Cập nhật Kinh tế vĩ mô: Triển vọng tỷ giá trong năm 2024-2025

                            Nguồn: HSC

Triển vọng tỷ giá trong năm 2024-2025

 

 

  • Thị trường dự báo Fed sẽ thay đổi quan điểm về chính sách tiền tệ từ diều hâu sang ôn hòa, báo hiệu 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024 và tổng mức giảm tính đến cuối năm 2026 là 250 điểm cơ bản sau khi hạ triển vọng lạm phát.
  • Trước quan điểm ôn hoà của Fed, tỷ giá USD/VND vẫn gặp một số rủi ro, bao gồm chênh lệch lãi suất đáng kể giữa đồng VND & USD có thể tiếp tục làm phát sinh hoạt động đầu cơ hưởng chênh lệch và gây thêm áp lực lên cán cân thanh toán, từ đó có thể làm chậm quá trình tích lũy dự trữ ngoại hối.
  • Tỷ giá có thể tăng 1,4% trong năm 2024 (VND mất giá) nhưng được dự báo giảm vào năm 2025 nhờ chênh lệch lãi suất giảm có thể giúp thúc đẩy dòng vốn nước ngoài. Dự kiến nền kinh tế thế giới phục hồi rõ rệt hơn (vào năm 2025) cũng sẽ là động lực tích cực cho hoạt động thương mại của Việt Nam.
Áp lực tỷ giá giảm bớt
 
Trong cuộc họp cuối cùng của năm 2023, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã phát tín hiệu thay đổi quan điểm về chính sách tiền tệ từ diều hâu sang ôn hòa, dự kiến cắt giảm lãi suất 3 lần với tổng mức giảm là 75 điểm cơ bản trong năm 2024 và tiếp tục cắt sau đó với tổng mức giảm tính đến năm 2026 là 250 điểm cơ bản. Động thái này diễn ra sau khi Fed điều chỉnh giảm triển vọng lạm phát. Theo đó, Fed dự báo chỉ số giá PCE của Mỹ sẽ giảm lần lượt xuống 2,8% và 2,5% trong năm 2024-2025.
 
Trong năm 2024, triển vọng các đồng tiền trên thế giới (bao gồm đồng VND) tích cực hơn so với năm 2023 nhờ sự đảo chiều chính sách của Fed và chỉ số Dollar Index (DXY) giảm.
 
Tuy nhiên, đồng VND vẫn còn rủi ro mất giá. Mặc dù các ngân hàng trung ương lớn (ngoại trừ Ngân hàng trung ương Nhật Bản - BoJ) dự kiến cắt giảm lãi suất khi lạm phát hạ nhiệt, lãi suất được dự báo vẫn sẽ ở mức cao.
 
Tỷ giá thực đa phương hiệu lực thực của Việt Nam với các đối tác thương mại chủ chốt vẫn nằm trong xu hướng tăng đã ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh thương mại tổng thể cùa Việt Nam. Do đó, việc đồng VND giảm giá sẽ hỗ trợ hoạt động sản xuất định hướng xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy yếu. Các yếu tố khác có thể gây rủi ro lên đồng VND bao gồm hoạt động đầu cơ hưởng chênh lệch lãi suất, và dự trữ ngoại hối tính theo tháng nhập khẩu đang suy giảm.
 
Do đó, HSC dự báo tỷ giá USD/VND sẽ tăng 1,4% trong năm 2024 (VND mất giá), trước khi giảm 1,2% (VND tăng giá) trong năm 2025, với giả định chênh lệch lãi suất USD và VND được thu hẹp. Ngoài ra, kinh tế toàn cầu phục hồi rõ rệt hơn sẽ có lợi cho Việt Nam, giúp giảm áp lực lên cán cân thanh toán và tăng cường dòng ngoại tệ chảy sang các nền kinh tế mới nổi, bao gồm Việt Nam.