Nguồn: VCSC
Lợi nhuận tăng mạnh trong quý 1/2022 nhờ thu nhập từ bồi thường
Doanh thu từ mủ cao su tự nhiên nhìn chung phù hợp với dự báo của chúng tôi, nhưng biên lợi nhuận gộp cao hơn so với kỳ vọng. Trong năm 2021, doanh thu từ cao su tự nhiên của GVR tăng 10% YoY đạt 3 nghìn tỷ đồng, tương ứng 14% dự báo cả năm và nhìn chung phù hợp với kỳ vọng hiện tại của chúng tôi khi doanh thu quý 1 thường chiếm khoảng 15% doanh thu trung bình cả năm trong giai đoạn 2019-2021. Chúng tôi ước tính biên lợi nhuận gộp từ mủ cao su tự nhiên tăng 14 điểm phần trăm YoY đạt 38,0% trong quý 1/2022 so với 24% vào quý 1/2021 và dự báo năm 2022 của chúng tôi là 30%. Chúng tôi lưu ý rằng GVR chưa công bố cơ cấu sản lượng bán và giá bán trung bình (ASP) nhưng chúng tôi tin rằng tăng trưởng doanh thu từ mủ CSTN trong quý 1/2022 chủ yếu nhờ ASP tăng, dẫn đến biên lợi nhuận gộp tăng so với cùng kỳ năm trước trong quý.
Mảng sản phẩm cao su có KQKD thấp hơn dự báo hiện tại của chúng tôi. Trong quý 1/2022, doanh thu từ các sản phẩm cao su giảm 41% YoY còn 475 tỷ đồng, tương ứng khoảng 14% dự báo cả năm của chúng tôi. Mảng kinh doanh này chủ yếu bao gồm sản xuất găng tay cao su. Chúng tôi cho rằng KQKD thấp của mảng này chủ yếu do tình trạng gián đoạn liên quan đến dịch COVID-19 giảm dần và sự cạnh tranh gia tăng từ các nhà sản xuất khác trong nước.
Khoản thu nhập từ bồi thường được ghi nhận đã thúc đẩy lợi nhuận quý 1/2022 và chủ yếu đến từ việc chuyển đổi đất cao su sang KCN VSIP III từ công ty con do GVR sở hữu 67% là CTCP Cao su Phước Hòa (HOSE: PHR). Chúng tôi lưu ý rằng do PHR và VSIP III đã nhận được tất cả các phê duyệt cần thiết cho việc chuyển đổi đất, PHR hiện có thể ghi nhận thu nhập bồi thường từ việc chuyển đổi đất dựa trên khoản thanh toán tiền mặt thực tế từ VSIP III. Tuy nhiên, quá trình đàm phán lịch thanh toán chính thức vẫn chưa hoàn tất, theo PHR.