Cập nhật vĩ mô: Khép lại năm 2023 đầy thách thức, Việt Nam tăng tốc về đích

                                     Nguồn: SSV

Khép lại năm 2023 đầy thách thức, Việt Nam tăng tốc về đích

 

 
2023 – Một năm đầy thách thức
 
Nền kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 dù lạm phát đã hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức cao khiến tổng cầu suy giảm, biến đổi khí hậu và chiến tranh ngày càng gay gắt hơn. Ngoài những ảnh hưởng từ kinh tế toàn cầu, kinh tế trong nước cũng đối mặt với những áp lực riêng từ những đại án trong lĩnh vực bất động sản, ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp.
 
Vượt qua thách thức, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được xu hướng tích cực. GDP Q4/2023 tăng 6.72%YoY, cao hơn các quý trước (quý I tăng 3.41%, quý II tăng 4.25%, quý III tăng 5.47%) và ước tính tăng 5.05% cả năm 2023, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3.83% (đóng góp 8.84% vào mức tăng trưởng chung); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3.74% (đóng góp 28.87%); khu vực dịch vụ tăng 6.82% (đóng góp 62.29%). Qui mô GDP năm 2023 đạt 430 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 4,284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022.
 
Động lực tăng trưởng đến từ việc thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư công. Nhờ kiểm soát tốt lạm phát, chính phủ đã có nhiều dư địa cho các chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng, ưu tiên các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong năm, Việt Nam cũng đã nâng tầm đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ - Nhật, mở ra nhiều cơ hội cho việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, phục hồi sản xuất và xuất khẩu, thúc đẩy công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
 
2024 – Việt Nam tăng tốc về đích cho chặng đường kinh tế 5 năm 2021-2025
 
Theo Nghị quyết 01/NQ-CP mà Chính phủ vừa ban hành, năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Chính phủ xác định 12 nhiệm vụ quan trọng như ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật; đẩy mạnh phát triển hạ tầng; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng;...Theo đó, các nghị định qui định chi tiết Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai sẽ được ban hành trong năm 2024 tạo hành lang pháp lý toàn diện, hỗ trợ cho sự phục hồi của lĩnh vực bất động sản. Bên cạnh đó, chiến lược phát triển một số ngành như sữa, giấy, thép, ô tô, điện lực, công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045-2050 cũng sẽ được xây dựng trong năm 2024.
 
Một số chỉ tiêu kinh tế năm 2024 (Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 05/01/2024)
 
 
Năm 2023, doanh số bán lẻ duy trì đà tăng tích cực 9.6%YoY, trong khi xuất khẩu phục hồi rõ nét hơn trong nửa cuối năm và đạt 355.5 tỷ USD (-4.4%YoY), nhập khẩu đạt 327.5 tỷ USD (-8.9%YoY). Cán cân thương mại hàng hóa ươc tính xuất siêu 28 tỷ USD.
 
 
Lĩnh vực sản xuất suy yếu đáng kể với chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 chỉ tăng 1.5%YoY; PMI hầu hết nằm dưỡi ngưỡng 50 và kết thúc năm tại mức 48.9. Dù vậy, dấu hiệu phục hồi rõ nét hơn trong những tháng cuối năm khi IIP Q4/2023 đạt mức tăng khá 5%YoY, cao hơn 2.8% của Q3/2023 và mức tăng trưởng âm trong hai quý đầu năm.
 
 
Lĩnh vực đầu tư là điểm sáng năm 2023 với giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 625.3 nghìn tỷ (+21.2%YoY), bằng 85.3% kế hoạch năm và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt23.18 tỷ USD(+3.5%YoY),mức cao nhất từ 2019 đến nay. Vốn FDI đăng ký tăng vọt 32.1%YoY, đạt 36.61 tỷ USD,mở ra nhiều kỳ vọng mới cho sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn tới.
 
 
Lạm phát được kiểm soát tốt trong năm 2023 nhờ lạm phát cơ bản duy trì đà giảm tích cực cùng với việc điều chỉnh giảm giá xăng dầu. CPI chung bình quân năm 2023 tăng 3.25%YoY, thấp hơn so với mục tiêu 4%-4.5% mà Quốc hội đã thông qua.
 
 
Tăng trưởng GDP duy trì xu hướng tích cực qua các quý, đạt 6.72% trong Q4 (cao hơn Q4 các năm 2012-2013 và 2020-2022) và ước tính tăng 5.05% cho cả năm 2023.
 
 
Lĩnh vực nông nghiệp đóng vai trò bệ đỡ của nền kinh tế nhờ tăng trưởng ổn định, dịch vụ phục hồi mạnh mẽ trong khi công nghiệp và xây dựng còn chật vật nhưng bắt đầu có những dấu hiệu khả quan hơn trong nửa sau của 2023.