Cập nhật Kinh tế vĩ mô: Tăng trưởng GDP Q2 vượt kỳ vọng nhờ lĩnh vực sản xuất

                                                                                                                 Nguồn: HSC

Tăng trưởng GDP Q2 vượt kỳ vọng nhờ lĩnh vực sản xuất

 

 

 

  • Tăng trưởng GDP Q2 cao vượt kỳ vọng đạt 6,93%, nhờ lĩnh vực sản xuất phục vụ xuất khẩu tăng trưởng 10%. Từ đó, GDP 6 tháng đầu năm 2024 đã tăng 6,42% so với cùng kỳ và HSC tăng 40 điểm cơ bản dự báo tăng trưởng cả năm lên 6,2%.
  • Đầu tư công (chiếm khoảng 55% tổng vốn đầu tư toàn xã hội) cũng tăng mạnh ngoài dự kiến trong Q2, tăng 7,8%, và đóng góp 6,7% phần gia tăng của tích luỹ tài sản trong 6 tháng đầu năm 2024.
  • Tuy nhiên, tăng trưởng vẫn chưa đồng đều trong Q2/2024. Trong đó, ngành thâm dụng lao động nông lâm ngư nghiệp tăng trưởng chậm lại ở mức 3,34%. Lưu ý rằng ngành này hiện đang thâm dụng 26,7% lực lượng lao động của Việt Nam, giảm 113.000 lao động so với cùng kỳ, nhiều khả năng do người lao động chuyển hướng sang ngành dịch vụ trong bối cảnh nhu cầu du lịch hồi phục.
Tăng trưởng tăng tốc nhưng không đồng đều
 
GDP Q2/2024 của Việt Nam tăng 6,93% so với cùng kỳ, cao hơn đáng kể so với dự báo của chúng tôi là tăng trưởng 5,8% và dự báo bình quân của Bloomberg là tăng trưởng 6%. Nền kinh tế tăng trưởng tích cực nhờ hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ (tăng 12,5% so với cùng kỳ, tương đương tăng 14,5% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2024), từ đó giúp đẩy mạnh tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến & chế tạo (đóng góp 22,9% tổng GDP) lên 10,04% từ tăng 7,21% trong Q1/2024. Sản lượng phát điện cũng tăng 14,15% so với cùng kỳ trong Q2/2024 từ tăng 12,3% so với cùng kỳ trong Q1/2024. Trong khi đó, hoạt động xây dựng tăng 7,07% so với cùng kỳ trong Q2/2024, với lực cản đến từ sự phục hồi chậm của ngành BĐS (tăng 3,12% so với cùng kỳ, so với tăng 1,78% so với cùng kỳ trong Q1/2024).
 
Về phía nhu cầu, FDI đăng ký tiếp tục tăng trưởng tích cực ở mức 9,1% so với cùng kỳ trong Q2/2024 so với mức tăng 7,1% so với cùng kỳ trong Q1/2024, từ đó giúp đẩy mạnh tăng trưởng GDP. Mặc dù đầu tư công chững lại, đầu tư ngoài khu vực nhà nước từ khu vực tư nhân vẫn tăng mạnh ngoài dự kiến ở mức 7,8% so với cùng kỳ, so với mức tăng 4,5% so với cùng kỳ trong Q1/2024.
 
Nhìn chung, tăng trưởng GDP mạnh hơn dự báo nhờ ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu (từ phía nguồn cung) & đầu tư tư nhân (từ phía nhu cầu) tích cực trong bối cảnh tiêu dùng trong nước cải thiện (tăng 5,78% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2024 dựa trên giá trị thực).
 
Tuy nhiên, tăng trưởng giữa các ngành trong giai đoạn này vẫn không đồng đều, trong đó ngành thâm dụng lao động nông lâm ngư nghiệp tăng trưởng chậm lại ở mức 3,34% so với cùng kỳ trong Q2/2024. Ngành này hiện thâm dụng 26,7% lực lượng lao động của Việt Nam, giảm 113.000 lao động so với cùng kỳ - có thể do người lao động chuyển sang ngành dịch vụ đang khởi sắc trong bối cảnh nhu cầu du lịch ngày càng gia tăng và thu nhập tăng lên. Theo một khảo sát của Tổng cục Thống kê dựa trên 51,4 triệu lao động có việc làm, thu nhập bình quân hàng tháng/lao động trong Q2/2024 đã tăng lên 7,5 triệu đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.
 
 
GDP tăng nhanh nhờ công nghiệp và xây dựng
 
Tổng cục Thống kê công bố tăng trưởng GDP Q2/2024 đạt 6,93% so với cùng kỳ, vượt dự báo của chúng tôi là tăng 5,8% so với cùng kỳ. Kết quả này là nhờ hoạt động sản xuất mạnh mẽ, đầu tư tư nhân phục hồi nhanh hơn dự kiến, hoạt động xuất khẩu tiếp tục khả quan, vốn FDI thực hiện gia tăng và nhu cầu tiêu dùng khởi sắc. Do đó, HSC tăng 40 điểm cơ bản dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2024 lên 6,2%, đồng thời giữ nguyên dự báo tăng trưởng cho năm 2025-2026 ở mức 6,5%.
 
