Cập nhật Kinh tế vĩ mô: Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024-2025

                                            Nguồn: HSC

Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024-2025

 

 

  • HSC dự báo GDP sẽ tăng lần lượt 6,1% và 6,7% trong năm 2024-2025 nhờ đóng góp gia tăng từ đầu tư, trong khi kim ngạch xuất khẩu (KNXK) sẽ phục hồi, với động lực chính đến từ sản phẩm điện tử.
  • Chúng tôi cũng kì vọng nhiều chính sách hỗ trợ tiếp tục được ban hành nhằm ổn định lĩnh vực BĐS, bên cạnh các chính sách tài chính và tiền tệ mở rộng. Việt Nam đã duy trì nợ Chính phủ ở mức thấp nhất trong khu vực ASEAN, đây là động lực tích cực tiếp tục thúc đẩy đầu tư công.
  • Tiêu dùng là động lực chủ chốt thúc đẩy tăng trưởng năm 2023, được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ môi trường lãi suất thấp lịch sử và chính sách giảm thuế GTGT.
  • Mặc dù vậy, tình trạng thiếu điện có thể cản trở đà phục hồi của lĩnh vực sản xuất, đồng thời tác động tiêu cực đến các dự án đầu tư FDI.
 
 
Một năm Rồng may mắn?
 
Nền kinh tế Việt Nam đã trải qua năm 2023 đầy thách thức, nhưng kết thúc năm với số liệu kinh tế khả quan hơn khi KNXK tăng trưởng trở lại và thị trường BĐS phục hồi từ đáy. Triển vọng tích cực hơn trong năm nay được kì vọng nhờ lạm phát dần được kiểm soát và môi trường lãi suất thấp hơn sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng ở các nền kinh tế lớn, duy trì đà phục hồi của KNXK ở Việt Nam và các quốc gia xuất khẩu khác trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Đài Loan và Hàn Quốc.
 
 
 
Việt Nam tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu sản phẩm điện tử lớn thứ 7 trên thế giới. Ngoài ra, dù ngành công nghiệp ô tô trong nước vẫn còn non trẻ nhưng KNXK phương tiện vận tải đang trở thành một thế mạnh mới của Việt Nam. Trong năm 2024, KNXK phương tiện vận tải đã tăng trưởng 18,1% dù tổng KNXK giảm 4,6%.
 
 
Về quan hệ quốc tế, Việt Nam là một trong số ít quốc gia tận dụng chính sách “ngoại giao cây tre” để hưởng lợi từ chuyển dịch trong thương mại toàn cầu. Trong năm 2023, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với Mỹ và Nhật Bản lên đối tác chiến lược toàn diện, đồng thời tăng cường quan hệ song phương với Trung Quốc. Dù Mỹ áp dụng chính sách dịch chuyển sản xuất về nước, NĐT Mỹ vẫn quan tâm đến lĩnh vực năng lượng xanh và chất bán dẫn của Việt Nam, tạo động lực tăng trưởng mới và thu hút nhiều lao động tay nghề cao hơn.
 
Bên cạnh cơ hội, Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức. Tình trạng thiếu điện sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất và đầu tư, do đó Chính phủ cần đẩy nhanh xây dựng mạng lưới truyền tải điện mới. Thị trường BĐS phục hồi chậm hơn dự báo có thể ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng, trong khi tỷ giá USD/VND và áp lực lạm phát sẽ làm phức tạp thêm bức tranh kinh tế trong năm 2024.