Công trình Viettel (CTR): Trên đường trở thành công ty cho thuê hạ tầng viễn thông (towerco) hàng đầu Việt Nam vào cuối năm 2021

Nguồn: VCSC

Trên đường trở thành công ty cho thuê hạ tầng viễn thông (towerco) hàng đầu Việt Nam vào cuối năm 2021

 

CTR

  • Chúng tôi nâng khuyến nghị từ KHẢ QUAN lên MUA khi chúng tôi kỳ vọng Tổng CTCP Công trình Viettel (CTR) sẽ tận dụng đà tăng trưởng tiêu thụ dữ liệu di động ngày càng tăng của Việt Nam, nhờ mảng cho thuê hạ tầng (towerco) hấp dẫn.

  • Chúng tôi tăng giá mục tiêu thêm 12% khi chúng tôi cập nhật mô hình định giá từ giữa năm 2022 sang cuối năm 2022 dù giảm dự báo tổng EBITDA giai đoạn 2022-2024 thêm 5% chủ yếu do số lượng trạm viễn thông mới thấp hơn dự kiến trong quý 3/2021 trong bối cảnh hoạt động xây dựng bị gián đoạn nghiêm trọng do dịch COVID-19.

  • Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EBITDA đạt 27% trong giai đoạn 2021-2024, dẫn dắt bởi CAGR mảng towerco đạt 57% khi chúng tôi dự phóng CTR sẽ mở rộng số lượng trạm viễn thông của công ty từ 2.700 vào cuối năm 2021 lên 7.200 vào cuối năm 2024. Chúng tôi dự báo mảng towerco sẽ gia tăng đóng góp EBITDA từ 29% trong năm 2021 lên 55% trong năm 2024.

  • Chúng tôi định giá CTR bằng cách sử dụng kết hợp các phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF) và EV/EBITDA. Chúng tôi duy trì EV/EBITDA mục tiêu ở mức 16 lần đối với mảng towerco (cao hơn 10% so với mức trung bình 5 năm của các công ty towerco tại thị trường Châu Á mới nổi) và 7-9 lần đối với các mảng kinh doanh khác.

  • Yếu tố hỗ trợ: Hiện thực hóa kế hoạch Tập đoàn Viettel (Viettel – công ty mẹ của CTR) chuyển giao 15.000 trong số 45.000 trạm viễn thông hiện có sang CTR trong giai đoạn 2022-2025; triển khai 5G nhanh chóng thúc đẩy nhu cầu small cell.

  • Rủi ro đối với quan điểm tích cực của chúng tôi: Tăng trưởng tiêu thụ dữ liệu di động chậm; Viettel ưu tiên sở hữu trạm thay vì thuê CTR; không muốn chia sẻ trạm giữa các công ty viễn thông.

Chúng tôi ước tính CTR có thể trở thành công ty cho thuê hạ tầng viễn thông (towerco) lớn nhất Việt Nam vào cuối năm 2021. Tính đến tháng 10/2021, CTR sở hữu khoảng 2.212 trạm viễn thông so với khoảng 1.100 trạm tính đến cuối năm 2020, gần bằng với towerco OCK của Malaysia là khoảng 2.300. Theo dự báo của chúng tôi , số lượng trạm của CTR sẽ tăng lên khoảng 2.700/7.200 trạm vào cuối năm 2021/2024 (so với mức 3.000/7.500 trạm trong báo cáo trước đây của chúng tôi) khi chúng tôi giả định (1) Viettel sẽ mở rộng mạng lưới để phục vụ nhu cầu tiêu thụ dữ liệu di động ngày càng tăng của Việt Nam và (2) CTR sẽ sở hữu ít nhất khoảng 50% số trạm mới của Viettel. Chúng tôi dự báo EBITDA mảng towerco của CTR sẽ tăng gấp 4 lần vào năm 2021 và đạt tốc độ CAGR 56% vào năm 2021-2023 nhờ vào việc mở rộng tài sản cơ sở hạ tầng viễn thông - bao gồm DAS và cáp quang - và tỷ lệ cho thuê chung (tenancy rate) cải thiện.

Mảng Vận hành viễn thông có tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EBITDA đạt 11% trong giai đoạn 2021-2024. Chúng tôi kỳ vọng mảng Vận hành viễn thông sẽ được dẫn dắt bởi sự mở rộng mạng lưới viễn thông di động của Viettel và tăng trưởng thuê bao băng rộng cố định tại thị trường trong nước cùng với sự đóng góp từ thị trường nước ngoài (cụ thể, Cambodia và Myanmar). Được hỗ trợ bởi những yếu tố này, EBITDA mảng vận hành viễn thông tăng 21% YoY trong 6 tháng đầu năm 2021, theo ước tính của chúng tôi. Chúng tôi kỳ vọng mạng lưới viễn thông di động và viễn thông cố định trong nước của Viettel sẽ lần lượt tăng khoảng 2%-5% và 12%-15% mỗi năm.

Các dịch vụ thông minh như thành phố thông minh sẽ thúc đẩy mảng Tích hợp hệ thống (SI) trong khi đóng góp lớn hơn từ mảng Xây dựng bất động sản nhà ở sẽ hỗ trợ mảng xây dựng của CTR. Đối với giai đoạn 2021-2024, chúng tôi dự báo CAGR EBITDA của mảng SI và mảng Xây dựng lần lượt đạt 17% và 16%. Lợi thế cạnh tranh của CTR trong các mảng kinh doanh này là chuyên môn kỹ thuật chuyên sâu và năng lực triển khai mạnh mẽ đến từ mảng hạ tầng viễn thông hàng đầu của công ty.