Nguồn: HSC
Sức ép đáo hạn gia tăng trong Q4/2024
Ngành ngân hàng vẫn phát hành nhiều nhất trong Q3/2024
Trong tháng 9, giá trị phát hành TPDN giảm mạnh 61% so với tháng trước và giảm 43% so với cùng kỳ xuống 24 nghìn tỷ đồng, chủ yếu do phát hành trái phiếu ngân hàng giảm xuống 17 nghìn tỷ đồng (chiếm 72% tổng giá trị). Trong đó, dẫn đầu là OCB (Tăng tỷ trọng, giá mục tiêu 13.800đ) (3,5 nghìn tỷ đồng), CTG (Mua vào, giá mục tiêu 41.000đ) (2,8 nghìn tỷ đồng) và HDB (Tăng tỷ trọng, giá mục tiêu 27.700đ) (2,5 nghìn tỷ đồng). Các công ty BĐS phát hành 2 lô TP trong tháng 9/2024, Trường Lộc và Phát Đạt (trước đây thuộc Vinhomes) (đều Chưa niêm yết), với giá trị lần lượt 1,9 nghìn tỷ đồng và 3,5 nghìn tỷ đồng, và lãi suất cao nhất trong tháng ở mức 12%, từ đó nâng lãi suất phát hành bình quân tháng 9/2024 lên 9,5%. Từ đó, tổng giá trị phát hành Q3/2024 tăng 0,4% so với quý trước và tăng 3% so với cùng kỳ lên gần 126 nghìn tỷ đồng (103,5 nghìn tỷ đồng từ các NHTM, chiếm 82% tổng phát hành).
Giá trị trái phiếu mua lại tăng 15% so với quý trước với đóng góp chính là các ngân hàngTổng giá trị mua lại tháng 9/2024 giảm 26% so với tháng trước nhưng tăng 12% so với cùng kỳ đạt 11,8 nghìn tỷ đồng, trong đó ngành ngân hàng chiếm 83% tổng giá trị. BID (Tăng tỷ trọng, giá mục tiêu 52.800đ) (3,5 nghìn tỷ đồng) và OCB (3,2 nghìn tỷ đồng) là 2 ngân hàng có giá trị mua lại lớn nhất, trong khi ngành BĐS chỉ mua lại 1,3 nghìn tỷ đồng. Trong Q3/2024, hoạt động mua lại TPDN có sự cải thiện, tổng giá trị mua lại tăng 15% so với quý trước và tăng 9% so với cùng kỳ lên 61 nghìn tỷ đồng. Ngành ngân hàng mua lại 51 nghìn tỷ đồng trong Q3/2024 (tăng 16% so với quý trước) trong khi ngành BĐS mua lại 3,6 nghìn tỷ đồng (giảm 3% so với quý trước).
38,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu BĐS đáo hạn trong Q4/2024
Trong tháng 9/2024, 23 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn (tăng 40% so với tháng trước nhưng giảm 40% so với cùng kỳ), trong đó 15,6 nghìn tỷ đồng thuộc về các công ty BĐS. Trong khi đó, HSC ước tính 83,6 nghìn tỷ đồng TPDN sẽ đáo hạn trong Q4/2024, với 46 nghìn tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn vào tháng 12/2024. Ngành BĐS đối mặt với sức ép đáo hạn lớn nhất trong Q4/2024 với 38,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu đến hạn (chiếm 46% tổng giá trị) (Tập đoàn SDI: 6,6 nghìn tỷ đồng trong 3 tháng tới, mã chứng khoán: SDI, Chưa khuyến nghị). Trong năm 2025, HSC dự báo giá trị trái phiếu đáo hạn tăng 11% so với cùng kỳ lên 263,5 nghìn tỷ đồng, so với 238 nghìn tỷ đồng ước tính trong năm nay.
Giá trị trái phiếu chậm thanh toán giảm 9% so với quý trước trong Q3/2024
Trong tháng 9/2024, giá trị trái phiếu có vấn đề mới (được định nghĩa là trái phiếu thanh toán chậm và điều chỉnh các điều khoản) ở mức 12 nghìn tỷ đồng (ngành BĐS chiếm 80%). Hưng Thịnh Land (Chưa niêm yết) đã trì hoãn thanh toán 7 lô trái phiếu, với tổng giá trị gần 2,1 nghìn tỷ đồng, cho tới cuối năm nay. NVL (Bán ra, giá mục tiêu 8.500đ) cũng trì hoãn thanh toán gốc và lãi của một lô trái phiếu nhưng đã gia hạn thành công 3 lô trái phiếu khác với tổng giá trị 570 tỷ đồng cho tới năm 2025. Công ty Đầu tư Nguyên Bình và Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển Hoàng Long (đều Chưa niêm yết) đã rút và thay thế tài sản đảm bảo cho các lô trái phiếu của họ. Về mặt tích cực, giá trị thanh toán chậm đã giảm trong quý thứ 2 liên tiếp.
Thanh khoản trên thị trường thứ cấp đối với trái phiếu phát hành riêng lẻ hồi phục sau 2 tháng sụt giảm
Thanh khoản bình quân ngày trái phiếu phát hành riêng lẻ trên thị trường thứ cấp trong tháng 9/2024 đã hồi phục lên 4,6 nghìn tỷ đồng (tăng 40% so với tháng trước), sau 2 tháng sụt giảm liên tiếp, từ đó nâng tổng giá trị giao dịch trong tháng lên gần 88 nghìn tỷ đồng (tăng 21% so với tháng trước) (Biểu đồ 13). Do đó, tổng giá trị giao dịch trên thị trường thứ cấp đạt hơn 749 nghìn tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2024. ACB (Mua vào, giá mục tiêu 30.600đ) và Hưng Thịnh Phát (Chưa niêm yết) là những tổ chức phát hành có giá trị trái phiếu được giao dịch nhiều nhất trong tháng 9/2024 (Biểu đồ 14).