Chiến lược ngành điện của Việt Nam: Đảm bảo đủ điện cho tăng trưởng

Nguồn: HSC

Chiến lược ngành điện của Việt Nam: Đảm bảo đủ điện cho tăng trưởng

 

Năng lượng điện

Tóm tắt

Tổng lượng điện tiêu thụ của Việt Nam 9 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 3,9% do tác động của các biện pháp phong tỏa và giãn cách. Tuy nhiên, chúng tôi dự báo sản lượng tiêu thụ sẽ hồi phục 10% trong năm 2022 do nền kinh tế trở lại bình thường (HSC dự báo GDP năm 2022 tăng trưởng 6,8%).

Quy hoạch điện của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030 cho thấy than và LNG sẽ là nhiên liệu chính cho phát điện nhằm đảm bảo đủ năng lượng cho phát triển kinh tế, đồng thời nâng dần công suất của điện tái tạo; theo đó chính sách trong lĩnh vực điện năng có thể thay đổi.

Chúng tôi chỉ thay đổi một chút dự báo và giá mục tiêu trong Báo cáo này. HSC duy trì khuyến nghị Mua vào đối với POW (giá mục tiêu 17.600đ) và GEG (giá mục tiêu 24.900đ), cả 2 đều có vị thế tốt để tăng trưởng.

Lượng điện tiêu thụ 9 tháng đầu năm kém

Tổng lượng điện tiêu thụ của Việt Nam 9 tháng đầu năm 2021 đạt 192 tỷ kWh, chỉ tăng 3,9% so với cùng kỳ. Trong số tất cả nguồn phát điện, chỉ có thủy điện và điện mặt trời có sự tăng trưởng nhờ hiện tượng La Nina giúp tăng sản lượng thủy điện và EVN ưu tiên mua nhiều thủy điện giá rẻ.

Nhu cầu tiêu thụ và giá điện có thể hồi phục trong năm 2022

Nhờ giãn cách xã hội được nới lỏng từ cuối tháng 9 tại tất các tỉnh thành lớn (và từ đầu tháng 10 đối với TP HCM), HSC tin rằng nhu cầu tiêu thụ điện năng sẽ tăng từ Q4/2021 trở đi. Ngoài ra, hiện tượng La Nina đã suy yếu kể từ tháng 8/2021, nên chúng tôi cho rằng giá trên thị trường phát điện cạnh tranh cũng như lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của các doanh nghiệp nhiệt điện sẽ có sự cải thiện trong Q4/2021 và năm 2022.

Chiến lược ngành điện: Điện than và điện LNG là cơ sở, và nâng dần điện tái tạo

Dựa trên Quy hoạch phát triển điện Quốc gia giai đoạn 2021-2030 (Quy hoạch điện VIII), HSC thấy rằng Việt Nam sẽ sử dụng điện than và điện LNG để đảm bảo đủ năng lượng cho phát triển kinh tế, đồng thời nâng dần công suất của điện tái tạo trong cơ cấu điện năng một cách có kiểm soát nhằm giảm bớt áp lực lên mạng lưới truyền tải. Vì vậy, HSC cho rằng chính sách điện lực của Việt Nam trong những năm tới sẽ có lợi cho điện LNG trong khi việc hòa lưới công suất điện tái tạo mới sẽ được siết chặt.

Duy trì khuyến nghị Mua vào đối với POW và GEG

HSC duy trì khuyến nghị Mua vào đối với POW và GEG; đồng thời lần lượt nâng 1,7% và 20,5% giá mục tiêu cho 2 cổ phiếu này sau khi điều chỉnh một chút dự báo và chuyển thời điểm định giá về cuối năm 2022. Giá mục tiêu mới của POW là 17.600đ (lựa chọn đứng đầu của HSC với tiềm năng tăng giá là 29%) và GEG là 24.900đ (tiềm năng tăng giá: 25%). POW sẽ hưởng lợi từ nhu cầu tiêu thụ điện tăng với 2 nhà máy điện LNG (tổng công suất là 1.500 MW) dự kiến đi vào hoạt động vào cuối 2024 và 2025. GEG là doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào lĩnh vực điện tái tạo, sở hữu 250 MW công suất điện mặt trời và 130 MW điện gió đang hoạt động, được hưởng cơ chế giá FIT hấp dẫn trong 20 năm. Hiện POW và GEG đang lần lượt có P/E trượt dự phóng 1 năm là 14,6 lần và 17,6 lần; cao hơn so với bình quân quá khứ nhưng không đắt nếu nhìn vào cơ hội tăng trưởng mạnh và khả năng thiếu điện tại Việt Nam trong dài hạn.