Cập nhật Vĩ mô: Việt Nam - Nhật Bản nâng cấp quan hệ ngoại giao lên Đối tác chiến lược toàn diện

                          Nguồn: VCSC

Việt Nam - Nhật Bản nâng cấp quan hệ ngoại giao lên Đối tác chiến lược toàn diện

 

 

Việt Nam và Nhật Bản nâng cấp quan hệ ngoại giao lên Đối tác chiến lược toàn diện. Ngày 27/11, Việt Nam và Nhật Bản đã nâng cấp quan hệ ngoại giao lên Đối tác chiến lược toàn diện “vì hòa bình và thịnh vượng ở Châu Á và thế giới”. Như vậy, Việt Nam hiện có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 6 quốc gia, bao gồm Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022), Mỹ (2023) và Nhật Bản (2023)
 
Mở rộng, tăng cường hợp tác trong đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, giáo dục và đào tạo
  • Trong tuyên bố chung, Việt Nam và Nhật Bản nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác trên một số lĩnh vực, gồm chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế và nhiều lĩnh vực khác. Về hợp tác kinh tế, hai nước khẳng định thúc đẩy hợp tác đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, giáo dục đào tạo và các lĩnh vực khác. Một số điểm đáng chú ý như sau:
  • Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác chuyển đổi năng lượng.
  • Việt Nam và Nhật Bản sẽ thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực lưới điện thông minh, thành phố thông minh, phát triển thị trường điện và nội địa hóa ngành năng lượng. Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia thị trường khí hóa lỏng tại Việt Nam, và thúc đẩy chuyển giao công nghệ.
  • Nhằm tạo động lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững, hai nhà lãnh đạo cũng khẳng định sẽ hợp tác phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và các ngành công nghiệp cốt lõi đầy tiềm năng như chất bán dẫn.
  • Nhật Bản khẳng định sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và đảm bảo cung cấp năng lượng ổn định để trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045.
  • Nhật Bản cam kết hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu dẫn dắt bởi Nhật Bản.
  • Hai bên khẳng định tăng cường hợp tác giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm trong các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm và công nghiệp phụ trợ.
Việc nâng cấp quan hệ có thể giúp khuyến khích thêm dòng vốn FDI từ Nhật Bản và thúc đẩy thương mại song phương
  • Nhật Bản là nhà đầu tư FDI lớn thứ ba tại Việt Nam với vốn đăng ký lũy kế đạt 72 tỷ USD, chiếm 15,5% tổng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam (trong 11T 2023, vốn FDI đăng ký từ Nhật Bản đạt 3,1 tỷ USD, chiếm 10,8% tổng vốn FDI đăng ký) (Hình 1&2). Trong tương lai, FDI từ Nhật Bản có thể sẽ tiếp tục tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao và năng lượng. Các dự án FDI nổi bật từ Nhật Bản những năm gần đây bao gồm nhiệt điện Nghi Sơn 2 (2,8 tỷ USD
  • Marubeni & KEPKO), nhiệt điện Vân Phong I (2,6 tỷ USD – Sumitomo) và Thành phố thông minh Bắc Hà Nội (Sumitomo & BRG).
  • Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ năm của Việt Nam, chiếm 6,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 10T 2023 (dệt may, giày dép chiếm 24,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản), Nhật Bản cũng là là thị trường nhập khẩu lớn thứ tư của Việt Nam, chiếm 6,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. (Hình 3-6).
  • Bên cạnh đó, Nhật Bản là nguồn ODA lớn nhất của Việt Nam và là chủ nợ lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Ngân hàng Thế giới), với dư nợ gần 12 tỷ USD tại thời điểm tháng 6/2022, chiếm khoảng 27,5% dư nợ nước ngoài của Chính phủ (Hình 7). Theo Tuyên bố chung, ODA trong tương lai sẽ tập trung vào cơ sở hạ tầng chiến lược, chuyển đổi kỹ thuật số, chuyển đổi xanh, chống biến đổi khí hậu và y tế.