Nguồn: HSC
Số liệu kinh tế tháng 1/2023 - Bức tranh trái chiều
Tóm tắt
Lĩnh vực sản xuất vẫn ảm đạm trong tháng 1
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số công nghiệp chế biến & chế tạo giảm 9,1% so với cùng kỳ trong tháng 1, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021. Điều này phần nào phản ánh yếu tố mùa vụ khi số ngày làm việc ít hơn 3 ngày so với cùng kỳ năm trước. Ngoại trừ biến động từ kỳ nghỉ Tết âm lịch, số liệu tháng 1 vẫn cho thấy lĩnh vực sản xuất ảm đạm. KNXK tiếp tục giảm trong thời điểm đầu năm mới, trong đó KNXK của các mặt hàng chủ chốt bao gồm máy tính và điện thoại các loại, máy móc và hàng dệt may sụt giảm mạnh nhất. Xu hướng giảm của KNXK nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong các tháng tới.
Tuy nhiên, yếu tố tích cực vẫn hiện hữu khi chỉ số PMI tháng 1 cho thấy số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng trở lại, đánh dấu lần tăng đầu tiên trong 3 tháng gần đây. Việc các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 ở Trung Quốc được nới lỏng cùng với các dấu hiệu cho thấy suy thoái ở Châu Âu và Mỹ không nghiêm trọng như lo ngại ban đầu (Mời xem: Cập nhật về triển vọng kinh tế thế giới, IMF, tháng 1/2023), đã mang đến triển vọng tích cực về sự hồi phục trong tương lai gần.
Về mặt giá cả, lạm phát cơ bản (ngoại trừ lương thực thực phẩm, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý) tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao hơn so với lạm phát tổng thể, đồng thời cao hơn mục tiêu 4,5% trong năm 2023 của Chính phủ. Đà tăng cho thấy lạm phát có thể vẫn chưa đạt đỉnh. Trên thực tế, HSC dự báo NHNN sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ cho đến khi CPI tổng thể giảm trong một thời gian.
Lạm phát tăng cao cùng với lãi suất cao có thể làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng đối với hàng hóa và dịch vụ vốn rất ổn định trong tháng 1/2023. Tuy nhiên, số lượng khách du lịch quốc tế tiếp tục hồi phục sẽ giúp bù đắp một phần khi nhu cầu trong nước bình thường trở lại. Số lượng khách du lịch quốc tế trong tháng 1 tiếp tục tăng mạnh hơn 44 lần so với cùng kỳ đạt 0,87 triệu người. Trong năm 2023, HSC dự báo số lượng khách du lịch quốc tế sẽ đạt 7 triệu người, so với 3,66 triệu người trong năm 2022.
Trong tương lai, HSC sẽ tiếp tục theo dõi tốc độ giải ngân vốn FDI hàng tháng vừa đột ngột giảm lần đầu kể từ tháng 11/2021. Điều này làm dấy lên lo ngại về tâm lý của NĐT trước các vấn đề xã hội gần đây (Mời xem: Chủ tịch nước Việt Nam rời khỏi Bộ chính trị sau cuộc cải tổ, ngày 17/1/2023, Bloomberg).
Hoạt động thương mại trong nước sôi động trong kỳ nghỉ Tết
Trong tháng 1, doanh số bán lẻ hàng hóa & dịch vụ tăng 20% so với cùng kỳ (tăng 5,2% so với tháng trước), đánh dấu tháng thứ 11 liên tiếp tăng trưởng ổn định dù lợi thế từ mức nền thấp đang giảm dần và là mức tăng mạnh nhất trong tháng 1 kể từ năm 2012.
Tuy nhiên, động lực thúc đẩy tăng trưởng được dự báo sẽ quay trở lại mức bình thường trong các tháng tới do lợi thế từ mức nền thấp giảm dần và lãi suất gia tăng làm suy yếu nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ của người tiêu dùng.
CPI tổng thể tăng nhanh trong tháng thứ 5 liên tiếp
CPI tổng thể tháng 1 đã vượt mục tiêu 4,5% của NHNN, tăng lên 4,89% so với cùng kỳ, cao hơn so với mức 4,55% so với cùng kỳ trong tháng trước.
Theo HSC, áp lực lên lạm phát tổng thể sẽ tiếp diễn trong các tháng tới, do lạm phát cơ bản (cao hơn so với lạm phát tổng thể) tiếp tục tăng lên 5,2% so với cùng kỳ trong tháng 1, mức cao nhất kể từ tháng 4/2015 (theo dữ liệu cập nhật của chúng tôi).
Chi phí lương thực & thực phẩm tăng 6,08% so với cùng kỳ (tăng 0,82% so với tháng trước) là động lực chủ yếu thúc đẩy lạm phát tổng thể, trong đó: (i) chi phí thực phẩm (chiếm khoảng 21,1% giỏ CPI tổng thể) tăng 6,11% so với cùng kỳ (tăng 0,95% so với tháng trước) và (ii) chi phí dịch vụ ăn uống ngoài gia đình (chiếm khoảng 8,7% giỏ CPI tổng thể) tăng 7% so với cùng kỳ (tăng 0,46% so với tháng trước), đánh dấu tháng tăng thứ 18 liên tiếp.
