- Trong Q4/2023, GDP Việt Nam tăng trưởng nhanh lên mức 6,72%, tương đương GDP cả năm 2023 tăng trưởng 5,05%. Xu hướng tích cực này tốt hơn một chút so với dự báo GDP tăng trưởng 5,03% của HSC và được nâng cao nhờ việc điều chỉnh tăng số liệu của 3 quý trước đó, cho thấy nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi.
- Ngành BĐS đóng góp đáng kể vào GDP, cho thấy giai đoạn khó khăn nhất của ngành có thể đã qua nhờ các chính sách tiền tệ hỗ trợ phát huy hiệu quả.
- Tăng trưởng GDP Q4/2023 được đẩy mạnh nhờ tăng trưởng của khu vực công nghiệp & xây dựng (tăng 7,35%), do hoạt động xuất khẩu phục hồi, và khu vực dịch vụ tăng 7,29% nhờ số lượng khách du lịch cải thiện lên 3,7 triệu lượt từ 3,3 triệu lượt trong Q3/2023.
Hoạt động kinh tế ổn định với kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh
Trong Q4/2023, GDP Việt Nam tăng nhanh lên 6,72% so với cùng kỳ, tương đương GDP cả năm 2023 tăng trưởng 5,05% (so với dự báo GDP tăng trưởng 5,03% của HSC) sau khi điều chỉnh tăng số liệu 3 quý trước đó. Tăng trưởng trong Q4/2023 được đẩy mạnh nhờ khu vực công nghiệp & xây dựng và khu vực dịch vụ cải thiện (tăng lần lượt 7,35% và 7,29% so với cùng kỳ), trong khi khu vực nông, lâm & ngư nghiệp tăng chậm lại 4,13% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, ngành BĐS có dấu hiệu phục hồi khi tăng nhẹ 2,1% so với cùng kỳ trong Q4/2023 sau 3 quý sụt giảm liên tiếp. Kết quả này cho thấy giai đoạn khó khăn nhất của ngành có thể đã qua.
Về sử dụng GDP, năm 2023, tiêu dùng cuối và tích luỹ tài sản giảm đà tăng trưởng so với năm trước, trong khi KNXK và KNNK suy giảm, cho thấy hoạt động thương mại quốc tế nhìn chung khá yếu.
Mặc dù vậy, hoạt động thương mại đã có xu hướng tăng trong tháng thứ 4 liên tiếp. Trong tháng 12/2023, cả KNXK và KNNK đều tăng mạnh và là mức tăng cao nhất kể từ tháng 8/2022. KNXK tháng 12 được đẩy mạnh chủ yếu nhờ KNXK điện thoại các loại (tăng 51,5% so với cùng kỳ), máy tính & sản phẩm điện tử (tăng 19,2% so với cùng kỳ), gạo (tăng 117,7% so với cùng kỳ) và rau quả (tăng 22,4% so với cùng kỳ). Thặng dư thương mại hàng hóa và dịch vụ cao trong cả năm 2023 không chỉ đóng góp 1,8 điểm phần trăm vào GDP bên phía tổng cầu, mà còn giúp giảm áp lực lên đồng VND trên thị trường ngoại hối, theo đó đồng VND chỉ mất giá dưới 3% so với USD trong năm 2023, thấp hơn một chút so với dự báo ban đầu của chúng tôi.
Mặc dù đã xuất hiện những lo ngại xung quanh sự ổn định nguồn cung điện và thủ tục hành chính phức tạp, vốn FDI thực hiện đã đạt mức cao kỷ lục trong năm 2023 trong khi vốn FDI đăng ký tăng mạnh hơn 32%, vượt dự báo của chúng tôi (chỉ tăng 10%). Điều này tái khẳng định vai trò quan trọng của Việt Nam trong quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong tháng 12/2023, CPI tăng nhanh hơn trong bối cảnh chi phí y tế & giáo dục tăng lên và nhóm hàng này dự kiến sẽ tiếp tục tạo áp lực tăng lên CPI trong năm 2024. Tuy nhiên, lạm phát tổng thể năm 2023 là 3,25%, sát với dự báo của chúng tôi và thấp hơn mục tiêu lạm phát cả năm dưới 4,5% của Chính phủ. Các số liệu đáng chú ý khác bao gồm: đầu tư công hoàn thành 85% kế hoạch năm 2023 và doanh số bán lẻ hàng hoá & dịch vụ năm 2023 tăng trưởng 9,7% đạt 6.232 nghìn tỷ đồng (tương đương 61% GDP) sau khi tăng 9,3% so với cùng kỳ và tăng 7,2% so với quý trước trong Q4/2023.