Tăng trưởng kinh tế Quý 2 và 6 tháng đầu năm tăng vượt dự báo của các tổ chức lớn với động lực từ khối FDI và sự khởi sắc của khối kinh tế tư nhân. Kim ngạch xuất nhập khẩu duy trì tăng trưởng hai chữ số, thặng dư thương mại tốt, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Ngành sản xuất sôi động với PMI tăng lên gần 55 điểm, các lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi mạnh. Với các tín hiệu khởi sắc trên, Agriseco Research dự báo tăng trưởng GDP cả năm có thể hoàn thành vượt mục tiêu 6%-6,5% của Chính phủ đề ra từ đầu năm.
Các yếu tố khó khăn, rủi ro cần lưu ý như xung đột chính trị thế giới gay gắt làm suy yếu hệ thống thương mại đa phương, lạm phát tại Việt Nam đang gặp áp lực tăng trong bối cảnh tỷ giá diễn biến phức tạp, tổng cầu phục hồi chậm. Những yếu tố này làm giảm kỳ vọng của nhà đầu tư về sức bật của nền kinh tế và thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm 2024.
Số liệu tăng trưởng kinh tế tiếp tục xu hướng tích cực, quý sau tốt hơn quý trước tạo cơ sở kỳ vọng kết quả kinh doanh các doanh nghiệp trên sàn phục hồi trong Quý 2 và tạo đà tăng trưởng các quý tiếp theo, mở ra nhiều cơ hội đầu tư trên TTCK. Môi trường lãi suất duy trì ở mức thấp so với bình quân năm 2023 sẽ giúp giảm chi phí tài chính của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tín dụng đã tăng tốc cuối quý 2 và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% trong năm 2024 (cao hơn chỉ tiêu 2023: 14%) sẽ tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp gia tăng quy mô, doanh thu hoạt động.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực có tình hình sản xuất tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm như thép, cao su, gỗ, dệt may, hóa chất.… được kỳ vọng giúp các doanh nghiệp trong ngành có KQKD tăng trưởng cao trong nửa cuối năm 2024, đặc biệt so với mức nền thấp cùng kỳ 2023.
Vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đang tăng trưởng tốt trước xu hướng tái cấu trúc chuỗi cung ứng, là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024. Nhiều tập đoàn công nghệ lớn đang xúc tiến hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực bán dẫn, chip, năng lượng tái tạo. Điều này kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp Công nghệ - Viễn thông và Bất động sản Khu công nghiệp hưởng lợi. Đồng thời nhóm Khu công nghiệp cũng được hưởng lợi gián tiếp từ các dự án đầu tư công đang triển khai liên quan đường xá, hạ tầng.
Hoạt động thương mại quốc tế tiếp tục phục hồi mạnh với tổng kim ngạch XNK tăng 16% so với cùng kỳ 2023 kỳ vọng sẽ giúp các nhóm xuất khẩu ghi nhận KQKD tốt như hóa chất, dệt may, thủy sản, cao su. Bên cạnh đó, các ngành liên quan như logistics, cảng biển cũng được hưởng lợi từ xu hướng này.
Lượng khách du lịch quốc tế duy trì đà tăng cao nhất từ tháng 1.2020 và đã vượt thời điểm trước đại dịch nhờ các giải pháp kích cầu du lịch của Chính phủ, có thể tạo sự khởi sắc đối với KQKD cũng như diễn biến giá cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp hàng không, dịch vụ.
Một số chính sách/văn bản/nghị định kỳ vọng hỗ trợ thị trường và doanh nghiệp nửa cuối năm bao gồm: Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh Bất động sản; Chính sách tăng lương cơ sở 30%; Chính sách giảm thuế VAT xuống 8%; Các chính sách giảm các khoản thuế phí để hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh doanh nghiệp, Luật các Tổ chức tín dụng; Quy hoạch điện 8 và chính sách mua bán điện năng lượng tái tạo trực tiếp. Các chính sách mới có hiệu lực từ nửa cuối năm kỳ vọng giúp phục hồi sức cầu nền kinh tế cũng như phục hồi thị trường bất động sản, qua đó tạo hiệu ứng tâm lý tích cực đến thị trường chung.
Các yếu tố rủi ro cần lưu ý:
Tình hình vĩ mô quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, FED duy trì mặt bằng lãi suất cao, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt, rủi ro an toàn chuỗi cung ứng hàng hóa và triển vọng tăng trưởng kém tích cực của các nền kinh tế lớn.
Tỷ giá tiếp tục là rủi ro cần lưu ý khi đã tăng 4,3% từ đầu năm do chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND vẫn lớn. Thị trường có thể tiếp tục gặp áp lực bán ròng từ khối ngoại giai đoạn tới sau khi khối này đã bán ròng hơn 3 tỷ USD trong 1 năm qua. Những yếu tố này sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.