GDP tăng nhanh ở lĩnh vực công nghiệp, xây dựng & dịch vụ
 
GDP Q2 của VN tăng 6,93% so với cùng kỳ so với tăng 5,87% trong Q1/2024 (sau khi điều chỉnh tăng), cao hơn dự báo của chúng tôi là tăng 5,8% và bình quân khảo sát gần đây của Bloomberg là tăng 6% so với cùng kỳ.
 
Tăng trưởng chậm lại đối với ngành nông lâm nghiệp và thủy sản – tăng 3,34% so với cùng kỳ (so với tăng 3,42% so với cùng kỳ trong Q1/2024) – trong khi ngành công nghiệp & xây dựng (tăng 8,29% so với cùng kỳ, so với tăng 6,66% so với cùng kỳ trong Q1/2024) và dịch vụ (tăng 7,06% so với cùng kỳ, so với tăng 6,2% so với cùng kỳ trong Q1/2024) tăng tốc.
 
Cụ thể, những ngành tăng trưởng mạnh (dựa trên số liệu tổng thể) bao gồm sản xuất (tăng 10,04% so với cùng kỳ), điện (tăng 14,15% so với cùng kỳ), xây dựng (tăng 7,07% so với cùng kỳ), thương mại bán buôn/bán lẻ (tăng 7,62% so với cùng kỳ), vận tải & lưu trữ (tăng 11,51% so với cùng kỳ), lưu trú & ăn uống (tăng 11,26% so với cùng kỳ) và nghệ thuật, giải trí & thư giãn (tăng 7,1% so với cùng kỳ).
 
Ngành kinh doanh BĐS (tăng 3,12% so với cùng kỳ trong Q2/2024) kém tích cực trong quý thứ 3 liên tiếp cho thấy tốc độ phục hồi chậm.
 
Về sử dụng GDP, tiêu dùng cuối cùng trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 5,78% so với cùng kỳ - cao hơn đáng kể so với mức tăng 2,68% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2023. Ngoài ra, tích luỹ tài sản tăng 6,72% so với cùng kỳ, so với tăng 1,2% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2023. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng lần lượt 16,89% và 16,95% so với cùng kỳ so với giảm lần lượt 10% và 13,2% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2023, cho thấy hoạt động thương mại quốc tế hồi phục và tiếp tục là động lực quan trọng giúp đẩy mạnh tăng trưởng. Từ đó, GDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42% so với cùng kỳ so với mức tăng 3,84% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2023.
 
Mặc dù chưa có thông tin chi tiết về cơ cấu tích luỹ tài sản nhưng số liệu danh nghĩa về đầu tư tư nhân (đóng góp 55% tổng vốn đầu tư xã hội) cho thấy sự phục hồi tốt hơn kỳ vọng, tăng 7,8% so với cùng kỳ trong Q2/2024, trong bối cảnh đầu tư công chậm lại (đóng góp 17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội). Do tăng trưởng GDP cao hơn dự kiến trong Q2/2024, HSC điều chỉnh tăng 0,4 điểm phần trăm dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2024 lên 6,2%, đồng thời giữ nguyên dự báo tăng trưởng cho năm 2025-2026 đạt 6,5%.
 
Hoạt động thương mại tăng chậm lại trong tháng 6
 
Trong tháng 6, KNXK và KNNK tăng lần lượt 10,5% và 13,1% so với cùng kỳ, so với dự báo của chúng tôi là tăng lần lượt 11,6% và 17,3% so với cùng kỳ. So với tháng trước, KNXK tăng 2,6% nhưng KNNK giảm 7,9%. Từ đó, KNXK và KNNK tăng trưởng lần lượt 14,5% và 17% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2024, so với dự báo cả năm 2024 của chúng tôi là tăng trưởng lần lượt 12,5% và 13,5%. Các sản phẩm xuất khẩu hàng đầu ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong tháng 6 bao gồm máy móc (tăng 27,9% so với cùng kỳ), giày dép (tăng 23% so với cùng kỳ), rau quả (tăng 17,9% so với cùng kỳ) và máy tính & sản phẩm điện tử (tăng 16,3% so với cùng kỳ). Ngược lại, hàng dệt may chỉ tăng nhẹ 0,1% so với cùng kỳ. KNNK máy tính và sản phẩm điện tử (tăng 23,4% so với cùng kỳ), tiếp tục tăng trưởng trong tháng thứ 13 liên tiếp, là động lực quan trọng nhất giúp đẩy mạnh tăng trưởng KNNK. Ngoài ra, KNNK dầu khí tăng mạnh nhất trong tháng .
 
