Cập nhật Kinh tế vĩ mô: Một vài điểm sáng trong bức tranh ảm đạm

Nguồn: HSC

Một vài điểm sáng trong bức tranh ảm đạm

 

 

Tóm tắt

  • CPI tháng 11/2022 tăng lên 4,37% và CPI cơ bản tăng cao cảnh báo lạm phát vẫn chưa đạt đỉnh. HSC dự báo NHNN sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong năm 2023.
  • Doanh số bán lẻ hàng hóa & dịch vụ tăng 17,5% so với cùng kỳ tiếp tục là động lực duy nhất thúc đẩy tăng trưởng, cho thấy nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ trong tháng 11 với ngày lễ mua sắm “black friday”. Mặc dù áp lực lạm phát gia tăng và chính sách giảm 2% thuế GTGT kết thúc vào cuối năm, số lượng khách du lịch quốc tế được dự báo sẽ phục hồi đến năm 2023 tiếp tục hỗ trợ doanh số bán lẻ.
  • Cả kim ngạch xuất khẩu (KNXK) và kim ngạch nhập khẩu (KNNK) đều giảm do nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu yếu được ghi nhận với hầu hết các mặt hàng chính, đặc biệt là máy tính, điện thoại và các thiết bị điện tử khác.
  • Vốn FDI giải ngân đạt mức cao nhất kể từ năm 2015, phản ánh nền tảng vững chắc trong dài hạn.

Các yếu tố bên ngoài có dấu hiệu hạ nhiệt

KNXK của Việt Nam trong tháng 11 vẫn ảm đạm, cho thấy tiềm năng cải thiện trong ngắn hạn còn hạn chế. Trên thực tế, nhu cầu quốc tế chưa thể thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới, khi lạm phát cao đè nặng lên chi tiêu toàn cầu và tiêu dùng đang dịch chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ. KNXK giảm lần đầu kể từ tháng 9/2021, trong khi KNNK cũng giảm lần đầu kể từ tháng 7/2020, với tốc độ giảm mạnh hơn so với dự đoán ban đầu của HSC. Nguyên nhân là do KNXK máy tính & sản phẩm điện tử giảm 13,9% so với cùng kỳ, KNXK máy móc & thiết bị giảm 8,3% so với cùng kỳ trong khi KNXK hàng dệt may cũng giảm 6,4% so với cùng kỳ. Triển vọng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may có thể sẽ tiếp tục xấu đi trong những tháng tới do KNNK nguyên liệu đầu vào giảm 9% trong tháng 11.

Mặc dù thâm hụt thương mại trong tháng ước tính khoảng 0,5 tỷ USD, thặng dư thương mại lũy kế 11 tháng đầu năm 2022 đạt 9,1 tỷ USD đã mang về dòng ngoại hối ổn định, giúp đáp ứng nhu cầu cao tại thị trường trong nước và giảm áp lực lên đồng VND, sát với dự báo của HSC trong báo cáo trước đó. Trên thực tế, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng đã giảm xuống 24.645 trong tháng 11 từ mức 24.724 trong tháng 10, cho thấy đồng VND tăng nhẹ trong tháng.

Ngược lại, vốn FDI giải ngân đạt mức cao nhất kể từ năm 2015, phản ánh nền tảng vững chắc trong dài hạn dù không có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ đầu tư công. Do thặng dư ngân sách được duy trì nhờ nguồn thu vượt chi tiêu, Bộ Tài chính dự kiến giảm phát hành trái phiếu chính phủ. Động thái này sẽ giúp Việt Nam bám sát mục tiêu thâm hụt tài khoá 4%. Bộ Tài chính đã phát hành khoảng 125 nghìn tỷ đồng (5 tỷ USD) trái phiếu chính phủ trong năm nay, tương đương chỉ 31% kế hoạch ban đầu, theo dữ liệu được công bố chính thức.

Số lượng khách du lịch quốc tế tiếp tục tăng 23% so với tháng trước trong tháng 11, sát với dự báo của HSC - số lượng khách du lịch quốc tế sẽ tăng lên 3,5 triệu người trong năm nay và tăng gấp đôi trong năm 2023 đạt 7 triệu người. Số lượng khách du lịch quốc tế tăng sẽ hỗ trợ doanh số bán lẻ tổng thể cho đến năm 2023, bù đắp một phần khi nhu cầu trong nước bình thường trở lại. Theo chỉ số PMI mới nhất, số lượng việc làm tiếp tục giảm là một nguy cơ đối với thị trường lao động và cả nhu cầu của người tiêu dùng – điều này sẽ tiếp tục được HSC theo dõi chặt chẽ.