Không có đối tác thương mại lớn nào của Hoa Kỳ vượt ngưỡng tất cả các tiêu chí theo Đạo luật 2015. Vào ngày 08/11/2023, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã ban hành báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ” (sau đây gọi tắt là Báo cáo), đánh giá 4 quý đến tháng 6/2023 (kỳ đánh giá). Trong báo cáo này, Bộ Tài chính Hoa Kỳ nhận thấy không có đối tác thương mại lớn nào đáp ứng cả 3 tiêu chí theo Đạo luật Tạo thuận lợi Thương mại và Thực thi Thương mại năm 2015 (sau đây gọi tắt là Đạo luật 2015) vì hầu hết các biện pháp can thiệp ngoại hối của các đối tác thương mại của Hoa Kỳ đều dưới hình thức bán USD để bảo vệ tỷ giá.
Bộ Tài chính Hoa kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách giám sát tiền tệ. Sau khi loại Việt Nam ra khỏi Danh sách giám sát tiền tệ trong 2 kỳ đánh giá gần nhất, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam trở lại Danh sách giám sát trong kỳ đánh giá này, cùng với 5 nền kinh tế khác nằm trong danh sách gồm Trung Quốc, Đức, Malaysia, Singapore, và Đài Loan.
Việt Nam vượt 2 trong 3 tiêu chí của Đạo luật 2015. Phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi trong Báo cáo Vĩ mô – ngày 23/06/2023, trong kỳ đánh giá lần này, Việt Nam đã vượt ngưỡng 2 trong 3 tiêu chí của Đạo luật 2015, bao gồm “thặng dư thương mại song phương đáng kể với Hoa Kỳ” và “thặng dư cán cân vãng lai cao” .
Đánh giá cho kỳ gần nhất như sau:
1) Thặng dư thương mại song phương đáng kể với Hoa Kỳ đạt ít nhất 15 tỷ USD. Theo Báo cáo, Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại hàng hóa và dịch vụ với Hóa Kỳ đạt 105 tỷ USD trong kỳ đánh giá 4 quý tính đến tháng 6/2023, đứng thứ ba trong số 21 đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ (sau Trung Quốc với 294 tỷ USD và Mexico với 145 tỷ USD).
2) Thặng dư cán cân vãng lai lớn hơn 3,0% GDP. Trong kỳ đánh giá lần này, Việt Nam đã ghi nhận “thặng dư cán cân vãng lai cao” đạt 19 tỷ USD, tương đương 4,7% GDP (tăng mạnh từ mức thâm hụt 1,0 tỷ USD, tương đương -0,2% GDP trong kỳ đánh giá trước), theo số liệu từ Báo cáo.
3) Can thiệp một chiều trên thị trường ngoại hối, kéo dài trong ít nhất 8 tháng trong số 12 tháng, với lượng mua ngoại tệ ròng lớn hơn 2% GDP. Việt Nam không vi phạm tiêu chí “can thiệp một chiều trên thị trường ngoại hối, kéo dài” trong kỳ đánh giá lần này (giống như kỳ đánh giá trước). Theo Báo cáo, trong 4 quý tính đến tháng 6/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bán ròng 6,0 tỷ USD để bảo vệ tỷ giá - tương đương –1,5% GDP.
Việt Nam sẽ vẫn nằm trong danh sách giám sát tiền tệ của Bộ Tài chính Hoa kỳ trong kỳ đánh giá tiếp theo. Một nền kinh tế sẽ được loại khỏi Danh sách giám sát khi chỉ vượt ngưỡng 1 trong 3 tiêu chí trong 2 kỳ đánh giá liên tiếp. Vì vậy, Việt Nam sẽ vẫn nằm trong danh sách giám sát của Bộ Tài chính Hoa kỳ trong kỳ đánh giá tiếp theo (4 quý tính đến tháng 12/2023).
Động thái gần nhất của Bộ Tài chính Hoa Kỳ sẽ không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam. Một số nền kinh tế đã nằm trong danh sách giám sát của Bộ Tài chính Hoa kỳ trong nhiều năm bao gồm - Đức, Hàn Quốc và Nhật Bản đã nằm trong danh sách giám sát trong 15, 14 và 13 kỳ đánh giá liên tiếp – kể từ khi Bộ Tài chính Hoa kỳ lập Danh sách giám sát mới từ tháng 4 /2016). Tuy nhiên, NHNN sẽ cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bộ Tài chính Hoa kỳ để giải quyết những quan ngại về vấn đề này. Trong những năm gần đây, NHNN và Bộ Tài chính Hoa Kỳ thông qua các cuộc thảo luận mang tính xây dựng đã đạt được những tiến bộ đáng kể và sự hiểu biết lẫn nhau.