- Kim ngạch thương mại khả quan: Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) và kim ngạch nhập khẩu (KNNK) tăng mạnh lần lượt 42% và 33,3%, mức cao nhất kể từ tháng 8/2022 - thời điểm kim ngạch thương mại đạt mức cao kỷ lục.
- Nhờ KNXK phục hồi nhanh chóng, chỉ số PMI sản xuất đã trở lại vùng tăng lần đầu tiên sau 5 tháng. Trong khi đó, vốn FDI đăng ký tăng mạnh trong tháng 1, đặc biệt trong lĩnh vực BĐS khi nhận được nhiều sự quan tâm của các NĐT nước ngoài.
- Đầu tư công đang chuyển trọng tâm sang các dự án xây dựng lưới điện truyền tải 500kW nhằm ứng phó với tình trạng thiếu điện ở khu vực phía Bắc, sau khi Thủ tướng nhấn mạnh: “Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng”.
Số liệu kinh tế tháng 1: Tạo tiền đề cho năm 2024
Năm Rồng đã khởi đầu đầy khả quan khi KNXK và KNNK tăng mạnh trong tháng 1, mức tăng mạnh nhất lần lượt tính từ tháng 4/2021 và tháng 6/2021. Đây là KNXK và KNNK theo tháng cao nhất tính từ thời điểm kim ngạch thương mại đạt mức cao kỷ lục trong tháng 8/2022. KNXK phần lớn các mặt hàng xuất khẩu đều tăng, trong đó KNXK điện thoại các loại (tăng 15,8% so với cùng kỳ), KNXK máy tính & sản phẩm điện tử (tăng 57,4% so với cùng kỳ) và KNXK máy móc & thiết bị (tăng 31,2% so với cùng kỳ) là các mặt hàng đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng KNXK. Thặng dư thương mại vẫn ở mức cao, giúp ổn định tỷ giá USD/VND ở dưới mức 24.500.
Nhờ KNXK phục hồi mạnh mẽ, chỉ số PMI sản xuất đã hồi phục về vùng tăng trưởng lần đầu tiên sau 5 tháng. Trong khi đó, vốn FDI đăng ký tiếp tục tăng hơn 40% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ lĩnh vực BĐS (đóng góp hơn 50% vào tổng vốn đăng ký).
Đầu tư công cũng tiếp tục tăng trưởng ổn định. Trong số giải pháp khắc phục tình trạng thiếu điện ở miền Bắc, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi sức mạnh tổng lực nhằm hoàn thành dự án đường dây truyền tải điện Quảng Trạch - Phố Nội (Thanh Hóa) vào giữa năm 2024. Dự án này đóng vai trò quan trọng đối với an ninh năng lượng của Việt Nam, đặc biệt tại khu vực phía Bắc (Mời xem: PM urges great efforts to finish 500kV power line project by mid-2024, ngày 28/1/2024, VnExpress).
Doanh số bán lẻ hàng hoá & dịch vụ tăng nhanh trước Tết, trong khi số lượng du khách quốc tế đã hồi phục về mức trước dịch Covid-19. Trong bối cảnh áp lực gia tăng khi giá điện, giá nhiên liệu và giá một số dịch vụ do Nhà nước điều tiết (trong đó có chi phí y tế) tăng, lạm phát đã hạ nhiệt xuống mức 3,37%, thấp hơn nhiều so với
mục tiêu 4-4,5% của NHNN.