Thương mại thặng dư trở lại trong tháng 6
 
Cán cân thương mại đã thặng dư ước tính 2,9 tỷ USD trong tháng 6, nâng tổng thặng dư thương mại trong nửa đầu năm 2024 lên 11,6 tỷ USD so với dự báo cả năm của chúng tôi là thặng dư hơn 28 tỷ USD. Dòng vốn đáng kể này đã hỗ trợ đồng VND trong bối cảnh sức ép tăng giá của đồng USD trên toàn cầu ngày càng lớn.
 
FDI đăng ký tăng mạnh trong tháng 6
 
Trong tháng 6, FDI thực hiện tăng 9,4% so với cùng kỳ, tháng tăng thứ 17 liên tiếp và tương đương mức tăng 8,2% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2024 (so với giảm 0,4% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2023). Trong khi đó, FDI đăng ký tăng 59,7% so với cùng kỳ, nâng mức tăng trong 6 tháng đầu năm 2024 lên 13,1% (so với giảm 4,3% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2023).
 
Cho năm 2024, HSC tiếp tục dự báo FDI đăng ký và thực hiện sẽ tăng trưởng lần lượt
9% và 6%.
 
Đầu tư công tăng 3,5% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2024 (bằng 33,8% kế hoạch năm)
 
Trong tháng 6, đầu tư công giảm 1,2% so với cùng kỳ. Trong 6 tháng đầu năm 2024, đầu tư công (244,4 nghìn tỷ đồng) tăng 3,5% so với cùng kỳ, so với mức tăng 22,5% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2023, bằng 33,8% kế hoạch năm 2024 của Chính phủ (677,3 nghìn tỷ đồng).
 
Chính phủ ước tính đã thu ngân sách đạt 60% kế hoạch năm 2024 so với chi ngân sách đạt 37,9% kế hoạch năm 2024. Do đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, ngân sách nhà nước thặng dư 217 nghìn tỷ đồng, so với mục tiêu thâm hụt 399,4 nghìn tỷ đồng trong năm 2024 ('Quyết định 2715' của Bộ Tài chính). Điều này phản ánh tiến độ giải ngân công đang chậm.
 
Doanh số bán lẻ hàng hóa & dịch vụ tăng 8,6% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2024
 
Trong tháng 6, doanh số bán lẻ hàng hóa & dịch vụ tăng 9,1% so với cùng kỳ (tăng 1,1% so với tháng trước). Trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh số bán lẻ hàng hóa & dịch vụ tăng 8,6% so với cùng kỳ (so với tăng 10,9% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2023), so với dự báo tăng trưởng 9% trong năm 2024 của chúng tôi, nhờ đóng góp đáng kể từ doanh số bán lẻ dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 15,2% so với cùng kỳ, đóng góp 11,5% tổng doanh số bán lẻ hàng hóa & dịch vụ).
 
Số lượng du khách quốc tế giảm trong tháng thứ 3 liên tiếp
 
Trong tháng 6, số lượng du khách quốc tế tăng 28,1% so với cùng kỳ nhưng giảm 9,7% so với tháng trước, tương đương 1,25 triệu lượt. Trong số 3 thị trường hàng đầu, Hàn Quốc giành lại vị trí dẫn đầu với 330 nghìn lượt khách, theo sát là Trung Quốc với 286 nghìn lượt khách (bằng 84% mức trước dịch COVID-19) 
 
Trong 6 tháng đầu năm 2024, số lượng du khách đạt 8,8 triệu lượt (tăng 58,4% so với cùng kỳ), bằng 104,1% mức trước dịch COVID-19 vào năm 2019.
 
Trong năm 2024, HSC dự báo số lượng du khách quốc tế sẽ đạt 17,5 triệu lượt, tăng trưởng 39% so với mức 12,6 triệu lượt trong năm 2023.
 
CPI hạ nhiệt nhẹ xuống 4,34% so với cùng kỳ trong tháng 6
 
Trong tháng 6, CPI tổng thể giảm nhẹ xuống 4,34% so với cùng kỳ, so với 4,44% so với cùng kỳ trong tháng trước (Biểu đồ 16) và thấp hơn dự báo của chúng tôi. Điều này là do đóng góp của nhóm vận tải vào lạm phát tổng thể giảm xuống. Trong tháng, giá xăng dầu trong nước giảm 5,86% so với tháng trước, từ đó làm đóng góp nhóm vận tải (chiếm 9,69% tỷ trọng giỏ CPI) giảm 2,27% so với tháng trước. Trong nửa đầu năm 2024, lạm phát tổng thể tăng 4,08% so với cùng kỳ, cao hơn dự báo cả năm của chúng tôi là tăng 3,8%, chủ yếu do chi phí nhóm ngoài cơ bản tăng lên.
 
Trong khi đó, lạm phát cơ bản giảm xuống 2,61% so với cùng kỳ trong tháng 6 từ 2,68% so với cùng kỳ trong tháng 5.