kỳ trong Q3/2022.
  • Khu vực dịch vụ tăng 8.12% so với cùng kỳ, thấp hơn so với tăng 19,34% so với cùng kỳ trong Q3/2022.

Cụ thể, những ngành có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với lạm phát tổng thể bao gồm ngành lâm nghiệp (tăng 6,98% so với cùng kỳ), khai khoáng (tăng 7,93% so với cùng kỳ), cung cấp nước (tăng 8,16% so với cùng kỳ), xây dựng (tăng 6,69% so với cùng kỳ), bán buôn & bán lẻ hàng hoá (tăng 6,83% so với cùng kỳ), giao thông & kho bãi (tăng 6,92% so với cùng kỳ), dịch vụ lưu trú & ăn uống (tăng 37,62% so với cùng kỳ), thông tin & truyền thông (tăng 7,65% so với cùng kỳ), tài chính & ngân hàng (tăng 8,45% so với cùng kỳ), giáo dục (tăng 6,16% so với cùng kỳ), nghệ thuật & giải trí (tăng 20,86% so với cùng kỳ) (Bảng 3). Ngược lại, tăng trưởng chậm lại được ghi nhận đối với ngành y tế (giảm 18,55% so với cùng kỳ) trong quý thứ 2 liên tiếp do nhu cầu giảm sau đại dịch COVID-19. Ngoài ra, công nghiệp chế biến & chế tạo và phát triển BĐS tăng chậm lại lần lượt 2,98% và 4,41% so với cùng kỳ cũng khiến tăng trưởng chung chững lại.

Về sử dụng GDP, tiêu dùng trong Q4/2022 tăng 7,12% so với cùng kỳ so với tăng 10,1% so với cùng kỳ trong quý trước. Trong khi đó, tích luỹ tài sản cố định gộp tăng 5,61%, thấp hơn so với tăng 8,7% so với cùng kỳ trong Q3/2022. Ngoài ra, KNXK và KNNK hàng hoá & dịch vụ giảm mạnh lần lượt 6,14% và 4,83% so với cùng kỳ trong Q4/0222 cũng cản trở GDP tăng trưởng. Dưới tác động yếu đi từ các yếu tố bên ngoài, chúng tôi sẽ cập nhật dự báo về GDP trong năm 2023 và 2024 trong báo cáo chiến lược sắp tới. Theo dự báo mới nhất của HSC, GDP trong năm 2023 và 2024 sẽ tăng trưởng lần lượt 6,7% và 6,5%. 

 

 

Doanh số bán lẻ hàng hoá & dịch vụ duy trì ổn định dù tỷ lệ thất nghiệp tăng

Trong tháng 12, doanh số bán lẻ hàng hóa & dịch vụ tăng 17,1% so với cùng kỳ (tăng 3,7% so với tháng trước), đánh dấu tháng thứ 10 liên tiếp tăng trưởng ổn định dù lợi thế từ mức nền thấp đang giảm dần (Bảng 4). Trong năm 2022, doanh số bán lẻ hàng hóa & dịch vụ đã hồi phục 19,8% so với cùng kỳ đạt 5.679,9 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 60% GDP năm 2022) sau khi giảm gần 4% trong năm 2021. Doanh số bán lẻ hàng hóa & dịch vụ vẫn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng trong khi hoạt động thương mại đang chững lại.

Nhu cầu tiêu dùng tiếp tục cải thiện nhờ thị trường lao động mạnh mẽ. Trong Q4/2022, 239 nghìn người đã được bổ sung vào lực lượng lao động, nâng tổng số lao động lên 51 triệu người. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên 2,32% từ 2,28% trong Q3/2022.

Tuy nhiên, động lực thúc đẩy tăng trưởng được dự báo sẽ quay trở lại mức bình thường trong các tháng tới do lợi thế từ mức nền thấp giảm dần và lãi suất gia tăng làm suy yếu nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ của người tiêu dùng.

CPI vượt mục tiêu 4% của NHNN trong tháng thứ 3 liên tiếp

CPI tổng thể tháng 12 đã vượt mục tiêu 4% của NHNN trong tháng thứ 3 liên tiếp, tăng lên 4,55% so với cùng kỳ, cao hơn so với mức 4,37% so với cùng kỳ trong tháng trước.

Theo HSC, áp lực lên lạm phát tổng thể sẽ tiếp diễn trong các tháng tới, do lạm phát cơ bản (với xu hướng tăng kéo dài) tiếp tục tăng lên 4,99% so với cùng kỳ trong tháng 12, mức cao nhất kể từ tháng 4/2015 (theo dữ liệu cập nhật của chúng tôi).

Chi phí dịch vụ ăn uống (chiếm khoảng 8,6% giỏ CPI tổng thể) tăng 6,7% so với cùng kỳ (tăng 0,265% so với tháng trước) là động lực chủ yếu thúc đẩy lạm phát cơ bản, đánh dấu tháng tăng thứ 17 liên tiếp. Ngoài ra, lạm phát chi phí nhà ở & vật liệu xây dựng đã tăng 7,14% so với cùng kỳ, chủ yếu do chi phí thuê nhà tăng 0,77% so với tháng trước và chi phí vật liệu bảo trì nhà cửa và tiện ích tăng (khí đốt tăng 4,08% so với tháng trước).

Ngoài các mặt hàng chính, chi phí thực phẩm tăng chậm lại 5,01% so với cùng kỳ từ tăng 5,1% so với cùng kỳ khi giá thịt lợn giảm nhưng giá các mặt hàng thực phẩm khác như hải sản tươi sống tăng.

Về mặt tích cực, lạm phát giao thông đã giảm 0,158% so với cùng kỳ, lần giảm đầu tiên kể từ tháng 2/2021, nhờ giá xăng dầu trong nước trong tháng 12/2022 giảm 7,29% so với tháng trước.

CPI năm 2022 tăng trưởng bình quân 3,15%, sát với dự báo của HSC. Chúng tôi duy trì dự báo CPI năm 2023 và 2024 đạt lần lượt 3,6% và 3,1%. Để kiểm soát lạm phát cơ bản đang gia tăng, NHNN có thể tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong năm 2023, nâng lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu lên lần lượt 6,5% và 5%.