Về mặt tích cực, lạm phát chi phí nhà ở & vật liệu xây dựng (chiếm khoảng 18,6% giỏ CPI tổng thể) đã tăng chậm lại 6,94% so với cùng kỳ (giảm 0,12% so với tháng trước), chủ yếu do giá khí đốt giảm 4,69% so với tháng trước.
Ngoài ra, dù tăng 1,39% so với cùng kỳ chủ yếu do giá xăng dầu trong nước tăng trong kỳ, lạm phát giao thông vẫn đi ngang (chỉ tăng 0,05% so với cùng kỳ), gây áp lực không đáng kể lên lạm phát tổng thể.
HSC duy trì dự báo CPI tổng thể bình quân 12 tháng trong năm 2023 và 2024 sẽ đạt lần lượt 3,6% và 3,1%. Để kiểm soát lạm phát đang gia tăng, NHNN nên tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ cho đến khi CPI tổng thể giảm trong một thời gian nhất định.
Chỉ số công nghiệp giảm lần đầu tiên kể từ tháng 10/2021
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số công nghiệp chế biến & chế tạo giảm 9,1% so với cùng kỳ trong tháng 1, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021. Điều này phần nào phản ánh yếu tố mùa vụ khi kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán diễn ra trong tháng 1 và số ngày làm việc ít hơn 3 ngày so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo của S&P Global, chỉ số PMI sản xuất tháng 1 của Việt Nam đã tăng nhẹ từ 46,4 lên 47,4, phản ánh sự suy giảm của lĩnh vực sản xuất đã chậm lại.
Tuy nhiên, nhu cầu đã có dấu hiệu hồi phục, trong đó số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng trở lại lần đầu tiên trong vòng 3 tháng.
Việc các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 ở Trung Quốc được nới lỏng cùng với các dấu hiệu cho thấy suy thoái ở Châu Âu và Mỹ không nghiêm trọng như lo ngại ban đầu (Mời xem: Cập nhật về triển vọng kinh tế thế giới, IMF, tháng 1/2023), đã mang đến triển vọng tích cực về sự hồi phục trong tương lai gần.
KNXK và KNNK giảm trong tháng thứ 3 liên tiếp
Mặc dù số ngày làm việc ít hơn so với cùng kỳ năm ngoái, số liệu cho thấy động lực thúc đẩy tăng trưởng thương mại yếu vẫn tiếp diễn trong tháng 1.
KNXK tháng 1 giảm 21,3% so với cùng kỳ trong tháng thứ 3 liên tiếp. Tổng KNXK giảm sau khi KNXK của hầu hết các mặt hàng chủ chốt giảm, đặc biệt là KNXK máy móc giảm 25% so với cùng kỳ và KNXK hàng dệt may giảm 31% so với cùng kỳ.
Xu hướng tương tự được ghi nhận đối với KNNK – giảm 28,9% so với cùng kỳ. Cụ thể, KNNK máy tính & sản phẩm điện tử giảm 35% so với cùng kỳ, KNNK điện thoại các loại giảm 51% so với cùng kỳ và KNXK máy móc giảm 46% so với cùng kỳ.
Thặng dư thương mại của Việt Nam trong tháng 1/2023 đạt 3,6 tỷ USD so với 1,6 tỷ USD trong tháng 1/2022
Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại ước tính khoảng 3,6 tỷ USD trong tháng 1/2023, so với dự báo thặng dư thương mại cả năm 2023 đạt 8,9 tỷ USD của HSC (Mời xem: Chiến lược vĩ mô (I): Triển vọng của đồng VND trong năm 2023, ngày 18/1/2023). Nhờ dòng ngoại hối ổn định, NHNN đã bắt đầu tích lũy dự trữ ngoại hối, sát với dự báo của HSC trong báo cáo trước. Vào thời điểm cuối tháng 1, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng giảm xuống 23.435 từ mức 23.550 trong tháng 12/2022, cho thấy đồng VND đã tăng giá trong tháng thứ 3 liên tiếp.
Vốn FDI bất ngờ giảm trong tháng 1
FDI giải ngân giảm 16,3% trong tháng 1/2023, lần giảm đầu tiên kể từ tháng 11/2021.
Ngoài ra, FDI cam kết trong tháng 1 cũng giảm 19,8% so với mức tăng 4,8% trong tháng 1/2022 do vốn bổ sung cho các dự án hiện hữu và góp vốn mua cổ phần giảm lần lượt 75,9% và 60,7% so với cùng kỳ.
Về mặt tích cực, vốn FDI đăng ký mới tăng 210,6% so với cùng kỳ so với giảm 70,7% so với cùng kỳ trong tháng 1/2022, nhờ đầu tư từ Trung Quốc tăng 1.346% so với cùng kỳ sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại biên giới và dỡ bỏ các hạn chế đi lại từ ngày 8/1/2023. Trung Quốc là quốc gia với vốn FDI cam kết vào Việt Nam đứng thứ 2 trong tháng 1.
Bất chấp sự sụt giảm bất ngờ của vốn FDI trong tháng 1, vẫn còn quá sớm để nhận định những thay đổi gần đây trong bộ máy lãnh đạo của Việt Nam đã tác động đến tâm lý NĐT nước ngoài như Bloomberg đề cập trong báo cáo gần đây (Mời xem: Chủ tịch nước Việt Nam rời khỏi Bộ chính trị sau cuộc cải tổ, ngày 17/1/2023, Bloomberg).